Xuất khẩu lao động: Giải pháp để thoát nghèo

08:10, 26/10/2011
.

(QNĐT)- Những năm gần đây, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã giúp nhiều người dân trong tỉnh thoát nghèo. Tuy nhiên, trong khi công tác XKLĐ ở các huyện đồng bằng luôn vượt chỉ tiêu thì công tác này ở 6 huyện miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
 
Những con số đáng mừng
 
Ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó phòng Việc làm- XKLĐ thuộc Sở LĐ-TB&XH đưa ra con số khá ấn tượng: Năm 2011, chỉ tiêu XKLĐ toàn tỉnh là 1.400 người thế nhưng, chỉ trong 9 tháng đầu năm đã có 1.315 lao động được xuất khẩu. Trong khi đó, ở giai đoạn 2006-2010, trung bình mỗi năm tỉnh ta chỉ có 678 người đi XKLĐ. Qua đó, có thể thấy công tác XKLĐ đang có những tiến triển đáng mừng.
 
Thị trường XKLĐ chủ yếu là Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Campuchia, Lào và Trung Đông. Với các ngành nghề như: May công nghiệp, điện tử, cơ khí, công nhân xây dựng và các nghề lao động phổ thông.
 
Cơ khí là một trong những nghề được thị trường nước ngoài ưa chuộng
Cơ khí là một trong những nghề được thị trường XKLĐ ưa chuộng. Ảnh: QNĐT
 
Thực tế cho thấy, XKLĐ đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội và là giải pháp giúp người lao động vươn lên thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, tổ 14, phường Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi cho biết: Con gái của chị đi XKLĐ sang Hàn Quốc đến nay được 3 năm. Hằng tháng, con chị đều gửi về cho gia đình khoảng 15 triệu đồng.
 
Chị Mỹ Dung kể: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm, lại cộng thêm đứa con gái lớn bị bệnh, nợ nần chồng chất. Từ khi cho con đi XKLĐ, kinh tế gia đình đỡ hơn nhiều, vợ chồng tôi cũng có vốn làm ăn và chữa bệnh cho con”.
 
Vợ chồng anh Trịnh Ngọc Bê ở xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa cũng có 2 con đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Anh Bê tâm sự: “Từ ngày 2 con xuất cảnh, gia đình tôi đã không còn lo lắng nhiều về vấn đề tài chính, dần dần có tiền tiết kiệm, mua sắm đầy đủ mọi thứ cần thiết trong nhà”.
 
Không chỉ có gia đình chị Dung, anh Bê mà hầu hết các gia đình có người thân đi XKLĐ đã từng bước thoát nghèo.
 
Giải pháp nào cho huyện miền núi?
 
Ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó phòng Việc làm- XKLĐ thuộc Sở LĐ-TB&XH cho biết: XKLĐ ở tỉnh ta mặc dù đạt nhiều kết quả đáng kể. Tuy nhiên, công tác XKLĐ ở các huyện miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt kế hoạch đề ra.
 
Quảng Ngãi là một trong những địa phương tích cực việc triển khai chương trình hỗ trợ XKLĐ cho huyện nghèo theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do nhận thức và trình độ của lao động ở các huyện miền núi còn nhiều hạn chế nên công tác XKLĐ ở các huyện này chưa đạt kế hoạch đề ra.
 
Theo kế hoạch, năm nay, XKLĐ ở 6 huyện miền núi phải đạt từ 600-700 người. Tuy nhiên, đến thời điểm này con số XKLĐ ở 6 huyện miền núi chỉ mới dừng lại con số 201 người.
 
Một phiên giao dịch gải quyết việc làm tại huyện Minh Long
Một phiên giao dịch giải quyết việc làm tại huyện Minh Long. Ảnh: QNĐT
 
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, chất lượng nguồn lao động từ các huyện miền núi cho thị trường nước ngoài đang là vấn đề nan giải đối với công tác XKLĐ hiện nay. Số lao động ở các huyện này có trình độ văn hóa thấp, tay nghề và trình độ ngoại ngữ còn yếu kém nên chưa đáp ứng yêu cầu của những thị trường lao động lớn, khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
 
Đa phần người dân ở 6 huyện miền núi là người dân tộc thiểu số, có tâm lý ngại đi làm ăn xa, chỉ muốn lao động ở quê nhà dù vất vả và ít thu nhập hơn nên việc đăng ký XKLĐ chưa được chủ động. Cùng với đó là tình hình bất ổn định ở Trung Đông hay các vụ lừa đảo cũng khiến cho nhiều người lao động e ngại với cách thoát nghèo nhờ XKLĐ.
 
Bên cạnh những trở ngại từ chính bản thân người lao động thì công tác tuyên truyền về chương trình XKLĐ, việc tư vấn, phối hợp, hướng dẫn và thông tin về thị trường lao động cũng như hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cho người lao động ở các huyện miền núi cũng còn hạn chế.
 
Ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết thêm: Để khuyến khích người dân đi XKLĐ, Quảng Ngãi đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ như: Chi phí đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng với mức 700 nghìn/người; chi phí khám sức khỏe ban đầu với mức 120 nghìn đồng/người; thực hiện hỗ trợ chi phí học giáo dục định hướng, bổ túc nghề cho nhiều lao động… Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa đủ để giúp người dân mạnh dạn đăng ký đi lao động ở nước ngoài.
 
Trong thời gian tới, bên cạnh các biện pháp đã triển khai, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các cấp, ngành liên quan tập trung mở rộng hỗ trợ cho vay đối với các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, dân tộc thiểu số khi đăng ký đi XKLĐ cùng với nhiều chính sách ưu đãi khác.
 
Đây chính là đòn bẩy giúp các lao động nghèo, đặc biệt ở 6 huyện miền núi trong tỉnh dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với thị trường lao động nước ngoài, giúp họ vươn lên thoát nghèo.
 
Thanh Phương

.