(QNg)- Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2015 đã và đang thổi làn gió mới vào công tác cán bộ ở các địa phương. 70 trí thức trẻ đầu tiên tình nguyện về cơ sở xã, phường thị trấn công tác đã tạo bước đột phá trong cách nghĩ, cách làm về công tác cán bộ ở Quảng Ngãi hiện nay. Đó cũng là kết quả của một chủ trương đúng, một quyết tâm cao và sự đồng thuận xã hội to lớn.
Sau hơn 1 năm về công tác ở cơ sở, đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện đầu tiên của Quảng Ngãi đã hiện rõ sự chững chạc, tự tin và trưởng thành. Điều này thể hiện ở con số 15 trí thức trẻ tình nguyện được bầu vào HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2011-2016, 1 trí thức trẻ được tin tưởng trao trọng trách Phó Chủ tịch UBND xã. Qua đó bước đầu có thể khẳng định, chủ trương đưa trí thức trẻ tình nguyện về công tác ở cơ sở, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh ta là một chủ trương đúng đắn và kịp thời, góp phần khắc phục tình trạng đội ngũ cán bộ cơ sở vừa thiếu, vừa yếu hiện nay.
Để có kết quả này, trước hết phải khẳng định, Tỉnh ủy và các cấp ngành của tỉnh đã có một chủ trương đúng đắn và quyết tâm chính trị cao. Thực tế lỗ hổng nguồn nhân lực là vấn đề đã được nhận thấy từ nhiều năm trước. Nhiều chủ trương, biện pháp cũng đã được xới lên. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương đột phá nguồn nhân lực một cách đồng bộ, bài bản và quy củ nhất chỉ khi Tỉnh ủy Quảng Ngãi khóa XVII ban hành Nghị quyết 06 với những đánh giá sát thực tiễn, không né tránh; biện pháp triển khai quyết liệt, chính sách cụ thể. Có Nghị quyết, chủ trương của Tỉnh ủy rồi, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách, chế độ đãi ngộ, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, công tác tuyển chọn đầu vào được xem là khâu quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng những "hạt giống" để thực hiện chủ trương chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở. Sở Nội vụ là đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp tuyển dụng, lựa chọn dựa trên nhu cầu cán bộ của các huyện đăng ký trước đó. Khâu này được tiến hành một cách khoa học, có chọn lọc đã tạo điều kiện cho việc triển khai các bước tiếp theo được suôn sẻ và hiệu quả. Những trí thức trẻ tình nguyện hầu hết được đào tạo chính quy, được trang bị kiến thức vững vàng, chuyên ngành phù hợp với nhu cầu của các địa phương.
Tuy nhiên, do chưa va chạm với thực tiễn nên nếu đưa về cơ sở ngay, họ sẽ bỡ ngỡ, bối rối và ở một chừng mực nào đó họ sẽ không phát huy hiệu quả trong công việc. Chính vì vậy, quyết định mở lớp đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính dành riêng cho đối tượng này chính là bước quyết định để tạo được đội ngũ cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên" đúng như mong muốn của các địa phương. Có kiến thức chuyên môn và nắm vững lý luận chính trị, nghệ thuật quản lý hành chính, các trí thức trẻ tình nguyện đã tự tin hơn trong thực tiễn và vai trò, khả năng của họ được phát huy một cách tốt nhất.
Cơ chế, chính sách phù hợp cũng là động lực để các trí thức trẻ yên tâm cống hiến. Lần đầu tiên Quảng Ngãi ban hành chính sách đào tạo, tuyển chọn, chuẩn hóa, thu hút cán bộ một cách đồng bộ, đầy đủ và đủ sức tạo sự yên tâm cho cán bộ đã khẳng định được quyết tâm lớn của tỉnh trong công tác này. Riêng đối với cán bộ cơ sở, ngoài chế độ lương hiện hưởng theo ngạch bậc, các sinh viên tình nguyện còn được hỗ trợ từ 400 nghìn đến 1 triệu đồng/người/tháng tùy theo địa phương đến công tác.
Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả đội ngũ này còn phải kể đến sự phối hợp đồng bộ giữa nơi tuyển chọn và nơi sử dụng. Sự phân cấp rất rõ ràng giữa Sở Nội vụ (đơn vị trực tiếp tuyển chọn) và các địa phương, nơi trực tiếp sử dụng nguồn cán bộ này là cơ sở quan trọng góp phần vào thành công này. Xuất phát từ quan điểm cán bộ cơ sở là việc của các địa phương, do địa phương bố trí, sử dụng và phát huy nên sau khi kết thúc quá trình đào tạo, Sở Nội vụ đã mời lãnh đạo các huyện có đăng ký chỉ tiêu trực tiếp đến nhận cán bộ, phân bổ về các địa phương và bố trí sử dụng. Sự phối hợp này đã tránh được việc đẩy "quả bóng trách nhiệm" lẫn nhau, đảm bảo phát huy ngay hiệu quả của chủ trương lớn này. Và đây cũng chính là một trong những nguồn bổ sung cán bộ cho cấp huyện và tỉnh trong tương lai.
Cuối cùng là quyền lợi chính trị của các sinh viên tình nguyện được quan tâm. Việc được đứng vào hàng ngũ của Đảng là mục tiêu, lý tưởng của thế hệ trẻ hôm nay. Chính vì vậy, chủ trương phát triển đảng trong trí thức trẻ tình nguyện một lần nữa khơi dậy sự quyết tâm, lòng tự hào của mỗi bạn trẻ tình nguyện. Trên cơ sở về năng lực trình độ của các trí thức trẻ tình nguyện, qua theo dõi quá trình phấn đấu, nỗ lực học tập của từng học viên, Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh đã chỉ đạo thành lập chi bộ sinh viên, cử đảng viên là cán bộ của trường về trực tiếp tham gia chi bộ, cùng sinh hoạt, hướng dẫn đồng thời qua đó theo dõi kịp thời giúp đỡ, tạo nguồn để phát triển đảng trong trí thức tình nguyện. Nhờ đó, gần 60 bạn trẻ đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Đây vừa là sự ghi nhận những cố gắng của trí thức trẻ tình nguyện, vừa động viên, tạo sự yên tâm và niềm tin để họ cống hiến sức trẻ và bầu nhiệt huyết của mình trong cương vị mới.
Có thể nói, Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy khóa XVII bước đầu đã gặt hái được những thành công đáng khích lệ, đặc biệt là đối với việc tăng cường đội ngũ cán bộ cho cơ sở. Đây chính là tiền để để Quảng Ngãi thực hiện thắng lợi mục tiêu về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020 do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, đó là: Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, góp phần đưa Quảng Ngãi cơ bản thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Mỹ Trang