Ba Tơ: Học sinh bỏ học hàng loạt sau Tết

03:02, 16/02/2012
.

(QNĐT)-  Bước vào tuần thứ ba sau Tết nguyên đán tình trạng học sinh bỏ học tại các trường THCS, tiểu học trên địa bàn huyện Ba Tơ đáng báo động. Tỷ lệ học sinh đến lớp của các trường chỉ đạt từ 30 đến 40%.  Tại các xã Ba Xa, Ba Lế, Ba Nam, học sinh thường xuyên đi học giã gạo.

TIN LIÊN QUAN


Chúng tôi có mặt vào giờ học lịch sử của học sinh lớp 7, Trường THCS Ba Xa, nhưng thật sự ngỡ ngàng khi trong lớp học đếm đi đếm lại cũng chỉ có mặt 8 học sinh, trong khi tổng số học sinh của lớp này là 43 em.

Giờ sử của các em học sinh lớp 7 chỉ 8 học sinh có mặt trên tổng số 43 em.
Giờ sử của các em học sinh lớp 7 chỉ 8 học sinh có mặt trên tổng số 43 em.


Một số giáo viên chủ nhiệm cho biết, các em nghỉ học vì lý do ở nhà đang ăn tết, một số em ở nhà đi lấy đót kiếm tiền, vì hiện tại vào thời điểm này đang là mùa đót. Mặc dù vậy các giáo viên vẫn phải đứng lớp. Học sinh ít nên chất lượng dạy của các giáo viên cũng giảm sút đi nhiều.

Ông Nguyễn Văn Ny- Hiệu trưởng Trường THCS Ba Xa cho biết: Hiện trạng chung của các trường miền núi là vậy, cứ qua tết là học sinh đi học giã gạo, có hôm khối 7 tổng số học sinh là 52, nhưng các em chỉ đi được có 15 em, khối 8 là 49 học sinh nhưng chỉ đi được 20 em. Nhiều giáo viên sau tiết dạy thở dài ngao ngán, không muốn dạy tiếp vì nhìn lớp học thưa thớt mà buồn.

Ngay tuần đầu tiên Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch đến từng nhà học sinh để vận động các em ra lớp, nhưng cũng chỉ được vài ngày các em đến lớp đủ, rồi những ngày sau đó thì... chúng tôi cũng chẳng biết làm thế nào!
    
Theo chân các giáo viên chủ nhiệm vượt hàng chục cây số mới đến được nhà để vận động các em ra lớp, có những đoạn đường các giáo viên phải lội qua suối, rồi đi bộ 3, 4 cây số là chuyện thường tình.

Để gặp được phụ huynh trao đổi tác động thêm cho các em thấy được tầm quan trọng của việc đến trường. Các giáo viên phải tranh thủ vào giờ nghỉ trưa, hoặc chiều tối sau khi kết thúc giờ dạy trên trường đến nhà vận động học sinh.

Thầy Trần Đình Thức giáo viên trường Trung học sơ sở Ba Xa chia sẻ: "Chúng tôi không ngại khó, nhưng chỉ ngại công sức bỏ ra như muối bỏ biển, vì đi vận động như vậy nhưng tình hình không có gì khả quan. Có đi cũng được một hai hôm rồi các em lại nghỉ học".

Một số em nhà ở xa trường, lại cách trở sông suối, đến trường phải mất hàng giờ đồng hồ, không có nhà bán trú nên các em rất ngại đi học. Nhiều em học buổi sáng phải đi từ tờ mờ sáng mới kịp vào lớp đúng giờ học, rất vất vả.

Hiện tại ở các xã Ba Bích, Ba Lế, Ba Nam, Ba Xa học sinh còn nghỉ học để đi hái đót, nhất là học sinh trung học cơ sở.

Giờ sử của các em học sinh lớp 7 chỉ 8 học sinh có mặt trên tổng số 43 em.
Học sinh bỏ học đang là vấn đề đau đầu của ngành giáo dục các huyện miền núi.



Khi chúng tôi hỏi vì sao không đến trường, em Phạm Văn Hiền, học sinh lớp 8B, Trường THCS Ba Xa cho biết: "Em ở nhà đi hái đót kiếm tiền mua sắm, đi chơi cùng bạn bè chứ đi học không có tiền. Bố mẹ cũng không cho tiền tiêu, nhà ở xa trường đi học tốn thời gian, hôm nào làm siêng em mới đi, lười em ở nhà theo các bạn đi hái đót kiếm tiền".

Giáo viên chủ nhiệm tại các trường ra sức vận động, nhưng số học sinh đến lớp trong mấy tuần sau tết vẫn không có gì khả quan. Một số lớp đi đông nhất cũng chỉ ở mức từ 20 đến 23 học sinh. Những giải pháp các trường đang nỗ lực thực hiện chỉ là tạm thời, về lâu dài cần những giải pháp khả thi hơn với điều kiện của một huyện miền núi.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao học sinh ở miền núi xem thường việc học như vậy, cho dù Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ các em từ sách vở, tiền trợ cấp hàng tháng... Phải chăng các giờ học trên lớp không cuốn hút được các em, phương pháp dạy chưa phù hợp với đặc thù của học sinh miền núi, điều kiện nhận thức còn hạn chế?

Ông Nguyễn Văn Tuấn- Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Tơ cho biết: "Năm nào cũng vậy cứ đến thời điểm này là các giáo viên ở các trường vùng sâu vùng xa của huyện lại "gồng mình" vận động học sinh ra lớp, vất vã là thế nhưng số học sinh trở lại trường cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chúng tôi đã chỉ đạo các trường giải pháp lâu dài để chấn chỉnh tình trạng này là cần đổi mới phương pháp dạy và học, may ra sẽ thu hút học sinh đến trường. Một phần nữa cần phối hợp với chính quyền các địa phương kết hợp tuyên truyền đến người dân tầm quan trọng của việc học, để dần thay đổi nhận thức của người dân. Ngoài ra một trong những vấn đề quan trọng mà chúng tôi rất quan tâm và kiến nghị là kinh phí hỗ trợ xây nhà bán trú cho học sinh để giữ chân các em".

Tình trạng học sinh bỏ học tại các trường ở miền núi đang là vấn nạn, điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục của địa phương. Giải pháp lâu dài để khắc phục tình trạng này rất cần sự chung tay của cộng đồng, các cấp có thẩm quyền.


Trương Chi

 


.