(QNg)- Hiện nay, giải quyết việc làm cho thanh niên khu vực miền núi vẫn là bài toán còn bỏ ngỏ. Cơ hội tìm việc của thanh niên miền núi khá mong manh do trình độ học vấn còn hạn chế lại không được đào tạo nghề.
Xa xứ để tìm việc
Phần lớn thanh niên miền núi trong tỉnh chọn cho mình con đường xa xứ để mưu sinh. Bởi ở khu vực miền núi, phần lớn thanh niên chỉ biết tham gia canh tác, chăn nuôi nhỏ lẻ tại địa phương. Kinh tế phụ thuộc hẳn vào trồng trọt, chăn nuôi theo kiểu cầm chừng khiến đời sống thanh niên khá bấp bênh. Anh Đinh Quang Huy, thanh niên ở thôn Đèo Gió, xã Sơn Hạ cho biết: "Cứ đến vụ mùa, tôi lại đi cắt lúa hoặc trồng keo thuê. Ngày nào cũng có việc để làm nên thu nhập hàng tháng khoảng 3 triệu đồng. Nhưng chỉ được vài tháng trong thời kỳ mùa vụ. Khoảng thời gian còn lại, tôi chẳng biết làm gì để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống".
Trước tình hình không có việc làm thường xuyên, nhiều thanh niên đã chọn giải pháp đến các tỉnh lân cận hoặc "Nam tiến" để tìm kiếm việc làm. Tâm lí cần việc cộng với sự thiếu hiểu biết khiến nhiều người "sa chân" vào những chiêu bài được các đối tượng lừa đảo giăng sẵn.
Anh Đinh Bài, người bị đường dây lừa đảo đưa lao động lên Lâm Đồng bức xúc chia sẻ: "Không có việc làm nên tôi mới tin lời giới thiệu lên Lâm Đồng làm rẫy. Được bao ăn ở, mỗi tháng tôi có thể kiếm được 3-4 triệu đồng. Đó là số tiền mơ ước đối với một người sống ở miền núi như tôi. Không ngờ lên đến nơi mới vỡ lẽ rằng tiền lương chỉ có 2,2 triệu đồng. Đã thế, mỗi ngày chúng tôi phải đi làm quần quật. Sáng không được ăn sáng, trưa chỉ được cầm hơi bằng gói mì tôm. Thậm chí có nhiều người làm không nổi, còn bị chủ đánh đập". Anh Bài cố nén tiếng thở dài chia sẻ thêm: "Tưởng tìm được việc, không ngờ phải chịu khổ cực rồi trở về quê với hai bàn tay trắng". Không riêng gì anh Bài, mà nhiều thanh niên của xã Sơn Hạ (Sơn Hà) cũng bị lừa với chiêu bài "làm việc lương cao" để rồi sau đó rơi vào tay các chủ rẫy và bị ép lao động khổ sai.
"Cầm tay chỉ việc" vẫn thất bại
Bên cạnh những thanh niên thiếu việc làm, thì nhiều thanh niên lại tự ý bỏ việc. Đây là một nghịch lí vẫn còn tồn tại trong vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên khu vực miền núi tỉnh ta.
Theo báo cáo của Phòng Lao động, TB &XH Sơn Hà, từ 2009- 2012 có 61 lao động đang làm việc tại nước ngoài đã về nước trước thời hạn. Ông Lữ Đình Ngộ - Phó Phòng LĐ, TB & XH huyện Sơn Hà cho biết: "Nhằm giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn, Phòng Lao động- TB & XH phối hợp với UBND các xã, thị trấn chủ động mời các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu về địa phương để tư vấn cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp người lao động đang làm việc thì tự ý xin về, thậm chí còn đánh nhau với lao động nước bạn".
Anh Đinh Văn Bầng, một lao động về nước trước thời hạn tâm sự: "Làm việc ở Maylaysia tốt lắm. Mỗi ngày làm 8 tiếng, chỗ ở cũng rất vệ sinh và sạch sẽ. Trừ hết chi phí ăn ở mỗi tháng dư được hơn 4 triệu đồng". Tuy nhiên, anh vẫn xin về trước thời hạn. Lí giải nguyên nhân, anh Bầng tiếp tục giãi bày: "Đi làm, xa nhà lâu quá nên nhớ nhà và lo lắng cho vợ con nên tôi xin về thôi".
Trình độ học vấn thấp, thiếu tác phong làm việc theo kiểu công nghiệp nên dù đã được "cầm tay chỉ việc", nhưng một số thanh niên vẫn không biết nắm bắt cơ hội.
Thiết nghĩ, cần chú tâm đào tạo nghề cho thanh niên trong độ tuổi lao động khu vực miền núi trước khi hướng nghiệp; để người lao động có đầy đủ hành trang nhập cuộc với môi trường làm việc đa dạng hiện nay.
Ý THU