Sơn Hà: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều khó khăn

06:12, 08/12/2012
.

(QNg)- Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cơ hội cho người nông dân được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn để có thể kiếm việc làm, nâng cao thu nhập. Thế nhưng, ở huyện miền núi Sơn Hà, công tác này vấp phải nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN


Sơn Hà là một trong sáu huyện miền núi của tỉnh. Diện tích đất nông nghiệp ít, địa hình chủ yếu là đồi núi, cách trở sông suối, cộng với việc không có nghề phụ nên đời sống của người dân nơi đây rất khó khăn. Để tạo việc làm cho người dân, UBND huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và các tổ chức hội đoàn thể trong huyện đã chú trọng đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn địa phương. Tuy nhiên, công tác này đang vấp phải nhiều khó khăn.

Từ 2010 đến nay, huyện đã huy động các nguồn lực, đầu tư kinh phí hơn 37 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm Dạy nghề huyện, với 8 phòng học, 2 dãy nhà xưởng phục vụ thực hành, nhà bán trú cho học viên và khu hiệu bộ. Trung tâm Dạy nghề huyện Sơn Hà được đưa vào sử dụng từ năm 2012, với khuôn viên rộng, lớp học khang trang. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, nên trái với vẻ bề ngoài hoành tráng, bên trong là sự thiếu thốn đủ bề. Nhà xưởng thực hành đã xây dựng xong nhưng bên trong chưa có gì. Vừa thiếu học viên lẫn giáo viên, trung tâm dạy nghề chỉ có 6 giáo viên, đa số làm công tác kiêm nhiệm.

Các lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi sẽ giúp nông dân miền núi có được kiến thức chăm sóc gia súc, gia cầm tốt hơn, hạn chế dịch bệnh, tập quán chăn thả rông.
Các lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi sẽ giúp nông dân miền núi có được kiến thức chăm sóc gia súc, gia cầm tốt hơn, hạn chế dịch bệnh, tập quán chăn thả rông.


Ông Phạm Văn Công- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện cho biết: Năm 2012, huyện nhận được nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 với kinh phí gần 380 triệu đồng, cộng với nguồn kinh phí thực hiện từ Chương trình 30a là hơn 400 triệu đồng. Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch của Sở LĐTB&XH và UBND huyện, Trung tâm đã triển khai đến các xã, thị trấn để khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, mở lớp theo nhu cầu từng địa bàn xã. Theo khảo sát, toàn huyện có gần 1.000 lao động có nhu cầu học nghề. Tuy nhiên, trong năm 2012, huyện Sơn Hà chỉ có kế hoạch mở 15 lớp để đào tạo gần 500 học viên theo chỉ tiêu.

Hiện tại, do khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, nên từ đầu năm đến nay, huyện mới mở được 4 lớp dạy nghề phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và kĩ thuật chăn nuôi cho gần 130 học viên theo học. Các lớp này chủ yếu từ Chương trình 30a. Theo lịch trình, từ nay đến cuối năm huyện triển khai 11 lớp dạy nghề còn lại. Theo ông Công, hầu hết phải mở lớp dạy nghề lưu động tại các xã, nhờ địa điểm nhà văn hóa của các thôn, hoặc UBND xã, nên việc dạy- học thiếu sự chủ động. Một bất cập nữa là, huyện đang tập trung mở lớp thuộc nhóm ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, cùng một thời điểm mở nhiều lớp nên khó khăn để bố trí giáo viên và phòng học.

Ngoài ra, do lao động người dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp, tập quán lạc hậu, khó làm quen với tác phong công nghiệp và tiếp thu kiến thức mới nên không mặn mà với việc học nghề. Ông Phạm Văn Công cho biết: "Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, chúng tôi sẽ kết hợp với chính quyền các xã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để lao động địa phương hiểu được lợi ích thiết thực của việc học nghề mà chủ động tham gia. Có vậy mới góp phần sớm giải bài toán xóa đói, giảm nghèo cho người dân miền núi.


Bài, ảnh: K.N
 


.