(QNg)- Đưa di sản văn hóa dân gian địa phương vào trường học là nhằm mục đích giữ gìn và phát huy các giá trị quý báu của loại hình văn hoá này. Dự án “Sân khấu học đường” tại 3 điểm trường THCS gồm: Trường THCS Bình Dương (Bình Sơn);THCS Nguyễn Nghiêm (TP. Quảng Ngãi) và THCS Phổ Thạnh (Đức Phổ) do Sở VH-TT&DL tổ chức thực hiện bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực .
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đã gần bước vào năm học mới, nhưng những ngày này, các em học sinh tham gia lớp học hát dân ca nằm trong Dự án “Sân khấu học đường” tại Trường THCS Bình Dương vẫn say sưa luyện giọng. Thầy hướng dẫn các em là ông Bùi Duy Huyển (SN 1965), cán bộ văn hoá thông tin xã Bình Thuận (Bình Sơn). “Tham gia lớp học với cả niềm đam mê, nên các em tiếp thu rất nhanh các làn điệu dân ca. Nhờ vậy mà chưa đầy 1 tháng, cơ bản các em đã hát được các làn điệu dân ca hò, lý, các điệu bài chòi, dàn dựng các trích đoạn nổi tiếng như: Ông Xã bà Đội; Thoại Khanh- Châu Tuấn"- thầy giáo Bùi Duy Huyển phấn khởi kể.
Các em học sinh Trường THCS Bình Dương trong buổi học hát dân ca. |
Đến đây, các em không chỉ được học hát dân ca, hát bài chòi mà thông qua việc truyền dạy các loại hình nghệ thuật, các em còn được giáo dục đạo đức lối sống, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Các em cũng cảm thụ được các giá trị nghệ thuật truyền thống, rèn luyện ý thức trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. “Việc tham gia lớp học đã giúp cho em hiểu và biết hát 26 làn điệu dân ca. Em sẽ cố gắng tiếp thu tốt để tập cho bạn bè và người thân nhằm lưu giữ những làn điệu dân ca này”- Em Lê Anh Thư thổ lộ. Không chỉ Thư mà 19 học viên còn lại cũng hào hứng trong buổi học.
“Xưa nay em chỉ được nghe những bài hát thiếu nhi hiện đại, những ca khúc nhạc trẻ. Chính vì chưa được “tiếp xúc” với các làn điệu dân ca của quê hương nên lúc đầu tham gia lớp học em vẫn chưa định hình được nội dung và mục đích của lớp học. Tuy nhiên, đến nay em đã thuộc và biết hát được các làn điệu dân ca do ông bà xưa để lại. Đặc biệt là em đã biết hát nhiều bài hát ru”- em Huỳnh Thị Bích Loan rạng ngời khoe với chúng tôi.
Ông Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch cho biết: Dự án “Sân khấu học đường” đã được Bộ VH-TT&DL triển khai từ năm 2001 tại hơn 100 trường THCS trong cả nước. Riêng ở tỉnh ta, các loại hình về âm nhạc truyền thống như lý, vè, bài chòi bị mai một nhanh chóng. Đặc biệt, giới trẻ hầu như không hiểu biết về dân ca. Thông qua việc truyền dạy các loại hình nghệ thuật này để góp phần giáo dục đạo đức lối sống, giúp các em cảm thụ được các giá trị nghệ thuật truyền thống, rèn luyện ý thức trân trọng, gìn giữ. Từ đó giúp các em yêu mến loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương để trình diễn và truyền cho bạn bè và cộng đồng, nhằm bảo tồn loại hình nghệ thuật quý báu này.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG