Sau cuộc họp với Hiệp hội các trường ĐH,CĐ NCL, chiều 5/3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Các trường NCL có thể tuyển sinh riêng ngay trong 2013 nếu có đề án tốt. Nhưng nếu dễ dãi sẽ chỉ giải quyết vấn đề trong vài năm. Sau khó khăn sẽ trầm trọng hơn và có thể bế tắc”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: "Từ nay đến năm 2020 không mở thêm trường ĐH" |
Bác đề xuất gộp thi tốt nghiệp, đại học
2 vấn đề lớn được đưa ra thảo luận là hỗ trợ như thế nào để các trường tuyển được SV, tuyển đủ chỉ tiêu. Thứ hai là cơ chế chính sách giúp các trường phát triển, tháo khỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế đất đai, thuế, đầu tư, cơ sở hạ tầng.
Liên quan tuyển sinh, báo cáo của Hiệp hội cho thấy những năm gần đây các trường gặp khó khăn, đặc biệt năm 2012 nhiều trường lượng tuyển thấp, có nguy cơ dừng hoạt động.
Thứ trưởng cho biết: “Về cơ bản, nếu các trường cũng như Hiệp hội có đề án tốt sẽ được cho áp dụng ngay vào mùa tuyển sinh 2013”.
Nhiều ý kiến đề xuất nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp và đại học làm một. Lý do được đưa ra là 2 kỳ thi cách nhau 1 tháng, tổ chức riêng quá tốn kém.
Một số ý kiến đề nghị bỏ điểm sàn hoặc giữ điểm sàn nhưng ở nhiều mức độ khác nhau theo tốp và giao các trường tự xác định điểm sàn theo khu vực và ngành nghề.
Phương án khác cũng được đề cập là giao các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng. Các trường khẳng định sẽ không tổ chức thi mà xét tuyển dựa vào kết quả của học sinh ở phổ thông”.
Khẳng định chủ trương của Bộ ủng hộ các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng, Thứ trưởng Ga nhấn mạnh: “Có thể thi, xét tuyển hoặc kết hợp hai hình thức. Quan trọng là phải đảm bảo công bằng, không xảy ra học thêm dạy thêm, xã hội có thể giám sát và yên tâm chất lượng đào tạo của các trường”.
Thứ trưởng khẳng định: "Hiện nay kỳ thi “ba chung” vẫn khiến xã hội yên tâm”.
Trao đổi về việc ghép 2 kỳ thi làm một, Thứ trưởng cho biết: “Về tính chất hai lần thi khác nhau. Nếu lấy điểm thi tốt nghiệp phổ thông xét vào ĐH-CĐ yêu cầu sẽ khác, đề thi phải phân loại được thí sinh cho các ngành nghề, tính nghiêm túc và công tác thanh tra, chấm thi cũng phải khác.
Muốn thực hiện cần có bước chuẩn bị nghiên cứu thận trọng. Nhưng áp dụng ngay trong 2013 là chưa được. Quan điểm của Bộ là từ nay đến 2015 vẫn tiến hành thi “ba chung”, chỉ điều chỉnh khâu kĩ thuật để các trường thuận lợi, thí sinh có nhiều điều kiện học tập”.
“Có thể sau 2015, khi chất lượng phổ thông và thi tốt nghiệp cải thiện, SGK đã đổi mới một số trường sẽ có thể xét tuyển. Việc thi tuyển sẽ áp dụng các trường tốp trên và có thể thi nhiều môn” – lời thứ trưởng.
Liên quan đến ý kiến xét điểm sàn theo tốp các trường, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay: “Bộ chưa có nghị định phân tầng đại học nên chưa thể buộc các trường lấy điểm tuyển sinh bao nhiêu cho vừa. Hiện Bộ đang xây dựng nghị định phân tầng và xếp hạng đại học. Khi đó sẽ có cơ chế riêng cho từng tốp trường. Thực tế, do bảo vệ uy tín các trường công lập không muốn lấy điểm thấp xuống.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: “Việc cứu các trường không đồng nghĩa với hy sinh chất lượng đào tạo”.
Đến năm 2020 không mở thêm trường
Đề cập đến “cơ thế đặc thù tuyển sinh cho các trường NCL”, theo Thứ trưởng Ga: “Nếu dễ dãi sẽ chỉ giải quyết vấn đề trong một vài năm, sau xã hội không thừa nhận nhà trường và người học, khó khăn sẽ trầm trọng hơn và có thể bế tắc. Áp dụng cơ chế riêng thậm chí có thể ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng các trường NCL”.
Một số ý kiến cho rằng điểm sàn ĐH,CĐ chưa hợp lý. Thứ trưởng cho biết Bộ đang lấy ý kiến rộng rãi trên báo chí và nghiên cứu, tính mức điểm sàn hợp lý nhằm đảm bảo nguồn tuyển cho các trường không khó khăn nhưng chất lượng thí sinh phải đảm bảo tối thiểu có thể theo học ĐH,CĐ.
Thừa nhận khó khăn của các trường trong việc xin đất “sạch” mở trường hay mong muốn đất mở trường gần khu dân cư để dễ tuyển, Thứ trưởng lưu ý các trường cần làm việc cụ thể với địa phương để đi đến thống nhất.
Bộ cũng đã gửi văn bản đề nghị Bộ Tài Chính và Chính phủ xem xét cho tất cả các trường đã được phép hoạt động và tuyển sinh đóng thuế 10% thay vì 25% như hiện nay.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Mới mức độ phát triển nóng như hiện nay, mục tiêu từ nay đến 2020 đạt 450SV/10.000 dân sẽ phải tính toán lại. Nghị quyết TƯ 2 nhấn mạnh chuyển mô hình phát triển các ĐH theo quy mô sang chiều sâu, chất lượng.
Về cơ bản từ nay đến 2020 sẽ có rất ít trường được mở thêm. Một số trường sẽ phải nhập vào nhau để đủ lớn, tránh manh mún dẫn tới tranh nhau nguồn tuyển sinh và không đảm bảo chất lượng như hiện nay.
Theo Văn Chung (Vietnamnet)