Nơi những "hạt giống" nảy mầm

03:03, 14/03/2012
.

(QNg)- Học sinh Trường THCS Nội trú Tây Trà được xem là những "hạt giống" cho nguồn nhân lực sau này của địa phương. Với sự ưu tiên về ăn ở, học tập, học sinh nơi đây nỗ lực vượt qua khó khăn, kiên trì bám trường, bám lớp để mong có một tương lai tươi sáng...
 
Tây Trà đang vào mùa đót, mùa thu hoạch quế. Đây là khoảng thời gian học sinh trên địa bàn huyện nghỉ học để phụ giúp gia đình và kiếm tiền. Tình trạng lớp học thưa thớt ở các trường miền núi diễn ra thường xuyên vào mùa này. Thế nhưng, trong các lớp học ở Trường THCS Nội trú huyện vẫn duy trì được sĩ số. Có mặt ở trường vào một ngày đầu tháng 3, chúng tôi cảm nhận được ý thức học tập của học sinh nơi đây, bởi sự đông đủ trong các lớp học. Bên ngoài, những vườn rau xanh mướt do học sinh tự trồng nằm xen với những lớp học tạo nên sự thân thiện của ngôi trường ở vùng cao này.

Học sinh trường THCS nội trú Tây Trà "tăng gia" vườn rau sau buổi học.                                                    Ảnh: Tấn Khiêm
Học sinh trường THCS nội trú Tây Trà "tăng gia" vườn rau sau buổi học. Ảnh: Tấn Khiêm


Trường THCS Nội trú Tây Trà được thành lập từ năm 2007. Hai năm học gần đây, mỗi năm trường đào tạo trên dưới 200 học sinh.  Số học sinh này được tuyển vào lớp 6 từ học sinh khá giỏi ở các trường trong huyện. Đây được xem là những "hạt giống" của ngành giáo dục huyện nhà, nên hầu hết học sinh vào trường có tinh thần học tập nghiêm túc. Mỗi ngày các em được học 2 buổi. Buổi tối từ 19 giờ đến 21 giờ 30, các em tự học bài với sự giám sát của các thầy cô giáo. Những học sinh còn yếu sẽ được các giáo viên hướng dẫn phụ đạo.

Các em có chế độ ưu tiên về ăn, ở nên học sinh của trường đủ điều kiện để tập trung cho việc học. Mỗi tháng một học sinh được hỗ trợ 664.000 đồng. Năm học này, trường có 198 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, chia làm 6 lớp. Trong đó, 170 học sinh ở nội trú tại trường (trừ học sinh xã Trà Phong). Trường có 18 phòng nội trú dành cho học sinh. Tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng so với học sinh ở những trường khác trong huyện, các em trường này có điều kiện học tập, ăn ở tốt nhất. Để đảm bảo suất ăn cho học sinh, nhà trường có 5 cấp dưỡng, mỗi ngày chuẩn bị 2 buổi cơm (trưa và chiều). Sau buổi học, đúng giờ học sinh tập trung thành từng tốp về nhà ăn của trường để ăn cơm.

Ngoài việc học, trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ cho các em giải trí, vui chơi như: Đêm thứ 7 nội trú, thi thời trang, văn nghệ, tổ chức sinh nhật tập thể... mặc dù đạm bạc nhưng đã tạo cho các em được giao lưu, vui chơi. Trường còn có sân bóng chuyền để các em chơi thể thao. Đặc biệt, với ý nghĩa xây dựng trường học thân thiện, đoàn trường và các lớp tổ chức trồng rau xanh. Đây không chỉ là hoạt động bổ ích, giúp các em học sinh tham gia các hoạt động ngoài giờ mà còn tạo cho các em tính siêng năng, yêu lao động. Việc trồng rau còn mang lại một nguồn kinh phí nho nhỏ để các lớp hoạt động.

Tất cả rau các lớp trồng đều được bán cho nhà ăn của trường. Mỗi lớp có khi thu được tiền triệu từ vườn rau và số tiền này được bổ sung vào quỹ lớp. Thầy giáo Nguyễn Văn Điệu- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mọi sinh hoạt, học tập của học sinh trong trường đều được tổ chức quy củ, giúp các em có ý thức trong học tập, tính tự lập trong cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng học tập cũng như giáo dục toàn diện cho học sinh. Với điều kiện học tập, ăn ở tốt hơn các trường ở địa phương nên thành tích học tập của học sinh không ngừng được nâng cao. Hầu hết học sinh của trường có hạnh kiểm khá tốt. Hơn 95% học sinh có học lực trung bình trở lên.

Mặc dù đã đi vào hoạt động 5 năm nhưng trường vẫn còn thiếu rất nhiều thứ. Nhà công vụ cho giáo viên, thư viện, nhà đa năng cho học sinh, nhà hiệu bộ- hành chính chưa có. Do vậy, để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục huyện nhà, tạo điều kiện tốt hơn cho những "hạt giống" được sinh trưởng và phát triển trong tương lai, rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước trong thời gian tới. Em Hồ Thị Tý- học sinh có thành tích học tập xuất sắc, chia sẻ: "Chúng em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện bản thân để sau này mang kiến thức đã được học phục vụ cho bà con, góp phần xây dựng vùng quê nghèo này có cuộc sống khá hơn".


          Xuân Thiên
 


.