(QNg)- Với suy nghĩ cần phải có kiến thức để phát triển gia đình, xây dựng quê hương, nên dù phải trải qua lắm nỗi gian truân, thương binh Đỗ Đức Sâm ở xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) vẫn động viên các con phấn đấu học tập. Riêng ông cũng tự học hỏi qua sách báo và mọi người để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đầu năm 1983, ông cùng với đơn vị hành quân sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Trong một lần chiến đấu với địch, ông đã bị thương tỉ lệ thương tật 53%. Năm 1987, ông Sâm xuất ngũ trở về địa phương với chế độ bệnh binh 2/3, tỉ lệ mất sức lao động 71%. Trở về gia đình với cha mẹ già, vợ hay đau yếu, hai con thơ dại, cuộc sống của gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc chăm sóc 3 sào ruộng lúa bạc màu, ông còn lặn lội giữa đêm hôm, mưa gió đơm bắt cá về làm thức ăn cho gia đình.
Ông Đỗ Đức Sâm chăm sóc mì. |
Năm 1989, ông mạnh dạn làm đơn xin thuê 3ha đất gò đồi trồng bạch đàn và khoai mì cùng nhiều loại hoa màu. Từ tờ mờ sáng, ông vội vã thức dậy đã vội vã lên đồi cuốc xới đến tối mịt mới trở về nhà. Sự vất vả ấy đã mang lại cho gia đình ông mỗi năm từ 3 - 4 tấn mì khô thái lát cùng với sản lượng lớn hoa màu, cây bạch đàn ngày càng xanh tốt. Bên cạnh đó, vợ chồng ông còn chăn nuôi bò, lợn và nhiều loại gia cầm để tăng nguồn thu nhập.
Khi có chủ trương trồng mía trên gò đồi, ông nhận canh tác hơn 2ha với khoản thu nhập mỗi năm trên 50 triệu đồng. Với hơn 5ha đất hiện có, ông đã chuyển sang trồng keo lá tràm, cây mía, khoai mì… cộng với việc chăn nuôi trong gia đình, mỗi năm, gia đình ông thu lãi trên 70 triệu đồng. Vào lúc thời vụ, ông còn giải quyết việc làm cho 10- 14 lao động với mức thu nhập từ 130.000 - 160.000 đồng/ngày/người.
"Đồng tiền của ông thấm đẫm mồ hôi, dãi dầu một nắng hai sương, nhưng ông Sâm rất sẵn lòng giúp đỡ mọi người vay không tính lãi. Có người vay đến cả chục năm mới có điều kiện gửi lại ông cũng vui lòng. Khi cho vay tiền trị giá 5 chỉ vàng, đến khi nhận lại chỉ được 1 chỉ, ổng vẫn vui lòng cho vay tiếp khi có nhu cầu. Ông Sâm còn đến tận nhà hướng dẫn cách làm ăn nên có nhiều hộ vươn lên làm giàu trên vùng đất bạc màu" - anh Lê Hoàng Nhân, cán bộ xã Phổ Nhơn, nói về việc giúp vốn của ông Sâm.
Với suy nghĩ cần phải có kiến thức để phát triển gia đình, xây dựng quê hương, nên ông Sâm đã động viên cả 4 người con phấn đấu học tập. Từ nhỏ đến lớn, các con ông luôn dẫn đầu thành tích học tập của nhà trường. Hiện 3 người con đầu là Đỗ Thị Danh Phương, Đỗ Thị Phương Thư, Đỗ Quang Sinh đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Người con trai út là Đỗ Quang Viên là sinh viên năm thứ tư tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. "Nhiều lúc tưởng chừng ngã quỵ vì không đủ tiền lo cho các con ăn học, nhưng vẫn phải ráng hết sức để các con được đến trường. Những lúc như thế, vợ chồng tôi phải vơ vét bán lợn, gà và cả bao lúa cuối cùng để lo cho con. Có lẽ vì thấy cha mẹ quá cơ cực, nên các con tôi đều chăm ngoan học giỏi… Tuy không quyết định ngành nghề của con, nhưng tôi luôn theo dõi về khả năng để hướng chúng chọn ngành nghề phù hợp" - ông Sâm cho biết.
Không chỉ tích cực tăng gia sản xuất, nuôi dạy các con nên người, ông Đỗ Đức Sâm còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội và hoàn thành tốt nhiệm vụ với các chức danh: Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng Cựu chiến binh, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, Chi hội trưởng khuyến học… Ông luôn sâu sát với quần chúng để nắm bắt tình hình và có hướng giải quyết phù hợp. Để thúc đẩy phong trào, ông vừa hiến trên 400m2 đất xây dựng đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, ông còn đóng góp trên 70 triệu đồng vào quỹ vì người nghèo, ủng hộ bão lụt, trao học bổng cho những học sinh vượt khó…
Với những đóng góp của ông đã được các cấp, ngành trao tặng nhiều bằng khen và giấy khen. Ông đã vinh dự được chọn là cá nhân điển hình tham dự hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012 do Bộ LĐTB - XH phối hợp với Bộ Quốc phòng, Báo Nhân dân và UBND TP Đà Nẵng tổ chức vào tháng 7 vừa qua.
Trang Thy