(QNg)- Để trẻ tiếp cận tốt chương trình học 2 buổi/ngày cần phải có đủ phòng học và nhà ở bán trú. Trước thềm năm học mới, nhiều người không khỏi trăn trở về vấn đề này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vẫn chuyện… thiếu phòng học
Cán bộ quản lý-giáo viên ở nhiều trường mầm non trong tỉnh trăn trở, việc không có đủ phòng học để dạy 2 buổi/ngày cho trẻ theo chương trình giáo dục mầm non mới. Thiếu phòng học là “bài ca muôn thuở” đối với bậc học này. Ông Lê Hoài Thạnh-Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây cho hay, năm học mới 2012-2013 toàn huyện có 1.500 trẻ ở bậc mầm non, trong đó có gần 500 trẻ 5 tuổi.
Năm học này, huyện Sơn Tây tiến bộ hơn năm ngoái là tỉ lệ trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt khoảng 20% (tăng 5%). Trưởng phòng Lê Hoài Thạnh không lấy làm vui trước sự tiến bộ này, bởi tỷ lệ trẻ được học 2 buổi/ngày trên địa bàn huyện quá thấp. Thực tế này cho thấy, cơ hội tiếp cận chương trình giáo dục mầm non mới của trẻ sẽ bị hạn chế. “Phòng học thiếu quá nhiều. Mặt khác, điều kiện đi lại ở vùng cao rất khó khăn, để trẻ học 2 buổi/ngày cần phải có bán trú”, ông Thạnh trăn trở.
Các trường mầm non cần tổ chức bán trú để triển khai tốt chương trình giáo dục 2 buổi/ngày. Trong ảnh: Học sinh ăn trưa tại Trường MN Kim Phú (TP.Quảng Ngãi). |
Có đủ phòng học để dạy chương trình giáo dục mầm non mới cho trẻ, để trẻ năng động, linh hoạt hơn trong việc tiếp cận kiến thức trước khi bước vào lớp 1 dường như là nỗi khao khát đối với nhiều trường mầm non ở tỉnh ta. Huyện Mộ Đức là đơn vị được Sở GD&ĐT đánh giá thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi. Thế nhưng vấn đề thiếu phòng học vẫn là trở ngại khiến một số địa phương trên địa bàn huyện có tỉ lệ trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày chưa cao như Đức Phong, Đức Hiệp…
Còn ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa), trong số 600 học sinh bậc mầm non thì chỉ có 300 trẻ được học 2 buổi/ngày. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy-Phó hiệu trưởng Trường MN Nghĩa An, thở dài: “Năm học nào cũng lo lắng việc không có đủ phòng học. Muốn tất cả các cháu được học 2 buổi/ngày thế nhưng điều kiện quá khó khăn…”. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện thiếu trên 500 phòng học đối với bậc mầm non.
Vất vả vì không có bán trú
Một cán bộ làm công tác quản lý giáo dục lâu năm ở tỉnh ta cho rằng, dạy 2 buổi/ngày thì cần thiết phải có bán trú, còn không có khi lại “hại” các cháu. Các cháu ở lứa tuổi mầm non dễ bị đau ốm, cần phải được chăm chút nhiều về sức khỏe. Nhiều cháu nhà ở xa, học 2 buổi/ngày phải tốn công đi-về 4 lần trong ngày, điều này không tốt cho sức khỏe. Ở nhiều trường mầm non trong tỉnh tổ chức dạy 2 buổi/ngày, thường thì vào buổi chiều số lượng trẻ ra lớp giảm nhiều so với số trẻ ra lớp buổi sáng chính vì lí do không có bán trú.
Có nhiều lớp, số trẻ học buổi chiều ít hơn phân nửa so với buổi sáng. Lí do các bậc phụ huynh đưa ra là sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Nhiều trẻ đang trong giấc ngủ trưa nên không nỡ đánh thức và nhiều khi bận việc không sắp xếp được thời gian để ngày nào cũng 2 lần chở đi, 2 lần đón về. Hiện toàn tỉnh có khoảng 50% trường mầm non tổ chức bán trú. Nhiều trường mong muốn tổ chức bán trú nhưng không có kinh phí để xây dựng phòng học, nhà bếp và thực hiện chế độ chi trả cho cấp dưỡng. “Đã nhiều lần đề xuất với chính quyền địa phương và ngành giáo dục hỗ trợ kinh phí xây dựng bếp ăn để nhà trường tổ chức bán trú, tạo điều kiện thuận lợi trong việc nuôi dưỡng, dạy bảo các cháu nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư”-Phó hiệu trưởng Trường MN Nghĩa An Nguyễn Thị Thu Thủy, bức xúc.
Đối với bậc mầm non, giáo dục đi đôi với giáo dưỡng. Do đó tổ chức bán trú là yêu cầu cần thiết, nhất là khi triển khai chương trình giáo dục mầm mon mới. Trẻ bị suy dinh dưỡng ở các trường mầm non hiện đang là mối quan tâm của nhiều người. Theo cán bộ phòng giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT), trẻ suy dinh dưỡng ở các trường mầm non trong tỉnh chiếm gần 14%. Ở các huyện vùng cao, tỷ lệ trẻ ở lứa tuổi mầm non bị suy dinh dưỡng ở mức cao. Đơn cử như ở vùng cao Trà Bồng, có xã trẻ suy dinh dưỡng chiếm 32%. Do đó, tỉnh ta cần quan tâm đầu tư đúng mức đối với bậc học mầm non-bậc học mà mọi người đều thừa nhận là đặc biệt quan trọng.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ