Đó là con số được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác dân tộc năm 2011, triển khai nhiệm vụ năm 2012 của Ủy ban Dân tộc, tổ chức tại Thừa Thiên - Huế vào ngày 9/2. Tham dự Hội nghị, ngoài đại biểu làm công tác dân tộc ở các địa phương, còn có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành có liên quan như UBMTTQVN, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNN, Ban dân vận…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa dự HN |
Theo rà soát của UB Dân tộc, hiện nay có 20 nhóm chính sách của Nhà nước với hơn 50 chương trình, chính sách cụ thể do các bộ, ngành, địa phương quản lý, thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng trong năm 2011, nguồn vốn từ ngân sách TW cho các chương trình, chính sách đảm bảo an sinh xã hội đối với vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn không giảm, vẫn được duy trì, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, hầu hết các tỉnh vùng này đều giảm tỉ lệ hộ nghèo đạt trên 4%. Kết cấu hạ tầng KT-XH tiếp tục được xây dựng mới và nâng cấp: 97,42% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 84,6% số xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) có điện lưới với gần 70% số hộ được sử dụng điện, phủ sóng phát thanh được trên 90% và gần 80% sóng truyền hình…
Hệ thống trường học, sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi tiếp tục được mở rộng và phát triển: đến nay có 100% xã có trường Tiểu học, THCS, lớp mẫu giáo, trong đó có 84,6% trường lớp học được xây dựng kiên cố; 349 trường phổ thông dân tộc nội trú, 285 trường tiểu học, 363 trường THCS có HS bán trú, tạo điều kiện cho gần 80.000 HS các dân tộc thiểu số theo học, góp phần 100% các tỉnh vùng dân tộc và miền núi đạt chuẩn PCGD THCS. Gần 80% trạm y tế xã vùng này có y bác sĩ, bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc vùng ĐBKK, người nghèo ở vùng dân tộc và miền núi cơ bản được giải quyết.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của UB Dân tộc thì vùng dân tộc và miền núi nước ta vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần tiếp tục được quan tâm giải quyết như: tỷ lệ nghèo ở vùng dân tộc còn cao, đời sống đồng bào còn rất nhiều khó khăn; chất lượng GD, ĐT còn thấp, còn tới 21% người dân tộc thiểu số mù chữ, số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề chiếm tới 89,5%, tỉ lệ HS bỏ học giữa chừng còn cao; trên 3.000 trạm y tế chưa có bác sĩ, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của đồng bào. Bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một dần; tình trạng du canh du cư, vấn đề di dân tự do vẫn diễn biến phức tạp…
Phát biểu tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã nêu nhiều giải pháp để nâng cao đời sống dân sinh, dân trí của đồng bào dân tộc, miền núi trong thời gian tới như: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, các chính sách ưu tiên cho giáo dục, triển khai các chương trình hỗ trợ vùng dân tộc và miền núi sát hơn nữa với thực tiến, có sự tham gia một cách tích cực và chủ động của đồng bào trong các dự án…
Theo GD&TĐ