(QNg)- Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của giáo dục mầm non-môi trường giáo dục đầu đời của mỗi một con người. Thế nhưng bất cập lại chồng chất ở bậc học này do thiếu sự quan tâm.
Kỳ 1: Xin cho con tôi được học!
|
Khiếu kiện đểcon được đi học
Ở xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) việc học mầm non của trẻ thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Trên cùng địa bàn xã, nhưng quyền lợi được đi học của những đứa trẻ cùng một lứa tuổi lại khác nhau. Cháu thì tung tăng cặp sách đến trường, có cháu mặc dù rất thích đi học, cha mẹ nài nỉ "xin cho con tôi được học", thế nhưng buộc phải ở nhà. Ở thôn An Hòa có 2 lớp mẫu giáo dành cho trẻ ở lứa tuổi 4-5. Một số thôn khác trên địa bàn xã các cháu 4-5 tuổi cũng được đi học. Thế nhưng ở thôn Đông Hòa duy chỉ có 1 lớp mẫu giáo dành cho trẻ 5 tuổi với số lượng 30 cháu. Hiện có đến gần 40 cháu sinh năm 2007 không được đến lớp.
Những đứa trẻ không được đến trường ở thôn Đông Hòa (xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh). |
Bức xúc trước sự việc được cho là bất công đối với quyền lợi của trẻ, hàng chục hộ dân ở thôn Đông Hòa đã ký đơn khiếu nại tập thể gởi chính quyền địa phương với hy vọng con mình được đến trường. Anh Hà Đức Long (ở thôn Đông Hòa), bức xúc: "Tui có 2 đứa con, đứa sinh năm 2007, đứa năm 2008. Phải chi nghèo không có tiền cho con đi học, đằng này mình tha thiết cho cháu đi học để không khát chữ như cha nó, thế mà xin hoài không được".
Chị Nguyễn Thị Kim Loan-Hiệu trưởng Trường mầm non Tịnh Giang lý giải: "Biết là các cháu chịu thiệt nhưng chúng tôi lực bất tòng tâm. Ở thôn An Hòa mới xây thêm được 1 phòng nên mở 2 lớp. Toàn xã có đến 350 trẻ từ 3-5 tuổi, nhưng chỉ có 190 cháu được ra lớp, chủ yếu là ưu tiên cho trẻ 5 tuổi". Hiện tại, 5/5 điểm trường mầm non ở xã Tịnh Giang đều học nhờ ở nhà sinh hoạt văn hóa của thôn. Đây có lẽ trường học thuộc hàng "hiếm hoi" trong tỉnh, thậm chí là trong cả nước vì tìm "đỏ mắt" cũng không thấy bảng hiệu "Trường MN Tịnh Giang". "Chỉ có tên gọi trong giấy thôi, chứ học nhờ làm gì có chỗ để bảng hiệu. Ban giám hiệu cũng không có chỗ làm việc. Chúng tôi trăn trở lắm chứ không riêng gì phụ huynh. Đúng ra các cháu phải được học mầm non từ 2-3 năm liên tiếp thì mới chuẩn bị tốt để vào lớp 1. Cơ sở vật chất quá khó khăn nên đành chịu", cô giáo Loan nói.
Chở con đi học ké
Nhiều trẻ em từ 3-5 tuổi ở xã ven biển Nghĩa An (Tư Nghĩa) cũng bị trường học từ chối tiếp nhận với lý do không có phòng học. Ngay cả trẻ 5 tuổi ở đây nhiều cháu chỉ học 1 buổi/ngày trong khi chương trình giáo dục mới của Bộ GD&ĐT triển khai dạy 2 buổi/ngày. Không thể để con mình chịu "hẹm", nhiều hộ dân ở xã Nghĩa An xin cho con đi học "ké" ở các xã lân cận như Nghĩa Phú, Nghĩa Hòa. Thậm chí có người xin cho con học ở tận TP Quảng Ngãi, phải đi-về trong ngày rất vất vả. Chị Mai Thị Hạnh (34 tuổi, ở thôn Tân Mỹ) thổ lộ: "Ở Nghĩa An con tôi chỉ học 1 buổi, còn lên Nghĩa Hòa học 2 buổi/ngày. Mình vất vả nhưng được cái cháu nó thêm hiểu biết. Vả lại cháu được học bán trú, được cô giáo chăm sóc ăn uống nên mình yên tâm kiếm sống".
Nghĩa An là xã ven biển, có số lượng trẻ ở lứa tuổi mầm non đông nhất huyện Tư Nghĩa. Toàn xã có gần 1.500 trẻ từ 3-5 tuổi. Thế nhưng hiện tại chỉ có 535 trẻ học mầm non tại địa phương. Riêng đối với trẻ 5 tuổi, toàn xã có 336 cháu nhưng chỉ có 294 cháu học ở Trường MN Nghĩa An. Do thiếu cơ sở vật chất nên một số đi học ở xã bạn, số còn lại buộc phải ở nhà. Phó hiệu trưởng Trường MN Nghĩa An Nguyễn Thị Thu Thủy lắc đầu bảo: "Chương trình giáo dục mầm non mới giúp trẻ phát triển mạnh mẽ về tư duy. Thế nhưng nhiều cháu không có cơ hội tiếp cận do ở địa phương thiếu phòng học". Ngay cả trẻ may mắn được đến trường thì quyền lợi được học cũng không ngang nhau. Có cháu được học 2 buổi/ngày, cháu chỉ được học 1 buổi, lý do cũng bởi thiếu phòng học. Trường MN Nghĩa An hiện có 216/294 trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày.
Cô giáo Lê Thị Thanh Thùy (dạy lớp 1 buổi/ngày ở trường liên thôn Tân Thạnh-Tân Mỹ), tha thiết: "Mong cho có phòng để dạy 2 buổi cho các cháu. Chương trình thì nhiều, dạy 1 buổi không chuyển tải hết. Trẻ học 2 buổi biết nhiều, năng động hơn nhiều, vào lớp 1 sẽ vững vàng hơn".
Kinh tế phát triển, nhận thức về tầm quan trọng của việc học được nâng cao, người dân mong cho con cái sớm tiếp cận môi trường giáo dục. Song, nhiều người đành xót xa để con ở nhà vì không có phòng học. Trên đây là thực trạng không chỉ xảy ra tại hai địa phương nêu trên mà ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Bài, ảnh: P.Lý
(Còn nữa)