Điểm sáng từ mô hình nội trú ở Trường tiểu học Sơn Ba

01:09, 08/09/2011
.

(QNĐT)- Tuy mới được hình thành từ năm 2009 với quy mô nhỏ và còn gặp phải nhiều khó khăn, thế nhưng 2 năm qua, mô hình nội trú ở Trường tiểu học Sơn Ba, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà được xem là điểm sáng giáo dục của huyện miền núi Sơn Hà.

 

Chúng tôi có dịp đến thăm khu nội trú học sinh ở Trường tiểu học Sơn Ba vào đúng ngày khai giảng của trường. Thầy hiệu trưởng Đặng Văn Cương phấn khởi cho biết: Trong năm học mới này, khu nội trú nhận nuôi dạy 18 học sinh. Tính đến nay, đã có 48 lượt học sinh nội trú được chăm sóc và học tập tại mái trường đơn sơ này.

 

Các em học sinh ở đây đều đến từ thôn Gò Da- một thôn nghèo, nằm heo hút sâu trong hẻm núi, cách trung tâm xã Sơn Ba 4 tiếng đồng hồ đi bộ. Để đến được khu nội trú, các em phải băng rừng, lội suối và leo dốc cao và dài hàng cây số. 

 

Hiện tại, có 18 em học sinh Gò Da sinh hoạt trong 3 căn phòng nhỏ tại khu nội trú
Hiện tại, có 18 em học sinh Gò Da sinh hoạt trong 3 căn phòng nhỏ tại khu nội trú

 

Để giúp người dân ở đây dần thoát khỏi cảnh mù chữ, lạc hậu, năm 2002, thầy cô Trường tiểu học Sơn Ba đã quyết tâm đem cái chữ tới thôn Gò Da. Thầy Đinh Văn Ngoan bám bản, dạy lớp học đầu tiên với 22 học sinh người H’re ở nhiều độ tuổi khác nhau.

 

Tuy nhiên, vào thời điểm đó thầy Cương cùng các thầy cô khác luôn trăn trở một điều: “Giáo viên và học sinh ở điểm trường lẻ Gò Da bám trường, bám lớp qua mùa mưa lũ phải chịu nhiều khốn khó. Điều kiện sinh hoạt nghèo nàn, lạc hậu tại thôn khiến kết quả học tập cũng như thể chất của các em còn yếu kém quá...”.

 

Lòng yêu nghề, mến trẻ đã thôi thúc các thầy cô nơi đây suy nghĩ, kiếm cách tạo điều kiện học tập và ăn ở tốt nhất cho học trò nghèo Gò Da. “Cái khó ló cái khôn”, thế là khu nội trú được hình thành từ đầu năm học 2009-2010 với 15 em học sinh đầu tiên. Kể từ đó, thầy cô Trường tiểu học Sơn Ba đã ăn ở, sinh hoạt cùng với các em, xem các em như con đẻ của mình.

 

Đến giờ khi kể lại cho chúng tôi nghe về ngày đầu hình thành khu nội trú, thầy Cương vẫn còn nhớ như in nỗi vất vả, khó nhọc: “Nhớ buổi đầu, các em xuống học tại trường chính, do thay đổi môi trường sống nên cái gì các em cũng thấy lạ, không chịu ngủ trưa mà chỉ thích leo trèo nghịch ngợm khiến cho các thầy cô không được nghỉ ngơi”. Đó là chưa kể đến những lúc ốm đau, nhớ nhà, các em khóc đòi về với gia đình ở bản.

 

Để  ổn định nơi ăn chốn ở cho các em, nhà trường đã trang bị toàn bộ đồ dùng cá nhân cũng như dụng cụ sinh hoạt tập thể, xây dựng bếp tập thể… Hằng ngày hướng dẫn các em cách nấu ăn, sinh hoạt tập thể, kĩ năng sống và học tập. Các thầy cô luôn cố gắng quan tâm, gần gũi, động viên giúp xua đi nỗi nhớ nhà của những cô, cậu học trò nhỏ. 

 

Qua 3 năm nội trú, nhờ vào sự chăm sóc của các thầy cô Trường tiểu học Sơn Ba nên việc học tập của học sinh tiến bộ rõ rệt. Các em được học tập, rèn luyện ở lớp, về phòng có thời gian tự học, thời gian vui chơi và giải trí. 

 

Là giáo viên ở nội trú, cô Trần Thị Cẩm Tiên chia sẻ: Sau khi được về trường chính học tập, học lực của các em được nâng lên rõ rệt. Từ việc không giao tiếp được bằng tiếng phổ thông, đa số học yếu ở môn tiếng Việt. Đến nay các em đã tiến bộ rất nhiều, kĩ năng giao tiếp bằng tiếng Việt đã khá thành thạo. 

 

Khu nội trú ra đời đã tạo điều kiện cho các em học sinh người H’re biết đến cuộc sống trường lớp, tiếp cận với tri thức, cuộc sống văn minh và giúp tương lai của các em tươi sáng hơn. 

 

Thầy Cương tâm huyết rằng: “Chúng tôi mừng nhất là sức khỏe, thể chất của các em được cải thiện đáng kể. Dần dần các em đã tự biết chăm sóc bản thân, biết phân công lao động, vệ sinh nhà ở, chăm sóc lẫn nhau khi đau ốm”. 

 

Đại diện Công an tỉnh trao tặng quà cho các em học sinh nội trú nhân dịp năm học mới
Đại diện Công an tỉnh trao tặng quà cho các em học sinh nội trú nhân dịp năm học mới

 

Tuy có được những thành công bước đầu nhưng khu nội trú nhỏ còn gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn đủ thứ: Nguồn kinh phí eo hẹp, chưa có sự quan tâm đúng mức từ chính quyền địa phương cũng như ngành giáo dục, chưa có một khoản kinh phí riêng nào hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh đặc biệt nơi đây.

 

Hiện tại, 3 phòng mà các em đang ở vốn là phòng của giáo viên nội trú. Các thầy cô đã cố gắng ăn ở chật chội để nhường chỗ sinh hoạt lại cho các em.

 

Ông Phạm Văn Công- Phó phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà cho biết: “Kinh phí để nuôi dạy các em hiện tại còn khó khăn lắm. Chủ yếu vẫn dựa vào sự hỗ trợ của tỉnh theo Quyết định 101 (hỗ trợ 140 nghìn đồng/tháng/em) và đóng góp của phụ huynh, các nhà hảo tâm cùng thầy cô giáo tại trường”.

 

Gần đây, mô hình nội trú của trường đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Trong niềm hân hoan đón chào năm học mới, thầy trò nơi đây còn đón nhận một niềm vui lớn khác: Sắp tới, trường sẽ khởi công xây dựng 2 phòng ở mới cho các em học sinh nội trú nhờ vào nguồn tài trợ của chính quyền và các nhà hảo tâm.

 

Chia tay thầy trò Trường tiểu học Sơn Ba trong không khí ngày tựu trường, chúng tôi mong rằng, thời gian đến Trường tiểu học Sơn Ba sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa để mô hình nội trú nhỏ càng ngày càng phát triển và nhân rộng ra nhiều nơi trên địa bàn huyện, qua đó góp phần vào sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. 

Thanh Phương


.