Nan giải bài toán luân chuyển giáo viên từ miền núi về đồng bằng

04:12, 09/12/2011
.

(QNg)- Hiện nay, hàng trăm giáo viên ở miền núi và hải đảo của Quảng Ngãi đủ tiêu chuẩn chuyển công tác về xuôi nhưng vẫn chưa được giải quyết. Hành trình luân chuyển giáo viên ở Quảng Ngãi xem ra còn nhiều nan giải.

TIN LIÊN QUAN


Cô giáo Phạm Thị Oanh, công tác ở Trường tiểu học Trà Phong  (Tây Trà) hơn 10 năm. Hiện tại, gia đình cô Oanh ở Trà Bồng có cha mẹ già và con nhỏ. Nhiều lần cô Oanh làm đơn xin được chuyển về dạy gần nhà nhưng không được giải quyết. Chính vì vậy, hàng ngày cô giáo Phạm Thị Oanh phải đi lại hơn 70 cây số đường miền núi hiểm trở.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Còn cô giáo Lương Thị Quý Chi, giáo viên Trường Tiểu học Trà Lãnh  (Tây Trà) đã có gia đình nhà cửa ở quê xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) công tác hơn 12 năm nhưng vẫn chưa đựơc chuyển về quê. Nguyện vọng của cô giáo Lương Thị Quý Chi là được chuyển công tác về quê để có điều kiện chăm sóc gia đình. "Khó khăn nhất là lập gia đình rồi, nên muốn về dưới công tác để có thời gian chăm con, chăm gia đình, công tác xã hội cũng tốt hơn"- cô giáo Chi nói.

Hiện nay, ở tỉnh Quảng Ngãi, việc thuyên chuyển giáo viên ở miền núi về xuôi chủ yếu là do cá nhân tự lo " mạnh ai nấy xin". Nghĩa là giáo viên tự làm đơn có xác nhận của nơi đang công tác và nơi tiếp nhận. Sau đó, Sở Nội vụ ra quyết định thuyên chuyển. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng có điều kiện biết được các thông tin nhu cầu của các trường ở miền xuôi; đặc biệt giáo viên ở vùng sâu, vùng xa thì chịu thiệt hơn. Thầy giáo Phạm Văn Thân, giáo viên Trường tiểu học Trà Lâm (Trà Bồng) bộc bạch: Khó khăn không về dưới được  vì bận công tác nên khó có thể tiếp cận những người mình cần gặp.

Huyện Tây Trà có hơn 350 giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Trong đó có gần một nửa đủ tiêu chuẩn chuyển về đồng bằng. Có người dạy hơn 20 năm nhưng vẫn chưa được chuyển về xuôi. Từ khi có Nghị định 61 của Chính phủ, toàn huyện chỉ có 22 giáo viên được chuyển về xuôi, số còn lại phải chờ. Một trong những nguyên nhân là cán bộ giáo viên đủ năm công tác chuyển về xuôi nhưng chưa về được là do các trường ở đồng bằng đã đủ người, nhất là hệ mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Trong khi đó, giáo viên ở đồng bằng hàng năm thừa ra vì số lượng học sinh ngày một giảm đi. Ông Phạm Ngọc Hào, Phó Phòng giáo dục- đào tạo huyện Bình Sơn cho rằng: "Không phải là không nhận nhưng trên yêu cầu thiếu bộ môn, thiếu giáo viên thì mới nhận được chứ không thì khó nhận".

Ông Thái Văn Đồng, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, 6 huyện miền  núi và huyện đảo Lý Sơn hiện có hơn 3000 cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục. Trong đó có gần 50% số cán bộ, giáo viên đủ tiêu chuẩn để luân chuyển. Tuy nhiên, ngành giáo dục- đào tạo không thể đáp ứng được tất cả nguyện vọng của cán bộ, giáo viên xin chuyển về xuôi. Ông Đồng nói: "Năm nay chúng tôi thấy việc để giáo viên xin việc khó khăn, nhiêu khê quá, chúng tôi thống  nhất toàn ngành là chỉ nơi quản lý xác nhận đánh giá là đồng chí đó có thể đi được chúng tôi xét nhu cầu của các nhà trường trực thuộc Sở, chúng tôi giải quyết 50%, trong số 96 người thuyên chuyển lần này là giáo viên miền núi, hải đảo về đồng bằng".

Hiện nay, nhiều cán bộ, giáo viên miền núi, hải đảo ở Quảng Ngãi đủ tiêu chuẩn chuyển về xuôi nhưng vẫn còn mắc "kẹt" chưa chuyển được. Thực tế, việc luân chuyển giáo viên ở Quảng Ngãi mới tính đến chuyện đưa đi mà không có đi về. Trong khi đó, nhiều  cán bộ - giáo viên lên miền núi, sau khi hết thời hạn công tác, theo qui định đã không còn được hưởng chế độ, chính sách nào của Nhà nước, dù họ vẫn còn ở lại giảng dạy.


Anh Vinh


.