Chị Xuân “khí tượng”

09:03, 23/03/2012
.

(QNĐT)- Chị Lê Thị Xuân với 35 năm kinh nghiệm làm công tác khí tượng thủy văn tại Quảng Ngãi vẫn hay được mọi người gọi với cái tên hay đến lạ như vậy. Với chị, tình yêu nghề được nuôi dưỡng và lớn dần lên theo năm tháng qua những kỷ niệm khó quên trong đời gắn liền với công việc “đếm nắng, đo mưa”…
 
12 năm “lưu lạc”
 
Năm 1977, cô sinh viên người Quảng Ngãi, Lê Thị Xuân mới ra trường đã phải chịu cảnh xa quê, chân ướt chân ráo gia nhập vào “ngôi nhà chung” của đội ngũ làm công tác khí tượng thủy văn ở Quy Nhơn, Bình Định.

 

Chị Xuân đang kiểm tra nhiệt độ đất trong một ca quan trắc tại trạm khí tượng thủy văn tỉnh
 
Những ngày ở Bình Định là quãng thời gian dài vất vả, cực nhọc khi phải sống xa quê hương, xa gia đình. 12 năm tại đây, chị đã bao lần luân chuyển công tác đến những trạm ở vùng sâu, vùng xa. Chị cũng đã bao lần phải sống trong thiếu thốn vật chất lẫn tình cảm, hay thậm chí là bị cô lập mỗi khi mưa bão kéo đến.
 
Tuy vậy, qua những đêm thức trắng vùi đầu vào gối mà khóc và suy nghĩ, chị đã tìm được thứ ánh sáng kỳ diệu soi tỏ cho con đường chị đi. Đó là tình yêu nghề đến cháy bỏng. Chính ánh sáng ấy đã giúp chị có đủ nghị lực và niềm tin để gắn bó với nghề “bắt mạch đất trời” suốt 35 năm qua.
 
Hằng ngày, với công việc của một quan trắc viên, chị Lê Thị Xuân như một chiếc đồng hồ chính xác đến từng phút, từng giây và không ngừng nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
 
Chị Xuân cho biết: Trong công tác ngành, các yếu tố khí tượng hàng ngày phải được đo đạc chính xác 8 lần/ngày vào các giờ 1, 4, 7, 10, 13, 16, 19 và 22. Mỗi lần như vậy, để có những thông tin chính xác nhất đến người dân thì những quan trắc viên như chị phải đo đếm rất kỹ tất cả các yếu tố như: Nhiệt độ đất, không khí, lượng mưa, mức độ gió, lượng nắng… bằng máy đo chuyên dụng hay thậm chí là quan sát bằng mắt theo kinh nghiệm dày dạn về thời tiết của bản thân. Sau đó mã hoá và điện các số liệu trên về Đài Khu vực và trung ương để tổng hợp, phân tích từ đó đưa ra các bản tin dự báo thời tiết. Chỉ cần sai một ly là có thể đi cả một dặm.

 

Trạm khí tượng thủy văn với các máy móc đo đạc các yếu tố thời tiết đã gắn bó với chị Xuân trong 35 năm qua
Trạm khí tượng thủy văn với các máy móc đo đạc các yếu tố thời tiết đã gắn bó với chị Xuân trong 35 năm qua
 
Chị tâm sự: Mặc dù nghề là do mình chọn lựa để theo học và gắn bó nhưng cũng đã một đôi lần chị nản chí. Bởi, nhìn thì tưởng chừng công việc này đơn giản, nhưng lại rất phức tạp và có phần khắc nghiệt với tính kỷ luật cao. Nhưng sự kiên nhẫn và niềm đam mê vốn có với nghề đã giúp chị bám trụ nơi đất khách quê người suốt 12 năm dài.
 
Tâm huyết cả một đời
 
Sau 12 năm công tác ở Quy Nhơn, năm 1989, chị Xuân được chuyển về công tác ở Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quảng Ngãi. Về gần nhà, công việc lại có phần nhẹ gánh hơn nhưng không vì thế mà chị lơ là.
 
Chị bộc bạch: Mỗi khi có bão, mọi người đều núp trong nhà để trú bão nhưng những người làm công tác như chị phải ra ngoài trời thường xuyên, thậm chí là canh từng giờ một để đo và quan sát. Sợ thì có sợ nhưng công việc vẫn là trên hết.
 
Hoặc những khi lũ về, đúng ca trực của mình hoặc được cấp trên điều động chị phải lập tức có mặt ngoài hiện trường để đo mực nước trên các sông, nhanh chóng báo số liệu chi tiết về Trung tâm. Dù khó khăn, dù nguy hiểm nhưng với những thông tin của mình có thể giúp người dân giảm nhẹ được thiên tai, bão tố thì đó là niềm hạnh phúc nhất.
 
Với chị Xuân, tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm với công việc luôn được chị đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, trong 35 năm liền, ngày nào chị cũng hoàn thành các ca quan trắc được giao một cách chính xác.
 
Tuy nhiên, chị kể: Trong đời chị, chỉ có một lần duy nhất chị bỏ ca quan trắc và cảm giác áy náy cứ theo đuổi mãi đến giờ không thôi. Ngày đó, chị nhận làm ca quan trắc vào lúc 1 giờ sáng. Trời gió mạnh và mưa phùn. Một mình chị đi từ nhà ra ngoài trạm để đo các yếu tố thời tiết cho ca quan trắc. Vì sức khỏe yếu nên chị bị trúng gió và ngất xỉu. Nếu không có người phát hiện ra kịp thời thì có lẽ chị không còn được ngồi đây để làm công việc yêu thích của mình nữa…

 

Con gái chị Xuân, chị Võ Thị Kim Loan tiếp tục nối nghiệp mẹ
Con gái chị Xuân, chị Võ Thị Thu Hiền tiếp tục nối nghiệp mẹ
 
“Lúc đó mình chỉ nghĩ rằng, mình đã được giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng rốt cuộc sức khỏe của bản thân đã không cho phép mình hoàn thành nhiệm vụ. Buồn và chỉ biết trách bản thân thôi…”- Chị Xuân tiếc nuối.
 
Và cũng từ sự cố ấy, chị càng quyết tâm hơn trong công việc để mang lại những thông tin chính xác nhất về thời tiết dù là đêm hay ngày, dù nắng hay mưa. Để rồi qua 35 năm, đến lúc sắp về hưu, chị Xuân vẫn tâm huyết, yêu đời và yêu nghề như thuở ban đầu.
 
Chứng kiến nhiều đồng nghiệp bỏ nghề vì công việc này chẳng thể đem lại nguồn thu nhập khá, chị Xuân đã buồn và chán nản thật nhiều. Tuy vậy,giờ đây, đến lúc sắp về hưu, chị lại cảm thấy được an ủi và hy vọng khi công việc của mình đang được nối tiếp bởi những thế hệ trẻ.
 
Cô con gái đầu lòng của chị Xuân, Võ Thị Thu Hiền cũng đã tình nguyện theo nghề của mẹ. Chị Hiền kể: Thấy mẹ vất vả cả một đời với nghề mình thương lắm. Không hiểu sao, tình yêu nghề của mẹ lại truyền sang mình từ lúc nào. Có lẽ là từ những lần ríu rít theo chân mẹ từ lúc còn bé xíu để đi đo đạc các yếu tố thời tiết và chứng kiến cảnh các cô chú trong Trung tâm khí tượng thủy văn vui vẻ, sống với nhau như một gia đình thực sự…
 
Hy vọng bầu nhiệt huyết, lòng yêu nghề của chị Xuân sẽ còn lan rộng và là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ trẻ làm công tác khí tượng thủy văn. Và họ vẫn sẽ lặng lẽ làm công việc của mình với những bản tin dự báo thời tiết chuẩn xác nhất, góp phần giảm bớt thiệt hại do thiên tai mang lại cho người dân  .
 
 
Thanh Phương
 

.