Mỏi mòn chờ đợi chuyển trường

09:03, 06/03/2012
.
 

(QNg)- Đó là chờ đợi cơ quan chức năng thực thi chính sách thuyên chuyển giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn để được về giảng dạy ở gần nhà, có điều kiện chăm sóc đứa con gái bị ung thư giai đoạn cuối của cô giáo vùng cao Bùi Thị Thu Nhàn (SN 1977). Chị dạy tiếng Anh ở Trường THCS Sơn Trung, huyện Sơn Hà. Sự chờ đợi gần như vô vọng trong suốt nhiều năm liền của cô giáo Nhàn chất chứa bao khổ nhọc.

Hoàn cảnh đáng thương

Gần chục năm nay, hiếm hoi lắm cô giáo Bùi Thị Thu Nhàn mới có được thời gian ăn bữa sáng. Mùa mưa thì 4h30 sáng, mùa nắng thì 5h đã phải thức giấc, cô giáo Nhàn mặc ba, bốn chiếc áo, khoác thêm chiếc áo mưa cho đỡ lạnh rồi vượt chặng đường gần 60km từ Tp Quảng Ngãi lên xã vùng cao Sơn Trung dạy học. Sau buổi dạy chị lại vượt từng ấy quãng đường về nhà để chăm sóc con thơ bị bệnh ung thư giai đoạn cuối.
 
Chúng tôi không khỏi nhói lòng khi mới đây có dịp gặp lại cô giáo Nhàn, chị xanh xao, gầy đét. Qua lời kể của chị thì không gầy, không xanh xao sao được. Lên đến trường đã 7h sáng, vội thay áo dài lên lớp nên nhịn ăn. Trưa dạy xong, vội chạy về để kịp chở con gái đi học nên lại cũng nhịn ăn… Cô giáo Nhàn cho biết đã sút hơn chục cân, tóc nhiều chỗ bạc. Chị đã cất giấu nỗi đau trong tâm khảm, gắng mỉm cười trên bục giảng, mang ánh sáng tri thức cho học trò vùng cao.  
 
Cô giáo Nhàn tranh thủ mọi thời gian để được ở bên con gái bị bệnh hiểm nghèo.
Cô giáo Nhàn tranh thủ mọi thời gian để được ở bên con gái bị bệnh hiểm nghèo.

Cháu Nguyễn Bùi Như Ngọc (con gái đầu của cô giáo Nhàn, học lớp 3 Trường tiểu học Nghĩa Lộ, Tp Quảng Ngãi) đã 18 lần vô hóa chất và chịu 25 tia xạ trị, nhưng khối u vẫn còn ở vùng bụng. Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Tp HCM bảo sẽ phải tiếp tục hóa trị, nhưng vợ chồng cô giáo Nhàn xin cho cháu Ngọc khoan hãy vô thuốc. Bởi, có nhiều đứa bé sau khi vô thuốc đã vĩnh viễn ra đi.
 
Cô giáo Nhàn đau lòng, thương con nhưng chẳng thể chia sẻ nỗi đau thể xác mà con gái thơ dại đang phải gánh chịu. Tình thương dành cho con đã tiếp cho cô giáo Nhàn thêm sức mạnh. Bất kể bụng đói cồn cào, trời mưa hay nắng, sau buổi dạy chị lại băng qua con đường dài hàng chục cây số với đầy ổ voi, ổ gà về nhà để kịp chở con đến lớp. Được đi học là ước mơ cháy bỏng của cháu bé bị bệnh hiểm nghèo Nguyễn Bùi Như Ngọc. Là người mẹ, cô giáo Bùi Thị Thu Nhàn hạnh phúc khi được chở con đến lớp, giúp con nguôi ngoai phần nào nỗi đau bệnh tật.

Mỏi mòn chờ đợi

Ở huyện vùng cao Sơn Hà, nhiều cán bộ-giáo viên thương cảm cho hoàn cảnh cô giáo Bùi Thị Thu Nhàn. 4 năm nay, năm nào Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà cũng ký vào hồ sơ cho phép cô chuyển công tác. Thế nhưng sau mỗi lần ký là mỗi lần cán bộ làm công tác quản lý giáo dục nơi đây chia sẻ nỗi buồn cùng cô vì chẳng có cơ sở giáo dục nào ở đồng bằng tiếp nhận. Mang hồ sơ đi đến đâu, cô giáo Nhàn cũng ứa nước mắt khi nghe câu trả lời: "Không có chỉ tiêu. Phải đợi…".
 
Chính sách Nhà nước về thời hạn luân chuyển nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn chẳng được thực thi. Hoàn cảnh đáng thương của cô giáo Nhàn cũng chẳng nhận được sự quan tâm tạo điều kiện. Cô giáo Nhàn nói trong nước mắt: "Chị xin về dạy tiểu học cũng được, không nhất thiết phải dạy ở thành phố đâu, miễn là ở gần nhà hơn một chút để tiện chăm sóc bé Ngọc, và cũng tiết kiệm được tiền xăng đi lại để dành dụm chữa bệnh cho con".  

Cô giáo Nhàn có hai đứa con. Đứa nhỏ chưa đầy 3 tuổi đã phải ở luôn nhà bà ngoại, còn bé Ngọc thì ở với bà nội. Cô tranh thủ mọi thời gian để được ở bên bé Ngọc nhiều hơn. Anh Nguyễn Văn Hùng (chồng cô giáo Nhàn) vào Sài Gòn khi bé Ngọc bị bệnh. Anh ngày đêm làm việc cật lực, ai thuê gì làm nấy miễn là có tiền chữa bệnh cho con. Nợ nần ngày càng chất chồng, thế nhưng bệnh tình của bé Ngọc chẳng thuyên giảm.

Tháng nào bé Ngọc cũng vào Sài Gòn xạ trị. "Đợt này xin chuyển công tác không được chắc chị xin nghỉ dạy thôi. Yêu nghề, quyết tâm gắn bó, nhưng khổ quá em à…", chị Nhàn bộc bạch. Bé Ngọc đưa tay lau giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt gầy nhom của mẹ, vô tư bảo: "Ai bảo mẹ xung phong dạy ở miền núi làm chi. Con muốn được ở gần mẹ. Hay là mẹ nấu chè bán trước cổng trường con. Không thì mẹ con mình vào Sài Gòn bán vé số, bán cốc, ổi… mẹ nghen!". Chắc hẳn ai cũng buồn trước câu nói hồn nhiên của cháu bé vốn mong manh về sự sống. Và ai cũng mong rằng, sự chờ đợi được chuyển về giảng dạy gần nhà của cô giáo Bùi Thị Thu Nhàn sẽ không rơi vào tuyệt vọng.
 

Bài, ảnh:  Phương Lý
 

.