Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

10:09, 09/09/2012
.

(QNg)- Chỉ riêng một kỹ năng sống bình thường là: biết bơi, rơi xuống nước không chìm, không chết đuối, mà bao nhiêu năm nay, qua bao nhiêu bài viết phản ánh và cảnh báo, qua bao nhiêu tai nạn đau lòng, nhưng chuyện chết người do đuối nước vẫn tiếp diễn, và có vẻ ngày càng trở thành một tai nạn lớn. Không chỉ trẻ em chết vì đuối nước, người lớn cũng chết vì đuối nước. Và điều đau lòng, là nhiều tai nạn chết người vì đuối nước chắc chắn không xảy ra nếu nạn nhân biết bơi.

Bộ GD&ĐT đang "chuẩn bị đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục", nhưng chỉ riêng một mảng quan trọng trong giáo dục học đường, là giáo dục kỹ năng sống, chẳng hạn như dạy học sinh tập bơi, mà bao lâu nay chưa thấy bất cứ nhà trường nào trong nước thực hiện. Nếu nói về kỹ năng sống, thì con người ta phải học suốt đời cũng không hết. Nhưng vẫn có những kỹ năng sống cần học trước, những kỹ năng có thể học sau, thích hợp cho từng lứa tuổi học sinh. Tôi còn nhớ, ngày tôi học cấp 1, những bài học đạo đức và ngoại khóa của chúng tôi bao giờ cũng có kèm theo những bài học về kỹ năng sống, trong đó, những bài học thực hành là rất quan trọng.

Những kiến thức cụ thể mà chúng tôi học được lúc ấy, phần lớn đều lấy từ những bài học thực hành của "Hướng đạo sinh 1946" mà sau này tôi được biết những nhà sáng lập đều là những nhà Cách mạng nổi tiếng của Việt Nam. Tôi đã được học bơi, được học xử lý những tình huống khó khăn khi chỉ có một mình, biết đánh cờ hiệu, tìm mật thư, biết nếu bị lạc trong rừng thì tìm những chỉ dấu nào để xác định phương hướng có thể thoát ra khỏi rừng… Rồi chúng tôi còn được học để biết giúp đỡ người già yếu, tàn tật, học để biết nhường nhịn từ chỗ ngồi trên xe bus hay ở nơi công cộng cho người già, phụ nữ mang thai và trẻ em… Đó là những bài học-trò chơi, rất thú vị, rất lôi cuốn, và khiến trẻ nhỏ chúng tôi tham gia với tất cả lòng yêu thích và đều để lại những dấu ấn khó phai trong suốt cuộc đời.

Những giáo trình của các môn học về kỹ năng sống như thế trong thời gian 1955-1960 có lẽ bây giờ vẫn còn, và không quá khó để Bộ GD&ĐT tìm lại được chúng. Chỉ có điều, Bộ có muốn áp dụng chúng cho việc giáo dục trong nhà trường hôm nay không mà thôi! Chứ cứ "dạy chay, học chay" về đạo đức công dân, hay kể cả những lý thuyết chung chung về "kỹ năng sống", thì riết rồi học sinh càng học càng không biết phải sống như thế nào, tuân theo những chuẩn mực nào, và làm sao để ứng xử thích hợp trong những tình huống cụ thể và phổ biến khi bắt buộc phải đối diện với chúng.

Sự lóng ngóng, thiếu kỹ năng sống nhiều khi tối thiểu, không biết ứng xử với các tình huống trong cuộc sống của học sinh ngày nay, là kết quả của một nền giáo dục học đường xa rời thực tế cuộc sống, học không gắn với hành, và đã biến nhiều kiến thức sống thành "kiến thức chết", lý thuyết suông.


 Thanh Thảo
 


.