Thầy trò "trường 0%" tăng tốc vượt "vũ môn"

03:05, 17/05/2012
.

(QNg)- Để không lặp lại "kỳ tích khó nuốt" với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 0% đã từng xảy ra, ngay từ sau Tết Nguyên đán thầy và trò Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây) đang nỗ lực quyết tâm đạt thành tích tốt nhất trong kỳ thi sắp tới.

TIN LIÊN QUAN


Tăng tiết học, giảm giờ ngủ

Mặc dù "kỳ tích" 0% đã không tồn tại từ sau kỳ thi tốt nghiệp năm 2007, nhưng với những người làm công tác "vác chữ lên non" nơi này vẫn không thể nào quên được. "Đó như là một bài học mà thầy và trò nhà trường luôn khắc ghi. Chúng tôi luôn lấy lại "kỷ niệm buồn" để nói chuyện với học trò. Dù biết, câu chuyện đó ai cũng muốn quên đi, nhưng quên sao được, nhắc lại không phải để "dọa" học trò mà làm vậy để thầy và trò ý thức được trách nhiệm của mình, phải nỗ lực tự thân vận động để đạt được kết quả như ý muốn" - thầy Lê Cao Đồng-Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Phòng máy vi tính của trường luôn mở cửa giúp các em tìm kiếm thông tin, tài liệu bỗ trợ cho việc ôn thi hiệu quả.
Phòng máy vi tính của trường luôn mở cửa giúp các em tìm kiếm thông tin, tài liệu bỗ trợ cho việc ôn thi hiệu quả.


Theo thầy Đồng, để đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp 2012, nhà trường đã lên lịch ôn luyện cho từng nhóm học sinh khác nhau theo kết quả học tập. Theo đó, những em học sinh có học lực trung bình và yếu sẽ được tổ chức ôn luyện riêng nhằm củng cố cho các em kiến thức cơ bản. "Ngoài phụ đạo các môn thi tốt nghiệp 2 tiết/tuần và một tiết tự chọn thì ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp nhà trường đã tăng số tiết các môn thi tốt nghiệp gấp 2-3 lần so với chương trình bình thường. Ngoài ra, nhà trường còn cử giáo viên phụ đạo thêm thời gian ban đêm và đến từng phòng ở đối với học sinh bán trú… gõ đầu giường đánh thức các em dậy ôn bài" - thầy Đồng cho biết thêm.

Trước "lịch" ôn luyện đặc biệt của nhà trường đã làm nhiều học sinh tỏ ra bối rối và "khó xử" do thói quen thức khuya dậy sớm chưa bao giờ được học trò vùng cao áp dụng. Nhưng dần dà, nhiều em đã quen. "Từ ngày lịch ôn thi tốt nghiệp được triển khai thời gian ngủ của tụi em giảm đi rất nhiều nên rất mệt mỏi, nhưng giờ thì khác rồi, chúng em đã quen dần và hiện nay nhiều bạn trong phòng em đã tự dậy học bài, có bạn thức dậy từ 4h sáng. Dậy sớm học bài, không khí trong lành lại không ai ồn ào nên học bài nhanh thuộc lắm. So với trước thì giờ em tự tin với kiến thức của mình cho kỳ thi sắp đến và hy vọng xa hơn ở kỳ thi đại học" - em Đinh Văn Vân, tự tin.

Quyết tâm đạt kết quả cao nhất

Hầu hết học sinh của trường chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số nên kiến thức nền cơ bản rất thấp, ngoài ra điều kiện học tập ở đây còn nhiều thiếu thốân, mỗi kỳ thi đến nỗi lo học sinh bỏ học vì sức ép thi cử, nên thầy cô ở đây luôn "cảnh giác" cao độ.

Khu nội trú được ưu tiên cho hơn 40/57 học sinh lớp 12 đăng ký ở. Còn lại do gần trường, các em xin về gia đình để tiện sinh hoạt. Để các em có kết quả học tập thật tốt ngoài việc phụ đạo, dạy thêm thì phòng máy vi tính kết nối mạng Internet của nhà trường luôn mở cửa các ngày trong tuần để các em có điều kiện ôn luyện và tìm hiểu học hỏi thêm kiến thức trên mạng. Ngồi trước máy tính tìm kiếm đề bài thi môn Địa lý các kỳ thi trước và phương pháp làm bài hiệu quả, đạt điểm cao, em Đinh Thị Bít cho biết, từ ngày được thầy cô chỉ cho cách sử dụng máy tính nên học hỏi được rất nhiều về phương pháp làm bài cũng như nội dung nâng cao trên mạng.

Cô giáo Phạm Thị Nhung, dạy môn toán, người tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lâu nhất tại trường cho biết, học sinh ở đây đa phần học rất yếu nên năm nay 6 môn thi tốt nghiệp nghiêng về khối xã hội cũng là điều kiện thuận lợi để học trò dễ dàng hơn. Còn đối với khối tự nhiên nói thật là dù thầy cô có kiến thức cao chừng nào đi nữa thì phương án tối ưu vẫn là "mưa dầm thấm lâu" vì kiến thức nền của các em còn nhiều hạn chế.

"Đây là năm thứ 8 tôi "luyện công" cùng học trò nên hiểu rất rõ các em. Những năm trước, học trò tranh thủ ngày nghỉ về nhà lên rẫy cùng cha mẹ, nhưng năm nay thì đỡ hơn, một phần gia đình các em đã ý thức hơn trong việc đầu tư cho "tương lai", một phần bản thân các em nhận thức được chuyện học" - cô Nhung tâm sự.

Kết thúc học kỳ 1 vừa qua, khối 12 không có học sinh nào xếp loại giỏi, học lực khá chỉ có 7 em, còn lại là HS có học lực trung bình và yếu. "Đó cũng là cái khó của thầy và trò chúng tôi, nhưng hy vọng với những nỗ lực trước ngày thi và một quyết tâm cao độ, hy vọng học sinh khối 12 sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi năm nay" - thầy Đồng chia sẻ.


Bài, ảnh: X. THIÊN - N. HÀ
 


.