Việc phân luồng sau các bậc học THCS, THPT

02:06, 23/06/2012
.

(QNg)- Phân luồng sau bậc học THCS hiện nay bao gồm vào THPT (công lập, bán công, dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, tỉnh), các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề trung ương hay địa phương. Một số các em vào thị trường lao động xã hội, và cũng không tránh khỏi còn có trường hợp thiếu niên rong chơi lãng phí những năm tháng quan trọng trong đời…

Bây giờ đang là thời điểm học sinh thi vào các trường THPT công lập. Muốn đỗ vào một trường THPT công lập nào đó đòi hỏi học sinh thực hiện tốt hai khâu: ôn tập và chọn trường để thi. Tính đúng đắn trong việc học của học sinh, việc tư vấn của nhà trường nói chung, việc theo dõi quản lý, lựa chọn của gia đình, cùng với khâu chỉ đạo của ngành giáo dục sẽ giúp các em thi đậu được vào một trường THPT phù hợp với năng lực học tập của mình.

Kết quả tốt nhất trong quá trình này sẽ là bước đầu chọn hướng đi đúng, tránh những áp lực lớn trong học tập về sau. Không đậu được vào THPT công lập, các em có thể xin vào học các trường THPT bán công, dân lập hay TTGDTX của tỉnh, huyện. Đối với học sinh hoàn cảnh khó khăn có thể vào học các TTGDTX, để vừa học vừa tham gia công việc gia đình và giải quyết khó khăn cuộc sống trước mắt. Không vào học các trường phổ thông, học sinh có thể thi hay ghi danh vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề để vừa có điều kiện nâng cao trình độ, vừa học được một nghề cho bản thân. Một số em khác thường do sức học yếu, hoặc hoàn cảnh quá khó khăn phải sớm tham gia lao động cũng là điều hiển nhiên phải chấp nhận. Nhưng gây nhức nhối cho xã hội hiện nay là những em không chịu đi theo một luồng nào, mà chỉ rong chơi hoang nghịch dẫn đến phạm pháp.

Phân luồng sau THPT, hướng này rộng, hấp dẫn và đòi hỏi nhận thức cao hơn, bởi đây là giai đoạn trực tiếp vào đời. Chọn trường đại học hay  cao đẳng, TCCN để thi là một không gian mở. Nhưng càng rộng mở thì đòi hỏi học sinh phải biết lựa chọn đúng năng lực, sở trường và lòng quyết tâm theo đuổi mục đích. Sai ở bước này, con người chẳng những gặp trở ngại lớn trong cuộc sống cá nhân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Tất nhiên trách nhiệm của nhà trường trong tư vấn, gia đình trong đầu tư hỗ trợ tinh thần, vật chất và thông tin xã hội kịp thời cho  học sinh là không nhỏ.

Về tầm vĩ mô, Nhà nước và các bộ ngành liên quan đã mở nhiều loại hình trường lớp cho cả hai bậc học. Thế nhưng, hướng đào tạo nghề hiện nay đang có những bất cập như: Tốt nghiệp các trường TCCN, dạy nghề tìm việc khó, lương thấp, học liên thông lên bậc cao hơn gặp trở ngại… Phía đào tạo ngành nghề tuy có nhiều loại hình trường công lập, dân lập phong phú, nhưng chất lượng đầu ra khác nhau. Đó là nguyên nhân làm giảm sự hấp dẫn nghề nghiệp.

Tình trạng thừa thầy thiếu thợ cũng đang là vấn đề phải giải quyết, đẳng cấp thợ giữa giấy tờ và thực tế tay nghề nhiều khi khác xa nhau... Quan niệm trong nhân dân lại cứ phải thi vào đại học, trong khi năng lực người học không thể đáp ứng được. Vừa qua Trung tâm nghiên cứu của Bộ GD&ĐT đã cử cán bộ về công tác ở một số tỉnh thành để điều nghiên việc phân luồng học sinh sau THPT, THCS, nhằm đề xuất một giải pháp tinh gọn, hợp lý, đạt hiệu quả cao cho hai hướng: Đào tạo lên đại học và đào tạo nghề. Trong đó đào tạo nghề phải đủ sức thuyết phục về sử dụng và phát triển. Thiết nghĩ việc làm này rất đúng, cần sớm được thực hiện, nhưng kết quả của nó còn phụ thuộc vào sự quan tâm của xã hội.     

Bùi Văn Tạo
 


.