Chuyện lạ ở Sơn Hà: Ngôi trường có cả 3 cấp học

03:09, 07/09/2011
.

(QNĐT)- Với việc ghép chung đến 3 bậc học là: Mẫu giáo, tiểu học, THCS, có lẽ Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Nước Nia, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà,  không chỉ duy nhất ở Quảng Ngãi, mà còn là ngôi trường “khó tìm thấy” ở các tỉnh, thành khác của miền Trung này.

* Ngôi trường “độc” nằm ngay thị trấn

Tuy nằm ở miền núi, thế nhưng Trường TH&THCS Nước Nia nằm cách thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà chỉ khoảng 5km. Và con đường từ thị trấn Di Lăng đến tận cổng trường đã được nhựa hoá phẳng lì.
 
Ngôi trường “3 cấp”: Mẫu giáo tiểu học và THCS Nước Nia, thị trấn Di Lăng
Ngôi trường “3 cấp”: Mẫu giáo, tiểu học và THCS ở thôn Nước Nia, thị trấn Di Lăng

Được thành lập vào tháng 8/2008, Trường TH&THCS Nước Nia, có tổng số cán bộ và giáo viên là 20 người, trong đó 14 người trực tiếp đứng lớp; đảm nhận việc dạy cho con em của đồng bào ở hai thôn Nước Nia 1 và 2.

Năm học 2011-2012, trường có tổng số 185 học sinh/3 khối. Trong đó THCS có 65 em, được chia thành 4 lớp là: 6, 7, 8 và 9; bậc tiểu học có 80 em, gồm 6 lớp, trong đó lớp 2 có 2 lớp. Mẫu giáo có 35 em, chia thành 2 lớp.

Đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy thì cũng bình thường như những trường khác, nghĩa là được đào tạo bậc nào thì ra dạy bậc đó. Thế nhưng với hiệu trưởng thì không. Bởi lẽ đây là trường có đến 3 cấp, nhưng hiệu trưởng thì chỉ có 1, vì vậy nhiệm vụ của người đứng đầu cũng “đặc biệt” hơn, cô Nguyễn Thị Hương- Hiệu trưởng hóm  hỉnh.

* Cô hiệu trưởng “đa năng”

Chuyên môn được được đào tạo trước khi làm lãnh đạo là tiểu học, nhưng khi được phân công về trường này lại có đến 3 bậc. Về phần THCS thì đã có 1 hiệu phó chuyên trách, nên việc phối hợp để chỉ đạo về chuyên môn không có gì khó.

Thế nhưng đối với mẫu giáo, thì thời gian đầu đã gặp nhiều “lúng túng”, cô Hương, không giấu giếm. Bởi lẽ theo qui định mỗi học kỳ, để đánh giá chất lượng chuyên môn của giáo viên, thì hiệu trưởng phải đến lớp để dự giờ. Nhưng với mẫu giáo thì nội dung giảng dạy chủ yếu là ca, múa hát, mà bản thân thì chưa học, hay trực tiếp đứng lớp bao giờ; trong khi đó lại không có cán bộ phụ trách giúp việc, cho nên không biết nhận xét thế nào. Vì vậy một thời gian dài phải âm thầm tự đi tìm hiểu, học hỏi.

Chưa hết, mỗi lần đi họp nghe phổ biến nội dung gì đó, trong khi hiệu trưởng mỗi bậc chỉ ghi lại phần chỉ đạo cho cấp của mình mà thôi; còn bản thân do “quản”đến 3 cấp, nên phải cặm cụi ghi lại từ đầu đến cuối mỏi nhừ cả tay, nghe nặng cả đầu.

* Nỗi niềm biết tỏ cùng ai

Khi nghe hỏi, sao không đề nghị cấp trên điều, hoặc bổ nhiệm thêm 1 người phụ trách mẫu giáo để phụ giúp chuyên môn, mà phải gánh một mình cho khổ, cô Hương, phân bua: Đã nhiều lần đề nghị, nhưng với số lượng của trường hiện chỉ có 2 lớp; mà theo qui định thì 3 lớp mới có tổ trưởng, nói gì đến hiệu phó.

Và một điều mà các thầy cô ở trường này vô cùng thắc mắc là: Trường thì nằm ở vùng được công nhận đặc biệt khó khăn, nên học sinh cũng được nhận trợ cấp là 70.000 đồng/tháng/em. Theo qui định thì lẽ ra khi dạy ở đây giáo viên cũng sẽ được nhận khoản hỗ trợ thêm là 70% so với lương chính, thế nhưng không hiểu vì sao lại không có. Đã nhiều lần các thầy cô đi hỏi, thì được trả lời là trường nằm trong khu vực thị trấn, nên giáo viên không được nhận khoản hỗ trợ này.

Vẫn biết rằng cơ sở vật chất và việc dạy, học ở vùng miền núi trong tỉnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và tạm bợ. Thế nhưng nằm ở trung tâm huyện liệu có cần thiết để ghép 3 cấp vào một trường; còn hiệu trưởng một mình phải kiêm nhiệm chỉ đạo chuyên môn nhiều cấp như vậy không?. Xin nhường câu trả lời cho ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi.

                        Công Hoàng

.