Ông lão... khuyến học

10:01, 01/01/2013
.

(QNg)- Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi trò chuyện cùng Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Từ Tân Vũ lâu đến thế. Chuyện về sự nghiệp giáo dục-chìa khóa của sự phát triển, được bộc bạch từ trong quá khứ đến thực tại, với nhiều điều còn trăn trở.


Đã ngoài 80 tuổi, thế mà cụ Từ Tân Vũ vẫn cứ đi khắp các miền quê trong tỉnh trao học bổng, động viên khích lệ thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống hiếu học. Cụ Vũ bảo, người dân Quảng Ngãi quê mình hiếu học lắm. Nhiều cháu tưởng chừng gục ngã trước số phận bất hạnh, thế mà nỗ lực vươn lên và trở thành niềm hãnh diện của gia đình, nhà trường và quê hương.

Chủ tịch Hội Khuyến học Từ Tân Vũ trao học bổng khuyến tài Phạm Văn Đồng cho sinh viên có học lực xuất sắc.
Chủ tịch Hội Khuyến học Từ Tân Vũ trao học bổng khuyến tài Phạm Văn Đồng cho sinh viên có học lực xuất sắc.

Ông lão với mái tóc bạc hiện rõ niềm vui trên khuôn mặt khi đưa ra minh chứng cho lời nói: "Học bổng khuyến tài Phạm Văn Đồng năm đầu tiên có 91 suất dành cho sinh viên học khá, giỏi. Năm nay là năm thứ 6, đã nhận được hơn 700 hồ sơ, trong đó trên 350 cháu có học lực giỏi. Nhiều cháu hoàn cảnh khó khăn vô cùng. Nghị lực và tinh thần hiếu học của các cháu đáng được biểu dương".


Kinh qua nhiều nhiệm vụ quan trọng (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VIII, Bí thư Thị ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh…), song đối với cụ Từ Tân Vũ, công tác giáo dục là niềm đam mê, là tâm huyết của cuộc đời. Cụ Vũ bộc bạch: "Bác Hồ từng dạy nhà giáo phải sống liêm khiết, trong sáng, vì con người, vì truyền thống hiếu học của dân tộc. Giáo dục là chìa khóa để đất nước, gia đình và mỗi con người đi lên. Lời dạy của Bác khiến tôi luôn thấm thía". Từ lời dạy này mà Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Từ Tân Vũ trở thành một trong những người đã gầy dựng, phát triển phong trào giáo dục ở quê hương núi Ấn-sông Trà từ trong kháng chiến gian lao đến những tháng năm xây dựng quê hương giàu đẹp. Ông luôn bảo, hoạt động giáo dục là hoạt động vì con người, vì xã hội và cũng là để rèn luyện mình.


Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Từ Tân Vũ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cảm động, hào hùng về trường cấp 2 Bình Sơn (trường cấp 2 thí điểm ở vùng giải phóng của tỉnh được thành lập giữa năm 1965), mái trường được ví như một pháo đài chống Mỹ. Lúc bấy giờ ông là Trưởng phòng GD huyện Bình Sơn, hiệu trưởng danh dự trường cấp 2 Bình Sơn. "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", "Trả thù cho đồng bào Bình Hòa và nhân dân ta bị Mỹ và tay sai giết hại"… thầy và trò nhà trường cả thảy hàng trăm con người hừng hực khí thế quyết tâm chống Mỹ.  "Thầy bám trò, bám lớp. Trò bám thầy, bám sách vở", "Vừa học, vừa chiến đấu", với tất cả lý trí và tình cảm thiết tha, thầy và trò trường cấp 2 Bình Sơn đã góp phần viết nên trang sử hào hùng. Mặc cho địch bắn phá ác liệt, mặc cho cái chết cận kề, trường lớp lại mọc lên, lớp học lại say sưa tiếng giảng bài...  


Tiết trời se lạnh, nhâm nhi ly trà nóng, cụ Từ Tân Vũ nhớ lại câu nói của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: "Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu". Cụ Vũ bảo, vốn đam mê nghề nhà giáo cao quý nên năm xưa lúc tập kết ra Bắc (1954), lý ra ông học đại học kiến trúc nhưng quyết tâm "rẽ hướng" vào sư phạm. Ông một mực kính trọng bậc thầy đã dạy ông phương pháp làm thầy, đó là giáo sư Nguyễn Lân, Đặng Thai Mai… Đối với ông, bậc thầy năm xưa luôn là tấm gương sáng để soi rọi, suy ngẫm lại bản thân. "Đừng học theo kiểu nhồi sọ. Đừng để mai một truyền thống tôn sư trọng đạo. Phát triển giáo dục phải đồng thời giữa giáo dục chính quy trong nhà trường và giáo dục cộng đồng, để thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài", Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Từ Tân Vũ chia sẻ.


Bài, ảnh: Phương Lý
 


.