“Lương cơ sở thời điểm bắt đầu cải cách, năm 1985, tương đương 60kg gạo/tháng thì mức lương cơ sở mới đưa ra gần đây cũng vẫn chỉ tương đương mức 65kg” - PGS.TS Ngô Quang Minh (Học viện chính trị quốc gia HCM) so sánh…
Dự án “Hỗ trợ xây dựng tầm nhìn của Chính phủ và lộ trình thực hiện đến năm 2020” do Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ “đặt hàng” Viện nghiên cứu kinh tế TƯ (CIEM), tư vấn quốc tế SKL International/PAI (Thụy Điển) thực hiện đã ra được bản dự thảo thứ 2. Ngày 3/7, CIEM tổ chức hội thảo để đánh giá khái quát về bản dự thảo đề án với nội dung nghe phản biện cho báo cáo của tư vấn quốc tế.
PGS.TS Ngô Quang Minh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) là một trong 2 chuyên gia được mời phản biện dự thảo đề án, nhận định dự án “hỗ trợ xây dựng tầm nhìn của Chính phủ” vẫn thiếu vắng những vấn đề cơ bản, căn cốt nhất của Việt Nam hiện tại.
Điểm phê đầu tiên ông Minh nhắc tới là gợi ý mô hình Hội đồng Bộ trưởng thay cho Chính phủ. Dẫn lại bài học kinh nghiệm về một thời kỳ dài tổ chức bộ máy theo mô hình này và đã phải từ bỏ, ông Minh cho rằng việc này chưa được phân tích, lý giải thỏa đáng.
Người phản biện cho rằng cần tập trung vào cơ chế xây dựng chính sách, đánh giá việc thực hiện cũng như chế tài xử lý khi chính sách bị vi phạm.
Tình trạng các cơ quan vẫn đang làm chính sách kiểu “trên trời” vừa qua được ông Minh điểm lại bằng các ví dụ sinh động như quy định lễ tang cán bộ công chức không dùng quá 7 vòng hoa, không lắp cửa kính trên nắp quan tài, đám cưới không quá 300 mâm… Những chính sách xây dựng kiểu này, TS Minh đánh giá là “chết ngay từ khi chuẩn bị ban hành”, nếu không người dân cũng thờ ơ, không quan tâm.
Thu nhập của cán bộ công chức hiện đến từ rất nhiều nguồn ngoài lương, khó có thể kiểm soát. |
Điều mắc mớ nhất là vô số chính sách chết yểu nhưng không ai chịu trách nhiệm, không ai bị xử lý vì kiểu làm chính sách viển vông như vậy.
Mong muốn ông Minh đưa ra là một Chính phủ gọn nhẹ, hiệu quả, hiệu lực, điều hành bài bản theo nghĩa kiến tạo để đất nước đi lên chứ không phải một Chính phủ xoay xở để đối phó với những tình huống, sự vụ liên tục hiện nay.
Trong vai trò người phản biện thứ 2, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thương mại Nguyễn Văn Nam đặt vấn đề, xây dựng tầm nhìn, tư duy đổi mới trong vấn đề cải cách hành chính, công vụ cần gắn với thực tế thể chế chính trị. “Chỉ nhăm nhăm cải cách thủ tục tức là chỉ hướng vào dọn phần ngọn mà không làm từ gốc, vừa kém hiệu quả vừa làm phát sinh thêm chi phí rất lớn cho xã hội” – ông Nam cảnh báo.
Ủng hộ xu hướng tăng thẩm quyền cũng như chi tiết hóa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan điều hành – Thủ tướng Chính phủ nhưng ông Nam cũng can gián ý tưởng xây dựng Văn phòng Thủ tướng thành một cơ quan mạnh trong Chính phủ. Người phản biện đặt câu hỏi, khi đó, Văn phòng Chính phủ sẽ mâu thuẫn với Văn phòng Thủ tướng, càng không có lợi.
Lương cơ sở hiện tại tương đương năm… 1985
Đi vào một cấu phần cụ thể của đề án là xây dựng nguồn nhân lực, nguyên Việ trưởng Viện Kinh tế thương mại khẳng định, các cơ quan nhà nước đều nhận thức được những việc phải làm để có nguồn nhân lực tốt. Tuy nhiên, cái khó ở Việt Nam là nhận thức rõ ràng vậy nhưng vẫn không làm được. Ông Nam dẫn chứng bản thân, trong quá trình công tác hơn 40 năm có tới 20 năm đi học. Học hành, đào tạo rất nhiều nhưng những kiến thức học được lại rất ít gắn với thực tiễn công việc.
Theo ông Nam, đó là tình trạng chung của công chức Việt Nam khi được bồi dưỡng về chính trị, nhận thức rất đầy đủ nhưng kiến thức hành nghề lại thiếu. Cán bộ ở các cấp chính quyền, lý luận thì nhuần nhuyễn nhưng kỹ năng tiếp dân thế nào lại không được học, làm việc cấp trên giao như nào cũng lúng túng.
“Có những cán bộ được đề bạt lên cấp rất cao nhưng chốt lại không biết làm việc gì cụ thể” – ông Nam nói.
Đề cập đến việc xây dựng bản mô tả công việc đối các vị trí công chức, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế thương mại kể chuyện nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển trước đây đã sát sao, trực tiếp làm việc với từng vụ, từng phòng ban để lập bản mô tả công việc giao cho từng cán bộ trong bộ. Kết quả, Bộ Thương mại khi đó lập được một tập hồ sơ dày dặn về nội dung công việc nhưng thực tế cũng không giúp cải thiện nhiều tình hình công chức “cắp ô”.
Khó khăn được chỉ thẳng là do khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động. Ông Nam quả quyết, Việt Nam không thiếu nhân tài để đảm nhiệm các chức vụ, vấn đề là phải tạo được cơ chế sử dụng gắn với quy định pháp luật rõ ràng. Ông Nam đề xuất chế độ giao việc bằng văn bản với chế tài cụ thể về việc kiểm điểm công tác định kỳ và thay thế ngay khi không hoàn thành nhiệm vụ.
Cách thức này là để chống tâm lý phổ biến của nhiều cán bộ là chỉ cần phấn đấu để được ngồi vào vị trí, khi đã đạt được thì có thể yên tâm “tại vị suốt đời”. Việc kỷ luật cán bộ nếu có vi phạm hết sức khó khăn. Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thương mại dẫn chứng, có Bộ trưởng sau khi rời nhiệm sở đã than, dù rất quyết liệt, cương quyết nhưng suốt nhiệm kỳ vẫn không kỷ luật được cán bộ nào vì quy trình cán bộ phức tạp, nhiều yếu tố chi phối.
Về vấn đề cải cách tiền lương của cán bộ công chức, ông Nam nhận xét, từ cơ quan điều hành đến cơ quan lập pháp mới chỉ tính toán xem xét trên mối quan hệ giữa lương và đời sống trong khi mối quan hệ cơ bản nhất cần điều chỉnh là giữa lương và năng suất lao động. Vì việc này chưa được chú trọng nên mới có tình trạng trong cơ quan nhà nước, có những người cặm cụi làm việc suốt đời vẫn… chỉ vậy trong khi nhiều người khác không làm việc gì cụ thể nhưng lại thăng tiến rất nhanh.
Bổ sung thêm những nhận định về bất cập của chính sách tiền lương, PGS.TS Ngô Quang Minh hướng sang đồng nghiệp Nguyễn Văn Nam, hóm hỉnh: “Chính chúng tôi nếu được hỏi có kiểm soát được thu nhập của mình không, mỗi tháng thu nhập bao nhiêu thì cũng khó trả lời được. Còn như quan chức, nhiều Thứ trưởng vừa qua nói thẳng lương của họ cũng không đủ sống, nói gì việc mua nhà, mua xe nhưng thực tế tất cả mọi người vẫn sống, thậm chí nhiều người giàu có”.
Trở lại thời điểm cải cách tiền lương năm 1985, ông Minh cho biết, lương cơ sở khi đó tương đương 60 kg gạo/tháng thì mức lương cơ sở mới công bố gần đây cũng vẫn chỉ tương đương mức 65 kg gạo/tháng (tính theo giá thị trường). Nhưng rõ ràng, đời sống của mọi người lao động, cán bộ công chức đều đã sung túc hơn nhiều.
“Cái Việt Nam cần bây giờ chính là cơ chế để kiểm soát được lương của cán bộ công chức thì đề án xây dựng Tầm nhìn của Chính phủ lại chưa đề cập” – ông Minh nêu yêu cầu.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần một công cụ, giải pháp để thanh lọc, loại bỏ được 30% công chức “cắp ô” vô tích sự (tương đương 840 nghìn đến 1 triệu người như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ rõ).
Chốt lại bài phản biện, ông Minh tỏ ý thất vọng với đề án vì chưa thể hình dung đến năm 2020 (thời hạn đề án nêu ra), có thể xây dựng một đội ngũ cán bộ công chức thạo việc, năng động, sống ổn với công việc, đồng lương của mình hay vẫn là một đội ngũ ngày ngày xoay xở, vật lộn với cuộc sống.
Theo P.Thảo/Dân trí