Sau tết, khác với những năm trước, lao động tại miền Trung không ùn ùn kéo vào Nam để mưu sinh nữa mà “chảy ngược” qua Lào hoặc ở lại quê hương. Theo lý giải của họ, vào Nam đi lại vất vả, tốn kém, thu nhập cũng không cao, lại hay bị nghỉ việc do kinh tế khó khăn, đơn đặt hàng ít…
Nhiều lao động xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt xe sang Lào tìm việc làm. |
Lao động qua Lào tăng
Ông Phạm Quang Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết, năm nay lực lượng lao động địa phương ít vào miền Nam kiếm việc hơn những năm trước mà làm hộ chiếu đi Lào. Hiện trên địa bàn xã có gần 50 người sang Lào làm thợ nề và các công việc lao động khác. Một số công ty ở Quảng Bình có cơ sở tại Lào cũng đã tuyển dụng nhiều công nhân địa phương sang Khăm Muộn và Xavanakhet để làm việc.
Theo thống kê của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72) Công an Quảng Bình, hơn 1.500 hồ sơ của người dân xin làm hộ chiếu, giấy thông hành để đi xuất khẩu lao động ở Lào và Hàn Quốc.... đã được đơn vị này tiếp nhận, giải quyết. Anh Nguyễn Văn Hải ở Quảng Trạch đang làm hồ sơ đi Lào cho biết: “Mấy năm trước vào miền Nam làm ăn cũng có chút ít gửi về phụ gia đình nhưng năm vừa rồi không đủ sống nên tôi làm hộ chiếu sang Lào lao động chân tay. Nghe nói bên đó đang nhiều công trình xây dựng, cần lao động Việt Nam”.
Tại thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh), gần 100 lao động thay vì trở lại miền Nam để kiếm việc như mọi năm thì nay cũng theo các đoàn thợ xây qua Lào làm ăn. Ông Nguyễn Đại Tự cho biết: “Việc bên Lào dễ kiếm mà tiền công cũng cao hơn đi miền Nam, chi tiêu không đắt đỏ nên tôi mới đi Lào”. Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo cũng xác nhận, đến ngày 23-2 đã có hơn 5.000 lượt người xuất cảnh sang Lào làm việc, theo nhận định, sau rằm tháng Giêng, lượng người xuất khẩu qua cửa khẩu Cha Lo sẽ tăng vọt.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, theo Phòng PA72 từ mùng 9 Tết đến nay, ngày nào cũng có hàng trăm người dân đến nộp hồ sơ, đổi hộ chiếu, giấy thông hành sang Lào làm ăn. Phòng đã huy động toàn bộ lực lượng làm việc liên tục không nghỉ trưa, buổi chiều làm tới 18 giờ để giải quyết tất cả hồ sơ trong ngày, tránh gây phiền hà cho bà con. Chỉ trong 2 ngày 18 và 19-2, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã tiếp nhận hơn 1.000 hồ sơ. Hầu hết hồ sơ xin cấp hộ chiếu để sang Lào làm ăn, chủ yếu là người dân huyện Phú Lộc. Dòng người đổ sang Lào ngày càng nhiều khiến xóm làng Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) sau những ngày tết trở nên vắng vẻ, chỉ có người già và trẻ nhỏ.
Đất đai ở Lộc Bổn phần lớn đều là đồi cát, ruộng lúa chỉ làm được một vụ, lại kề sát đầm phá, ngập mặn, sản lượng không đủ chi phí phân hóa học và thuốc trừ sâu. Chính vì vậy, những lao động chính, nhất là thanh niên không mặn mà với việc bám trụ lao động, sản xuất ở quê. Thế là người nọ rủ người kia, tạo thành phong trào xuất khẩu lao động sang Lào. Theo UBND xã Lộc Bổn, có hơn 4.000 người làm ăn ở Lào, có nhiều hộ đi cả gia đình. Đây là xã duy nhất ở Huế có người đi Lào nhiều như thế. Đa số họ làm ăn khấm khá, sắm nhà lầu xe hơi, làm thay đổi bộ mặt của toàn xã.
Ở lại quê làm việc
Cách đây vài năm, chuyện nông dân muốn có việc làm phải rời quê Nam tiến mưu sinh là chuyện thường. Làm nông, lợi nhuận từ hạt lúa, mảnh vườn rất khó trang trải cuộc sống. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Để đáp ứng đời sống, người lao động phải tìm kiếm đủ mọi cách để sinh nhai. Thế là mỗi năm sau tết, thanh niên ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi lại kéo nhau vào TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… tìm việc làm. Còn nay, nhiều người đã tình nguyện vào làm công nhân các nhà máy, xí nghiệp ở quê. Cứ sau mỗi mùa tết, những người ở lại quê làm việc nhiều hơn, năm sau cao hơn năm trước.
Anh Bùi Văn Lực quê xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) hiện đang làm việc tại Công ty TNHH Thương mại lâm sản Trường Thành (KCN Tịnh Phong, Sơn Tịnh) cho biết: “Làm việc gần nhà tuy thu nhập không cao bằng trong Nam, nhưng mức chi tiêu thấp hơn, lại có thời gian chăm sóc gia đình. Ngoài ra còn có thể làm thêm ít công ruộng và chăn nuôi tại gia đình để có thêm thu nhập, nên tính ra mức tích lũy cao hơn”.
Gia đình khó khăn, học xong cấp 3 chị Nguyễn Thị Thơ phải nghỉ học vào Nam làm việc. Do không có tay nghề, chị làm các công việc phổ thông, khoản lương nhận được hàng tháng trừ chi tiêu hàng ngày, gom góp, tiện tặn lắm chị mới có khoản dư chút ít gửi về quê. Sau 4 năm, chị Thơ quyết định quay về quê làm công nhân. Hiện chị Thơ đang làm việc tại Công ty TNHH XNK thương mại Thuyên Nguyên (KCN Tịnh Phong).
Theo chị Thơ, năm nay đón tết vui hơn vì công ty có thưởng. Và một niềm vui nho nhỏ mà những người lao động như chị Thơ thường chia sẻ đó là không phải chạy vạy, lùng mua vé tàu xe về quê đón tết nữa. Gia đình cũng không phải thấp thỏm, lo âu cho người thân như mọi năm.
Chị Nguyễn Thị Tùng Chi, quê ở huyện Nghĩa Hành, nói: “Tôi làm việc tại các doanh nghiệp dệt may ở TPHCM 17 năm nay, mức lương cao hơn so với ở quê nhà nhưng chi phí hàng ngày quá đắt đỏ lại phải xa chồng, con. Nay tôi về Quảng Ngãi xin vào làm tại Công ty May Vinatex, gần gia đình mà thu nhập cũng cao”.
Bà Cù Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh, cho biết: “Để người lao động có tay nghề đáp ứng ngay nhu cầu tuyển dụng của các DN, trong năm 2012, tỉnh đã đầu tư đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nghề, nhất là cho lao động ở nông thôn. Nhờ đó tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề tăng mạnh, trong năm 2012 đã có 6.950 lao động nông thôn trên toàn tỉnh được đào tạo nhiều ngành nghề phù hợp”.
Từ cuối năm 2012, đầu năm 2013, nhiều dự án lớn ở tỉnh Quảng Ngãi hoàn thành, đi vào hoạt động. Vì vậy, ngay sau Tết Quý Tỵ, một số DN may mặc xuất khẩu và điện tử lớn đồng loạt tuyển dụng hàng ngàn lao động, nhất là lao động phổ thông tại các địa phương trong tỉnh.
Ông Lê Hồng Hà, Phó ban Quản lý KCN Quảng Ngãi, cho biết: “Hiện các DN đang thông báo tuyển dụng khoảng 5.000 lao động. Trong đó, Công ty TNHH Điện tử Foster Quảng Ngãi tuyển 2.200 công nhân lao động phổ thông; Công ty May Vinatex, cũng đã có kế hoạch tuyển dụng từ 500 đến 600 công nhân để mở rộng dây chuyền sản xuất.
Trong quá trình tuyển dụng, Ban quản lý phối hợp với các DN xuống từng xã, thông báo để giúp các DN tuyển dụng lao động. Lao động có chiều hướng đến với DN trong tỉnh nhiều hơn các năm trước”.
Theo H.Minh - V.Thắng - M.Phong/Báo SGGPO