(QNg)- Trường lớp xuống cấp, ọp ẹp, không nhà vệ sinh, không công trình nước sạch, thậm chí phải đi học nhờ… là thực trạng mà cô và trò ở nhiều trường mầm non phải đối mặt trong năm học mới.
Trường không ra trường
Cứ mỗi dịp bước vào năm học mới, nỗi lo lắng xen lẫn chạnh lòng đè nặng trong tâm tư của cán bộ-giáo viên các trường mầm non. Thật xót xa khi chứng kiến hình ảnh nhiều trường mầm non trong tỉnh chẳng phải là trường! Hàng nghìn cháu nhỏ phải trải qua lớp học đầu đời trong ngôi trường xuống cấp, ọp ẹp, thiếu thốn về mọi mặt.
Không có phòng làm việc, cán bộ-giáo viên Trường mầm non Hành Phước họp ở nhà bếp. |
“Mục sở thị” điểm trường trung tâm xã Hành Phước (Nghĩa Hành), chúng tôi không khỏi lo ngại trước sự xuống cấp nghiêm trọng của ngôi trường này. Năm học mới 2013-2014 điểm trường này có 70 cháu theo học. Trường được xây dựng trước năm 1975. Vách tường bong tróc, nham nhở. Những ngày mưa, ngồi trong lớp học như thể ngoài trời. Cô giáo Huỳnh Thị Giao bộc bạch: “Yêu nghề, yêu trẻ nên chúng tôi cố gắng bám trường, bám lớp. Nhưng nghĩ thấy thương các cháu phải học trong ngôi trường xuống cấp. Vào mùa mưa chúng tôi rất lo lắng cho sự an toàn của các cháu”.
Tương tự, Trường mầm non Hành Thịnh “thừa hưởng” cơ sở vật chất của hợp tác xã được xây dựng cách đây gần 40 năm. Trong số 8 phòng học thì đã có 6 phòng học bị xuống cấp. Không có phòng làm việc, ban giám hiệu của trường khi thì làm việc ở nhà, khi thì làm việc ở hành lang của các điểm trường. Bà Lưu Thị Bích Thủy-Hiệu trưởng Trường mầm non Hành Thịnh, thở dài: “Không những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường còn thiếu nhiều giáo viên”. Tại điểm Trường mầm non thôn Thống Nhất (xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh), sắp bước vào năm học mới nhưng trông ảm đạm, đìu hiu. Trong lớp học cô giáo để sẵn những chiếc thau để hứng nước mưa do phần mái bị dột. Bước vào lớp học nghe nồng nặc mùi phân súc vật. Bà Huỳnh Thị Mỹ-Hiệu trưởng Trường mầm non Tịnh Ấn Tây, bức xúc: “Kiến nghị nhiều nhưng đâu lại vào đấy. Chuồng bò của dân ngay sát lớp học, nước thải chảy ra lai láng hôi không chịu nổi. Đó là chưa kể vào mùa mưa, nước tràn vào lớp học là chuyện thường. Cũ kỹ quá rồi, xây dựng đã gần 40 năm”.
Học sinh chịu thiệt
Đối với nhiều trường học mầm non trên địa bàn tỉnh, dường như có chỗ để dạy đã là may mắn. Việc phòng ốc xuống cấp, thiếu phòng chức năng, thiếu công trình phụ, thiếu đồ chơi ngoài trời… thì “kêu hoài chẳng thấu”. Có nhiều trường mầm non chẳng có trụ sở, chỉ toàn học nhờ tại nhà văn hóa thôn. Ở huyện Sơn Tịnh hiện có 39 phòng học nhờ, 36 phòng học tạm. Huyện Nghĩa Hành có 24 phòng học tạm bợ, xuống cấp và nhiều điểm trường phải mượn nhà học tập cộng đồng làm phòng học. Ngay cả trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, nhiều điểm trường cũng khó khăn về cơ sở vật chất, không đáp ứng việc dạy và học theo chương trình giáo dục mầm non mới.
Bà Dương Thị Thu Thủy-Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh cho rằng, khó khăn về cơ sở vật chất đối với bậc học mầm non là vấn đề nan giải. Biết các cháu chịu thiệt và đã nhiều lần kiến nghị đến cơ quan chức năng, nhưng nguồn đầu tư còn hạn chế. “Dạy cho trẻ nếp sống văn minh, rửa tay bằng xà phòng, nhưng ở nhiều trường mầm non lại chưa được đầu tư công trình nước sạch”, bà Thủy nói. Các cô giáo ở nhiều trường mầm non chua chát kể, đi dạy phải chuẩn bị cây cuốc để khi có học sinh đại tiện thì cuốc đất… lấp.
Câu chuyện trường học không có nhà vệ sinh khiến nhiều người “cười ra nước mắt”. Cô và trò phải “nín” đại tiện, tiểu tiện mỗi khi đến trường. Học trò không “nín” nổi thì đi ở khu vực xung quanh trường, thậm chí đi ở trước sân trường. Cô giáo Lý Thị Kim Hồng (Trường mầm non Tịnh Ấn Tây) cho biết: Trường mầm non Tịnh Ấn Tây có 5 điểm trường, trong đó có 4 điểm trường không có nhà vệ sinh, không có công trình nước sạch, tường rào cổng ngõ “trống trơn”.
Theo chương trình giáo dục mầm non mới, trẻ phải được học 2 buổi/ngày. Do khó khăn về cơ sở vật chất nên nhiều trường học không tổ chức bán trú, điều này gây khó cho học sinh và các bậc phụ huynh. Trẻ ở lứa tuổi mầm non cần được chăm sóc chu đáo từng bữa, giấc ngủ, thế nhưng bất kể nhà gần hay xa, cứ mỗi ngày 4 lượt bố mẹ phải đưa đón các cháu. Trẻ cần được hỗ trợ để phát triển tư duy thông qua các trò chơi, góc học tập… thế nhưng nhiều phòng học quá ọp ẹp, khó cho hoạt động giảng dạy, vui chơi của trẻ. “Cơ sở vật chất bậc học mầm non quá khó khăn. Nhiều phòng học xuống cấp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng giáo viên và học sinh. Rất mong cơ quan chức năng quan tâm đến bậc học này”, ông Chế Thanh Vũ-Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành kiến nghị.
P.LÝ-K.NGÂN