(QNg)- Do phát sinh tranh chấp quyền thừa kế ngôi nhà, vợ chồng ông Phan Hưng Hoàng ở tổ 13 phường Trần Phú phải về ở tạm nhà người thân ở khu phố 3, phường Nguyễn Nghiêm (TPQN). Khi quay về nơi đăng ký hộ khẩu làm thủ tục vay vốn học sinh sinh viên (Chương trình 157 của Chính phủ) nhưng UBND phường Trần Phú cho rằng không quản lý được con người nên không xác nhận hồ sơ, dẫn đến con ông Hoàng đang học đại học có nguy cơ bỏ học.
Dù cuộc sống gia đình khó khăn, bố đi làm thuê, mẹ buôn bán nhỏ ở chợ, nhưng hai con của vợ chồng ông Hoàng luôn có ý thức trong học tập và phụ giúp gia đình. Ngoài những buổi đến trường, hai em còn tranh thủ xin phụ chạy bàn ở quán ăn để có tiền mua sách vở, đóng tiền trường. Dù vậy, nhưng kết quả học tập của các em luôn dẫn đầu ở các khối lớp.
Năm 2010, thầy cô và bạn bè rất khâm phục khi nghe tin Phan Võ Bảo Trinh (con gái đầu của vợ chồng ông Hoàng) thi đỗ vào Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh. Còn vợ chồng ông Hoàng vô cùng hãnh diện khi cầm tờ giấy thông báo trúng tuyển của con nhưng trong lòng thì rối bời, vì không biết lấy đâu ra tiền để lo cho con. "Nó bảo, bố mẹ đừng lo nhiều, con vào trong thành phố vừa học vừa kiếm việc gì đó để làm thêm. Nhưng phận làm cha mẹ không cho phép tôi không suy nghĩ lời trấn an đó của con"- Bà Thảo kể trong nước mắt. Rất may trong lúc này, có nguồn vốn vay từ Chương trình 157/CP của Chính phủ về tín dụng đối với học sinh sinh viên nên vợ chồng ông Hoàng cũng vơi đi phần nào những lo toan.
Không thua kém gì chị, em Phan Võ Bảo Trâm cũng luôn cố gắng vươn lên trong học tập, được thầy cô, bạn bè trong Trường THPT Trần Quốc Tuấn qúy trọng, trao học bổng. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT niên khoá 2011-2012, Trâm đạt tổng số điểm 54,5 điểm/6 môn và thi đỗ vào Khoa Kinh tế Trường đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, ở nơi đất khách quê người, hai chị em Trâm vẫn đùm bọc chia sẻ nhau từng bữa ăn, chỗ ngủ. Sau những buổi lên giảng đường, hai chị em đều phải bươn chải làm thêm để tự nuôi sống bản thân.
"Đầu tháng 10/2012, bé Trâm điện thoại về báo gửi tiền vào nộp học phí chứ không nhà trường không cho thi. Tôi liền làm thủ tục gửi tổ dân phố và UBND phường Trần Phú xin xác nhận để được vay vốn từ Chương trình 157/CP, nhưng những nơi tôi đến đều từ chối với lý do cho rằng tôi không cư trú tại địa phương, không sinh hoạt tổ dân phố. Tôi giải thích và xin được xem xét giải quyết để các con khỏi phải bỏ học giữa chừng nhưng họ đều dửng dưng"- Bà Thảo kể trong nỗi niềm bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Chứng- Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: "Đơn vị cũng nhận đơn trình bày của vợ chồng anh Hoàng, chị Thảo. Tuy nhiên, Ngân hàng chỉ có trách nhiệm giải ngân vốn. Còn việc xét đủ điều kiện vay vốn hay không là ở địa phương. Chúng tôi đã chuyển đơn về UBND phường Trần Phú để xem xét giải quyết". Ông Chứng cũng cho biết thêm, về nguyên tắc, người dân trú ở bất cứ nơi nào cũng đều được vay vốn nếu được địa phương nơi cư trú xác nhận đủ điều kiện vay vốn.
Làm việc với chúng tôi, bà Dương Thị Nhàn- Phó Chủ tịch UBND phường Trần Phú lý giải: Theo quy trình vay vốn Chương trình 157/CP thì người dân phải có đơn gửi tổ dân phố nơi sinh sống xem xét nếu đủ điều kiện thì trình UBND phường xác nhận thì mới được giải ngân. Đối với hộ ông Hoàng đăng ký hộ khẩu ở phường Trần Phú nhưng hiện đang sinh sống tại phường Nguyễn Nghiêm. "Theo nguyên tắc thì hộ nào không thường trú tại địa phương thì không được xét mà phải về nơi thường trú. Như vậy ông Hoàng phải làm đơn và gửi hồ sơ đến phường Nguyễn Nghiêm để được xem xét giải quyết. Bởi việc ông Hoàng chuyển ở nơi khác nếu cho vay địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu lãi"- bà Nhàn nói.
Việc lý giải trên của UBND phường Trần Phú là cứng nhắc. Bởi lẽ, hồ sơ vay vốn cho con gái đầu vẫn được phường xác nhận, vợ chồng ông Hoàng trả lãi hàng quý đầy đủ cho tổ vay vốn của UBND phường Trần Phú. Vì vậy, việc tổ cho vay vốn của UBND phường Trần Phú cho rằng không quản lý được hộ gia đình ông Hoàng là chưa thấu tình đạt lý. Mặt khác, nhà của vợ chồng ông Hoàng ở phường Trần Phú đang xảy ra tranh chấp, dẫn đến thương tích cho vợ chồng ông Hoàng thì làm sao họ yên tâm ở tại địa phương để tham gia sinh hoạt tổ dân phố. Việc vợ chồng ông Hoàng chuyển đến phường Nguyễn Nghiêm ở tạm nhà người thân là chuyện ngoài ý muốn. Thực tế, hiện nay ông Hoàng cũng đang đi làm ở ngoài Đà Nẵng. Còn bà Thảo, vợ ông Hoàng buôn thúng bán bưng ở chợ tạm Quảng Ngãi tối mới về ở tạm nhà người thân. Do đó, UBND phường Trần Phú cần xem xét lại hồ sơ xin vay vốn của vợ chồng ông Hoàng, đừng vì một nguyên tắc cứng nhắc mà đẩy các con của ông Hoàng phải bỏ học giữa chừng vì không có tiền đóng học phí.
Đ.Nguyễn- T.Phương