Vá lưới mưu sinh

01:04, 23/04/2012
.

(QNĐT)- Những ngày này, về huyện đảo Lý Sơn, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh hàng trăm người phụ nữ với nhiều độ tuổi khác nhau đến từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, họ miệt mài, cặm cụi ngồi đan hoặc vá lưới thuê.

 

TIN LIÊN QUAN


Đang loay hoay kiểm tra những tay lưới trũ bị san hô xé rách của một chủ tàu cá ở thôn Tây An Vĩnh thuê vá lại, chị Bùi Thị Hồng Huệ (43 tuổi), ở khu dân cư số 3, thôn Đông An Vĩnh bộc bạch: Nghề này chẳng cần vốn đầu tư, chỉ cần siêng năng là được. Tuy công việc mang tính nhàn rỗi, ai cũng có thể làm được, nhưng để vá được những tấm lưới trũ có trọng lượng hàng tấn như vầy đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì.

Hàng chục thợ vá lưới đang cặm cụi với công việc của mình.
Hàng chục thợ vá lưới đang cặm cụi với công việc của mình.


Người vá lưới cũng giống như người thợ xây phải biết bắt đầu từ đâu để có những mắt lưới khi được vá xong không bị chênh các mũi kim và đều nhau tăm tắp. Theo nghề này cũng vất vả không kém những nghề khác, cũng phơi nắng dầm sương, khi chủ cần là mình có mặt,  tuy không cho thu nhập cao, nhưng bù lại công việc luôn ổn định vì có việc làm quanh năm.


Còn mẹ con chị Huỳnh Thị Bé (52 tuổi), ở xã Nghĩa An huyện Tư Nghĩa thì năm nào cũng vậy cứ hết tháng Giêng âm lịch lại khăn gói kéo nhau ra đảo để vá lưới thuê. Nhà có 5 miệng ăn, chồng ốm đau bệnh tật luôn, nên mọi khoản chi trong gia đình đều trông chờ vào những đồng tiền vá lưới thuê của chị và con gái lớn gửi về.

Chị Bé tâm s: Ban đầu theo mấy người bạn cùng quê ra đảo làm thuê, thấy nghề đan lưới có thu nhập ổn định nên chị theo luôn nghề này, đến nay đã cả chục năm gắn bó với đảo.

Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, cùng tay nghề cao, nên nhiều chủ tàu ở đảo luôn tin tưởng, họ bao luôn ăn ở cả tháng trời để thuê mẹ con chị ra vá lưới cho mình. Hiện nay, hai đứa con trai đang theo học đại học cũng nhờ những đồng tiền của chị chu cấp.

Mỗi ngày phơi nắng ròng rã 8 giờ đồng hồ, trừ cơm ăn nước uống do chủ tàu nuôi,  hai mẹ con cũng có thu nhập trên 200 trăm ngàn. Tháng 2 ra đảo cuối tháng 8 hết mùa biển lại về lo cho chồng cho con- Chị Huỳnh Thị Bé bộc bạch.


Còn chị Trần Thị Phú (45 tuổi), quê ở Hoài Hương – Bình Định thì tâm sự,  Từ sau tết đến nay chị và một số chị em cùng quê rủ ra đảo để vá lưới thuê, công việc luôn bề bộn nên chưa có dịp về thăm nhà, mỗi tháng chi tiêu tằn tiện cũng dư vài triệu, ở quê chẳng biết làm gì ngoài mấy sào ruộng cằn quanh năm không đủ ăn. Nhớ chồng nhớ con nhưng không dám về thăm vì sợ lỡ việc của chủ.


Ông Nguyễn Út- chủ tàu cá QNg 66434 TS, ở thôn Đông xã An Vĩnh, hiện đang hành nghề lưới vây rút chì cho biết: Tháng nào cũng vậy, cứ hết con trăng tàu lại neo bờ để kiểm tra ngư lưới cụ. Với vài tấn lưới như tàu của ông, thì mỗi ngày hàng chục thợ vá lưới phải làm việc cật lực, mỗi công nuôi cơm ông trả 120 ngàn đồng. Một tháng ông phải bỏ ra trên dưới10 triệu đồng để thuê nhân công vá lưới. Làm nghề này không thể thiếu thợ, hiện nay nhà ông luôn có từ 1 đến 2 thợ vá lưới thường trực để chủ động và tiện cho việc làm ăn của mình.


Thống kê, hiện nay có gần 100 nhân công (thợ vá lưới thuê) từ đất liền ra đảo xin đăng ký tạm trú tạm vắng làm ăn tại địa phương. Số nhân công này chủ yếu là phụ nữ ở độ tuổi trung niên, không nghề nghiệp ổn định, thời gian đăng ký đông nhất rơi vào từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch hàng năm.

Ngoài thợ từ đất liền ra đảo hành nghề vá lưới thuê, hiện nay Lý Sơn cũng có hàng trăm phụ nữ đang theo nghề này. Nghề vá lưới đã giải quyết việc làm có thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động nhàn rỗi trên đảo. Còn đối với người phụ nữ nghề vá lưới thuê là chiếc cần câu cơm để nuôi sống gia đình mình.


                                                                            Văn Mịnh

 


.