* Thanh Thảo
(QNĐT)- Tình cờ được xem đề thi và đáp án môn Lịch sử trong kỳ thi đại học và cao đẳng năm nay, tôi ngớ người: Đề thi khó thế này, chả trách nhiều thí sinh chỉ đạt điểm dưới trung bình.
Độ khó của đề thi môn Sử nằm ở câu hỏi về những sự kiện của Cách mạng Việt Nam đã xảy ra cách đây hơn hai phần ba thế kỷ, trong đó đòi hỏi thí sinh không chỉ phải nhớ ngày tháng xảy ra sự kiện mà còn phải phân tích được ý nghĩa dựa vào những diễn tiến của sự kiện.
Cái nặng của dạng đề thi này là buộc thí sinh phải nhớ, phải học thuộc lòng quá nhiều kiến thức về những sự kiện lịch sử. Đó là những kiến thức bây giờ hết sức dễ tìm trong các sách tham khảo hoặc lên mạng internet. Nhưng để nhớ hoặc thuộc lòng chúng thì lại không hề dễ dàng.
Ngay những người đã học đi học lại những kiến thức này qua nhiều cấp học như ở thế hệ chúng tôi, thì phải thú thật là cũng không thể nhớ chính xác và đầy đủ hết được những kiến thức đòi hỏi trong một đề thi như thế.
Với các em học sinh phổ thông, thì “tải” cho hết được những kiến thức như thế này vào phòng thi mà không được kèm theo “phao” (tài liệu) thì quả là nan giải. Học như thế thì đúng là… hành học sinh. Và ra đề thi như thế còn khó hơn cả… đánh đố.
Vừa qua, đoàn giám sát về giáo dục của Quốc hội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến giáo viên và chuyên gia giáo dục về chương trình-sách giáo khoa phổ thông và đã nhận được tuyệt đại ý kiến phản ánh một cách bức xúc: Chương trình-sách giáo khoa phổ thông là quá nặng! Trong đó có những kiến thức vừa nặng nề vừa thiếu thực tế và nhất là rất thiếu tính ứng dụng. Những kiến thức như thế có thể làm rối bộ nhớ của học sinh phổ thông hơn là gợi mở hay dắt dẫn học sinh trên con đường truy tìm kiến thức cho mình, những kiến thức có thể giúp mình trong cuộc sống, trong công việc sau này.
Học như… hành (người học) và “học nặng, hành nhẹ” là tổng kết cho hai luồng ý kiến phê phán về chương trình-sách giáo khoa phổ thông mà đoàn giám sát về giáo dục của Quốc hội nhận được trong suốt thời gian vừa qua khi đoàn khảo sát và lấy ý kiến các đối tượng có liên quan.
Tôi nhớ, ngày trước chúng tôi học phổ thông, lúc ấy là chương trình 10 năm (ở miền Bắc), chương trình cấp 1 cấp 2 hay cấp 3 đều được tinh lọc và đều vừa sức… nhớ của học trò. Có nhiều môn học còn gây sự thú vị cho học sinh, trong đó có hai môn mà bây giờ học sinh rất… ngán là môn Sử và môn Địa.
Ngay cách ra đề kiểm tra, đề thực hành mang về nhà làm hay đề thi tốt nghiệp, thì những kiến thức khá thực tế luôn được nhấn mạnh, và học sinh không cảm thấy… ớn trước các đề thi. Ngược lại, chúng tôi còn hăng hái giải đề thi vì cảm thấy trong đó có sự thách thức không quá sức mình.
Sở dĩ đề thi có sức lôi cuốn như thế vì chương trình-sách giáo khoa phổ thông được biên soạn khá khoa học, vừa trình độ tiếp nhận của học sinh, và không làm cho học sinh cảm thấy chán.
Để có được một chương trình-sách giáo khoa như thế, đòi hỏi biết bao tâm huyết, biết bao chất xám của đội ngũ những người biên soạn. Họ đều là những nhà giáo nổi tiếng trước khi là những chuyên gia tài ba về biên soạn sách giáo khoa./.