Trường Mộ Đức 2

03:03, 16/03/2012
.

* Thanh Thảo


(QNĐT)- Gọi giản dị như vậy một Trường PTTH đã vươn lên sau đúng 30 năm, tôi cứ có cảm giác thiêu thiếu thế nào. Bởi, trường PTTH Mộ Đức 1 nay đã được mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, còn trường Mộ Đức 2 thì vẫn cái tên cúng cơm như từ lúc sinh thành. Nhưng, cái tên, dù hay, dù đầy ý nghĩa, chưa chắc đã làm nên chất lượng một trường PTTH.

Trường Mộ Đức 2, tên nghe dân dã, nhưng bây giờ đã là “trường số 1” về chất lượng đào tạo của ngành giáo dục huyện Mộ Đức. Tên nghe “khoai sắn” nhưng “nhân nhị” đậm đà khó quên, vậy cũng là quá được!


Tôi có chút gắn bó với ngôi trường này từ lúc nó mới hình thành, vì hai lẽ. Một, là thầy Phạm Quang Nghĩa-hiệu trưởng đầu tiên của trường-nguyên là bạn học cùng lớp với tôi ở khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Anh Nghĩa hơn tôi đâu như 15 tuổi, là dân hai mùa kháng chiến, cán bộ đi học đại học. Nhớ cái đận sơ tán tận Đại Từ-Thái Nguyên, có thời gian tôi được vinh hạnh ở chung nhà (nhà dân nơi sơ tán) với bí thư chi bộ lớp Văn K11 Phạm Quang Nghĩa.

Ông bí thư chi bộ này, với nhã ý kèm cặp cho tôi nên người (hồi đó, “nên người” tức là được vào Đoàn, chứ chưa nói tới vào Đảng, vì mục tiêu này khá xa vời ở trường đại học).

Nhờ ở chung với nhau, mà tôi học được tính cần cù lao động của ông Phạm Quang Nghĩa. Ông rất chăm làm vườn, trồng rau rất giỏi, nuôi gà cũng hay, và tôi khi tham gia lao động cùng ông đã nhận được “quả thực” là những bữa ăn có thêm món canh này rau nọ, đôi khi được hẳn vài quả trứng gà. Hồi đó chúng tôi ở trọ nhà bà Vân Mộc, và ông Phạm Quang Nghĩa sau một thời gian lao động và học hành tích cực, đã thành…chú rể của làng Tràng Dương-gần làng chúng tôi trọ học.

Cô Cảnh, vợ ông Nghĩa sau này, vốn là một bí thư chi đoàn rất năng nổ của làng Tràng Dương-nơi ông Nguyễn Phú Trọng-Tổng bí thư Đảng bây giờ trọ học.

Không hiểu ông Phạm Quang Nghĩa có “chiêu thức” gì mà “cưa đổ” được cô bí thư chi đoàn xinh xắn. Tôi cho là giỏi.

Trở về với trường Mộ Đức 2. Nếu không có tinh thần vượt khó, chăm chỉ lao động, nhất là chỉ đạo sát sườn việc xây dựng trường của Hiệu trưởng Phạm Quang Nghĩa-tôi chắc trường Mộ Đức 2 không thể đi lên nhanh như vậy. Cần ghi công thầy Nghĩa ở điểm năng nổ và chủ động xây dựng trường, từ một bãi tha ma thành một học đường khang trang.

Và cùng với thầy Nghĩa, cần ghi công những thầy cô giáo đầu tiên đã chọn trường Mộ Đức 2 cho “bến đỗ đời mình”. Viết tới đây tôi chợt nhớ tới “cái lẽ thứ hai”, sau cái lẽ thứ nhất là thầy hiệu trưởng Phạm Quang Nghĩa.

Hai, là gần hai mươi năm nay, tôi chơi thân thiết với thầy giáo dạy Văn Đoàn Văn Khánh mà tôi hay gọi là “Khánh Tộ”. Thầy Khánh bây giờ đã là nhà thơ Hà Quảng-hội viên Hội văn học nghệ thuật Quảng Ngãi-và có thơ in thường xuyên trên nhiều tờ báo và tạp chí văn nghệ.

Thầy Khánh là người có nét riêng, và rất thật thà. Chúng tôi chơi với nhau như anh em, thầy Khánh luôn có mặt ở nhà tôi trong quê (gần sát nhà thầy Phạm Quang Nghĩa) vào những dịp giỗ chạp, và tôi coi thầy như “một phần tất yếu” trong các đám giỗ chạp ấy.

Người Quảng Ngãi mình vốn trọng tình, bao giờ cũng đặt tình cảm lên hàng đầu. Tôi và thầy Khánh cũng vậy, nên chơi với nhau. Qua thầy Khánh, tôi như biết rõ thêm về từng bước đi lên của ngôi trường mà thầy gắn bó cả đời mình. Thầy Khánh có ngôi nhà nhỏ ở “xóm Trường”, hai đứa con thầy được sinh và lớn lên ở đó, cũng từ đó mà học hành tấn tới, nay đã hoàn thành chương trình đại học và đang học thêm cái thạc sĩ.

Coi vậy, mà đất trường Mộ Đức 2 là đất lành. Chẳng thế mà sau hơn hai chục năm sau khi thành lập, trường đã thành trường chuẩn quốc gia, đứng vào “top 4” trường PTTH có thành tích cao nhất tỉnh Quảng Ngãi.

Bây giờ, trường Mộ Đức 2 không chỉ dành cho con em 6 xã phía bắc Mộ Đức, mà con em từ Nghĩa Hành, từ sông Vệ cũng nô nức thi vào trường với hy vọng từ đây các em sẽ thi đỗ vào đại học.

Cái đáng tự hào nhất của một ngôi trường là ở chính những học sinh của mình, học hành giỏi giang, thi đâu đỗ đấy, tư cách đạo đức tốt, trở thành những công dân có đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng. Và giúp gia đình mình vươn lên thoát cảnh nghèo khó.

“Trường quê” như trường Mộ Đức 2, đã khiến một người quê Mộ Đức như tôi mỗi khi nghĩ tới lại thấy ấm lòng: tự hào chứ, quê mình có ngôi trường ra trường, thầy ra thầy, và học trò ngày một học giỏi hơn, sống có ích hơn. Biết bao tấm gương vượt khó học giỏi đã xuất hiện ở ngôi trường có cái tên giản dị này. Và đó là niềm vui lớn nhất khi ngôi trường này tròn tuổi 30./.      
 


.