(QNg)- Giáo dục mầm non khu vực miền núi vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn do thiếu thốn cơ sở vật chất. Trong điều kiện ấy, thầy và trò trường mầm non các xã vùng sâu, vùng xa huyện Ba Tơ vẫn không ngừng nỗ lực khắc phục thiếu thốn, quyết tâm bám trường, giữ lớp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ trung tâm xã Ba Xa, lặn lội đoạn đèo dốc hơn 5km với vô số sình lầy, chúng tôi mới đến được Trường mầm non Nước Chạch, xã Ba Xa (Ba Tơ). Ngôi trường vách nứa đơn sơ, bốn bề gió thổi. Được biết, ngôi trường này mới được thầy cô và phụ huynh học sinh góp công xây dựng trong đợt hè để có chỗ cho học sinh học tập khi bước vào năm học mới.
Giáo viên và phụ huynh học sinh đang dựng phòng học tạm cho Trường mầm non Nước Chạch. |
Lớp học đơn sơ chưa đến 10 bộ bàn ghế. Đồ dùng học tập cho các bé chỉ là tấm bảng đen. Với các bé mầm non nơi đây, đồ chơi có lẽ vẫn còn là giấc mơ.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục huyện Ba Tơ, trên địa bàn xã Ba Vì, phòng học mầm non tạm bợ, chiếm đến 100%; còn Ba Xa có 10 phòng học mầm non thì chỉ có 2 phòng học bán kiên cố, còn lại là phòng học tranh tre.
Thật xót xa khi nhìn thấy các em ở độ tuổi mầm non đi chân đất đến trường. Khi được hỏi cháu tên gì, bao nhiêu tuổi, phần lớn các em đều ngơ ngác vì chưa hiểu được tiếng Kinh.
Cô giáo Trần Thu Hiền - giáo viên Trường mầm non Nước Chạch cho biết: "Khi mới giảng dạy, tôi gặp rất nhiều khó khăn do bất đồng vềâ ngôn ngữ. Cả lớp chỉ có một cháu biết tiếng Kinh. Rồi dần dà, nghe cháu nói chuyện mình tự tìm hiểu thêm về ngôn ngữ của cháu để cô trò hiểu nhau hơn".
Không chỉ vấp phải khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, thầy và trò nơi đây còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do điều kiện vật chất tại các thôn nghèo của xã Ba Xa còn nhiều hạn chế. Trong khi ở đồng bằng, các cháu ở lứa tuổi mầm non được cha mẹ dành thời gian đưa đón đến trường, thì đối với trẻ em nơi đây, đi học là phải tự thân vận động. Những đứa trẻ mới 5 - 6 tuổi đi bộ qua sình lầy, dốc cao để đến trường. Thậm chí có trẻ còn cõng em trên lưng vượt suối đến lớp. Em Phạm Thị Phương, học lớp mẫu giáo lớn của Trường mầm non Nước Chạch ngày nào cũng cõng em đến trường. Khi được hỏi có mệt không, em chỉ cười rồi đáp bằng tiếng Kinh còn lõm bõm: "Cháu quen rồi mà, ngày nào chả thế! Cõng em đi chứ nó nhỏ hơn cháu mà. Nó lội qua sình, qua suối thì tội lắm!".
Mùa nắng còn đỡ vất vả, chứ mỗi khi mùa mưa đến, nước suối dâng cao, nhiều học sinh không thể đến lớp. Các thầy cô giáo lại phải đến từng nhà vận động phụ huynh đưa các em đến trường. Cô giáo Võ Thị Mỹ Trang- Hiệu trưởng Trường mầm non Ba Xa tâm sự: "Mỗi khi các em ngại đến trường, giáo viên chúng tôi lại chia ra, đến từng nhà vận động vì không muốn các em bỏ học. Nhưng nghĩ cũng thương, vì các em còn nhỏ quá mà phải đi bộ, đội nắng, đội mưa để đến trường". Đấy là chưa kể đến những lúc thời tiết xấu, ngôi trường tạm bợ vách nứa không đủ sức che chắn gió mưa.
Trò đã vậy, thầy cũng gặp nhiều trở ngại không kém. "Lứa tuổi mầm non còn quá nhỏ nên ý thức tự giác chưa cao. Chính vì thế thầy cô các trường mầm non khu vực miền núi Ba Tơ phải đến từng thôn vận động thường xuyên, đồng thời phải đảm bảo sự an toàn của các cháu khi đến trường vào mùa mưa lũ. Nhiều khi đi dạy, giáo viên còn bị vỡ lốc máy xe phải dắt bộ đến lớp do đường đi quá nhiều đèo dốc dựng đứng", cô Mỹ Trang - Hiệu trưởng Trường mầm non Ba Xa chia sẻ.
Ngoài những khó khăn trên, các thôn như Nước Chạch, Mân Môn… (Ba Xa) vẫn chưa có điện nên việc giảng dạy và học tập của thầy trò nơi đây càng thêm khó. Nhiều hôm thời tiết quá xấu, lại không có điện thắp sáng, nên lớp học không đủ điều kiện về ánh sáng cho học sinh học tập.
Thiết nghĩ, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần sớm có giải pháp để từng bước khắc phục những khó khăn, tạo môi trường học tập tốt hơn cho học sinh tuổi mầm non khu vực miền núi.
Bài, ảnh: Ý THU