(QNg)- Đó là năm học đầu tiên sau ngày miền Nam giải phóng. Một chiều hè cuối năm học, khi đang tất bật lo bữa cơm chiều thì nghe có tiếng honda xịch ngay trước cửa, tôi vội vã rửa tay đón khách. Vị khách xuất hiện có chút đường đột này là ông C. Ông đang là Hội trưởng hội cha mẹ học sinh của trường mà tôi đang dạy, là chủ một hiệu thuốc tây lớn nhất nhì thị xã lúc ấy. Với ông thì tôi chẳng lạ gì.
Điều lạ là cùng đi với ông còn có đứa con trai, đang học lớp 10 và khệ nệ mang theo cả một gói to tướng, bịt kín đặt ngay lên bàn nước phòng khách. Sau phút chào hỏi xã giao ngắn gọn, với vẻ trịnh trọng, ông C xoa tay: Không giấu gì thầy, cháu H, con gái đầu của tôi vừa đỗ tú tài trong kỳ thi vừa qua. Chúng tôi có tổ chức làm heo cúng mừng cho cháu theo lời nguyện từ trước. Gia đình gửi thầy để cùng vui với cháu.
Ông ra hiệu cho cậu con trai bóc mấy lớp nhật trình và trước mặt tôi là một chiếc đầu heo có đến bốn, năm ký, đặt trang trọng trên một tấm giấy bạc. Sau phút lúng túng trước tình huống bất ngờ này, tôi trấn tĩnh:
Xin chúc mừng gia đình! Nhưng việc em H đỗ tú tài, trước hết là do sự nỗ lực của em, kế đó là công lao của cả một tập thể thầy cô dạy các bộ môn chứ đâu chỉ là công của riêng tôi.
Ông C lại phân trần: Dạ! Dạ đúng vậy, nhưng cháu H học khá các môn tự nhiên. Các môn xã hội chỉ tầm tầm. Nhất là môn Văn học cách mạng, vừa mới mẻ, vừa khó, nhưng được học thầy, cháu thi đạt đến bảy điểm. Cháu rất cảm ơn thầy.
Nhìn chiếc thủ lợn bóng nhẫy, được sửa lận đúng kiểu, tôi chợt nghĩ về những bữa cơm đạm bạc, khi mà mỗi tháng vợ chồng tôi cũng chỉ được mấy lạng thịt tem phiếu; mỗi lần cầm phiếu đến cửa hàng chỉ chọn mua toàn mỡ để về chiên rau... thì cái thủ lợn này chắc sẽ cải thiện bữa ăn cho cả nhà có đến nửa tháng! Thế nhưng, nghĩ đến việc nhận nó, sao lòng vẫn thấy bất an, nhưng khước từ thẳng thừng thì e chạm phải một tình cảm chân thành từ ông C. Đang lúng túng thì chợt trong đầu tôi lóe lên một suy nghĩ khiến tôi nhẹ nhõm. Tôi thuyết trình một mạch, rất lưu loát:
- Tôi thật sự rất cảm ơn anh và gia đình đã biết đến công sức của những người làm nghề dạy học như chúng tôi. Nhưng để vui hơn, tôi nhờ anh mang món quà này về, thêm chút đỉnh gì đó, trưa mai làm bữa cơm thân mật, có đầy đủ các thầy cô đã cùng tôi dạy ở lớp của H. Tôi nhất định sẽ đến!
Ông C cố giải thích rằng: Bữa cơm ấy gia đình đã lo, muốn dành riêng phần này cho tôi, nhưng trước thái độ dứt khoát của tôi, ông không còn cách nào khác. Trưa hôm sau, tôi và tám thầy cô giáo bộ môn dạy ở lớp H đã có mặt đầy đủ trong bữa liên hoan đáng nhớ ấy. Thay mặt cho các thầy cô, tôi cảm ơn gia đình và chúc H thành công trong kỳ thi đại học sắp tới. Bữa cơm ấy trở thành một trong những kỷ niệm đẹp cho những người làm nghề dạy học như chúng tôi.
Trần Hoài Hà