Xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

10:03, 26/03/2012
.

(QNg)- Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ & PCCN) lần thứ 14 được bắt đầu từ ngày 18/3 - 24/3/2012. Chủ đề của tuần lễ năm nay là "Xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động". Hưởng ứng tuần lễ này, tỉnh ta cũng có nhiều hoạt động tích cực nhằm triển khai sâu rộng đến các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ về tai nạn lao động và cháy nổ, bệnh nghề nghiệp cùng người lao động trên địa bàn tỉnh nhà để "xây dựng" nhận thức cao về công tác này.

 

TIN LIÊN QUAN


Năm 2011, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên số vụ tai nạn lao động, cháy nổ ở nước ta vẫn ở mức cao. Theo báo cáo, năm qua  cả nước xảy ra gần 6.000 vụ tai nạn lao động, làm chết 574 người, gây thiệt hại về vật chất hơn 300 tỷ đồng. Trong đó 60% số vụ tai nạn do yếu tố chủ quan của con người. Đồng thời, có gần 2.000 vụ cháy, nổ, làm chết 84 người, thiệt hại về tài sản gần 935 tỷ đồng và 2.000 ha rừng.

Tại tỉnh ta, theo báo cáo của Sở LĐ - TB & XH, từ đầu năm 2011 đến nay đã có 8 vụ tai nạn lao động (TNLĐ). Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đúng thực tế vì chỉ có vài doanh nghiệp báo cáo tình hình TNLĐ tới cơ quan chức năng.  Trong đó, phải kể đến là vụ sập cầu Bà Dầu ở xã Bình Dương (Bình Sơn) vào chiều 26/12/2011, khiến 2 công nhân thiệt mạng và 5 công nhân bị thương nặng. Vụ sập cầu bước đầu cơ quan chức năng xác định là do các thiết bị thi công trên công trường không bảo đảm yếu tố kỹ thuật.

Sập cầu Bà Dầu - Bình Dương (Bình Sơn) làm 2 người thiệt mạng và 5 người bị thương.
Sập cầu Bà Dầu - Bình Dương (Bình Sơn) làm 2 người thiệt mạng và 5 người bị thương.


Môi trường làm việc ô nhiễm, không đủ điều kiện làm việc nhưng rất ít doanh nghiệp quan tâm cải thiện tình trạng này. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn xem nhẹ, bỏ qua luôn cả khâu khám sức khoẻ định kỳ nhằm phát hiện bệnh nghề nghiệp cũng như các vấn đề liên quan đến sức khoẻ người lao động. Hiện nay, bệnh nghề nghiệp ngày càng gia tăng và có tính chất nghiêm trọng đối với người lao động. Tuy nhiên, đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động, trong năm 2011, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra tại 20 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra, chỉ có 3/20 doanh nghiệp có cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe, 5/20 doanh nghiệp thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, 2/20 doanh nghiệp thực hiện đúng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm…

Trong những năm gần đây, tình hình thực hiện ATVSLĐ - PCCN có nhiều chuyển biến tích cực. Việc quản lý nhà nước về ATVSLĐ ngày càng chặt chẽ, có tác dụng thúc đẩy hoạt động về ATVSLĐ - PCCN của các cơ quan, doanh nghiệp đi vào nền nếp hơn. Thực tế cho thấy, tại một số đơn vị tuy có nguy cơ cao về TNLĐ, nhưng ý thức người lao động về ATVSLĐ - PCCN đã được nâng cao nên rất ít khi xảy ra các vụ TNLĐ. Đơn cử như tại Nhà máy Lọc - hóa dầu Bình Sơn, việc bảo đảm ATLĐ trong khu sản xuất luôn được đặt lên hàng đầu. Không chỉ trang bị kỹ lưỡng các kiến thức về ATVSLĐ, người lao động đã ý thức bảo đảm ATLĐ - PCCN là cần thiết và thực hiện các quy trình về an toàn nghiêm ngặt, đã góp phần giảm thiểu tối đa về TNLĐ.

Tuy nhiên theo khảo sát, hiện ở tỉnh ta vẫn còn nhiều chủ sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm chế độ bảo hộ lao động và cải thiện môi trường lao động. Nguy cơ mất an toàn lao động ở một số ngành, lĩnh vực như: Giao thông, xây dựng, khai thác khoáng sản, sử dụng điện, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, sử dụng hóa chất… còn cao.

Nhằm phòng ngừa, tránh các TNLĐ đáng tiếc xảy ra thì doanh nghiệp cần củng cố công tác ATVSLĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; trang bị và bắt buộc người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động về mục đích ý nghĩa, nội dung và tác dụng việc bảo đảm ATVSLĐ. Đặc biệt công tác phòng ngừa là chủ yếu. Do vậy, người lao động phải được tập huấn kỹ lưỡng, am hiểu đầy đủ các quy định, quy trình của công tác ATVSLĐ - PCCN.

Để công tác ATVSLĐ đi vào nền nếp cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là quy định về bảo hộ lao động, ATVSLĐ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về ATVSLĐ, tăng cường thanh tra và xử phạt thích đáng đối với các trường hợp vi phạm. Và điều quan trọng nữa là ý thức của người lao động về công tác ATVSLĐ phải được nâng cao.

Vấn đề ATVSLĐ đã được các cơ quan quản lý nhà nước cùng nhiều doanh nghiệp trong tỉnh tích cực vào cuộc. Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ và PCCN lần thứ 14 đã và đang được phát động. Tuy nhiên, để đạt được đúng như chủ đề của tuần lễ là "Xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động" thì cần phải "xây dựng" được nhận thức cao về vấn đề này trong các doanh nghiệp, đặc biệt là người lao động.


         Bài, ảnh: Xuân Hiếu
 


.