Chuyện học ở “đất lửa” Phổ Cường

02:09, 18/09/2011
.

(QNĐT)- Mỗi năm, “đất lửa” Phổ Cường có hàng chục con em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Nhưng đằng sau con số đáng tự hào ấy là những câu chuyện thật không thể ngờ.

Ông Bùi Văn Chuyên – Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ tự hào khi nói về quê hương của mình: Lâu nay, Phổ Cường chỉ được biết đến là vùng đất anh hùng trong hai cuộc kháng chiến; là quê hương thứ hai của bác sỹ Đặng Thùy Trâm; nơi hy sinh của nhà báo Nguyễn Văn Giá, chứ đâu biết rằng nơi đây còn là vùng quê hiếu học.
 
Khen thưởng những học sinh đạt thành tích cao trong học tập.
Khen thưởng những học sinh đạt thành tích cao trong học tập.

Mỗi năm, có khoảng 50 học sinh trong xã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, hàng trăm em theo học tại các trường trung học chuyên nghiệp và trung cấp nghề.

Riêng trong năm 2011, toàn xã có gần 50 em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Nhiều em đỗ cùng lúc 2 – 3 trường. Nhưng để có điều kiện lo cho con em ăn học, các bậc phụ huynh phải “đầu tắt mặt tối, cày sâu cuốc bẵm” trên những thửa ruộng bạc màu hay mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm, bán vé số, mỳ gõ, buôn bán ve chai… ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.

* Những kết quả đáng tự hào

Tin vui em Dương Thị Thảo Nguyên, con của ông Dương Hiển Tụ và bà Võ Thị Đẹp ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường cùng lúc đỗ 3 trường đại học và cao đẳng không gây bất ngờ đối với nhiều người. Bởi vì, trong 12 năm tiểu học rồi trung học, em luôn dẫn đầu trong bảng thành tích nhà trường.

Kết quả là trong kỳ thi vừa qua em đã đỗ vào trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại với số điểm 29,5, Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh và Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, mỗi trường đạt 23.5 điểm. “Bí quyết học tốt của em là lắng nghe thầy cô giảng bài và làm thật nhiều bài tập để ghi nhớ những kiến thức đã tiếp thu” – em tâm sự.

Gia cảnh nghèo khó đã không làm nhụt ý chí trên hành trình đi tìm tri thức của sinh viên Phan Thị Hồng Giỏi, hiện đang là sinh viên năm thứ 2 Khoa Giáo dục chính trị Trường đại học Sài Gòn. Ngay trong năm học đầu tiên, em đã vượt qua các sinh viên khác vươn lên dẫn đầu với số điểm 8,16.

Trong những năm từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông, Giỏi luôn đạt thành tích học sinh giỏi. Nhưng ít ai biết rằng, phía sau thành tích đó là những nỗi vất vả nhọc nhằn của bản thân em và gia đình. Cha em vừa qua đời sau hơn 7 năm mắc bệnh tâm thần, mẹ đã qua tuổi 60, không còn khả năng lao động. Tuổi thơ của mấy chị em Giỏi là những trận đòn vô thức từ người cha và nỗi cơ cực của mẹ. Cả mấy mẹ con phải dắt nhau ăn nhờ ở đậu tại nhà của những người hàng xóm tốt bụng nhưng vẫn không được yên ổn. Bởi vì, cứ mỗi khi lên cơn thì cha Giỏi thường hay đến quấy phá…

Hiện tại, việc học của em phải nhờ vào sự tài trợ của một người đồng hương hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Cứ sau giờ đến trường, em lại tất bật chăm sóc những luống rau trong vườn nhà trọ để “tăng thêm chất xanh” vào bữa ăn của mình.

* Chắp cánh cho con

Phổ Cường là một xã thuần nông với hơn 14.000 nhân khẩu canh tác trên 2.000ha đất bạc màu nên thu nhập chẳng đáng là bao. Để có tiền lo cho con ăn học, nhiều người phải ly hương vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam làm đủ mọi nghề như bán vé số, ve chai, mỳ gõ, chạy xe ôm…
 
Gia cảnh khó khăn không làm nhụt ý chí trên hành trình tìm đến tri thức của sinh viên Phan Thị Hồng Giỏi.
Gia cảnh khó khăn không làm nhụt ý chí trên hành trình tìm đến tri thức của sinh viên Phan Thị Hồng Giỏi.


Gặp bà Bùi Thị Muôn ở thôn Bàn Thạch, tôi khẽ giật mình: Trời ạ! Sao có người lại gầy đến thế? Nhưng cái sự gầy của bà không phải vì kém ăn mất ngủ do đau yếu bệnh tật, mà bởi vì mỗi ngày bà phải “lặn lội thân cò” cuốc bộ hàng vạn bước lê la khắp các con phố Sài thành bán từng tấm vé số nuôi bốn người con tốt nghiệp đại học.

Hằng ngày, bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng, bà vội vã đến đại lý lấy vé số rồi cuốc bộ suốt ngày để bán đến tấm vé cuối cùng khoảng 9 giờ đêm mới trở về nhà trọ với đôi chân rã rời. Nhiều lúc ốm đau nhưng bà không dám ngơi nghỉ vì lo không đủ tiền chu cấp cho các con.

Vất vả là thế, nhưng mỗi bữa, bà chỉ lót dạ đĩa cơm bụi rẻ tiền với vài lát thịt thái mỏng, miếng đậu phụ kho kèm dăm cọng rau luộc. “Tằn tiện để dành tiền mà nuôi con. Ở quê, ông xã nhà tui chỉ biết chăm sóc vài sào ruộng lúa bạc màu, nếu không dành dụm thì lấy đâu lo cho con ăn học?” – bà giãi bày về việc tiết kiệm quá mức của mình.

Tôi chợt ngỡ ngàng khi gặp ông Võ Ngọc Linh, quê ở xã Phổ Cường, đang “hoa chân múa tay” phụ giúp lực lượng cảnh sát giao thông điều khiển phương tiện qua lại ở ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Ông rời quê vào TP. Hồ Chí Minh hành nghề xe ôm gần 10 năm qua để nuôi 3 người con theo học tại đây. Hiện người con trai đầu đã tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, hai con còn lại đang theo học tại Trường đại học Bách Khoa và Đại học Sài Gòn.

Một ngày làm việc của ông bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng cho đến tận đêm khuya với việc chở hàng thuê cho những khách quen ở khu vực cạnh nhà trọ trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Nhiều lúc ông phải chở khách đến tận các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và TP Vũng Tàu với chặng đường đi về hàng trăm kilômét.

Do luôn phải “bám đường” nên việc ăn uống của ông thất thường theo mỗi cuốc xe. Đôi khi ruột đói cồn cào nhưng phải bấm bụng chịu đựng vì phải đảm bảo thời gian cho việc di chuyển của khách. Những khi chờ khách, ông lại “xin” được phụ giúp cảnh sát giao thông hướng dẫn người và phương tiện lưu thông trên nhiều tuyến đường ở khắp các quận nội thành.

“Cứ giúp được người khác là tui thấy vui, xua tan hết mệt nhọc. Với lại, đấy là bài học cho các con về việc giúp đỡ người khác và đóng góp công sức cho xã hội chứ nếu sống mà chỉ biết lo cho mình thì coi như hỏng mất chú à!” – ông tâm sự.

* Ươm những mầm xanh

Trong dịp Tết Trung thu vừa qua, bên cạnh việc được nhận quà bánh thì nhiều cháu thiếu nhi học giỏi trên địa bàn xã Phổ Cường còn được nhận thêm 3 quyển vở trắng tinh. Đây là món quà của các cụ cao tuổi ở địa phương đã đứng ra vận động, quyên góp nhằm động viên các cháu phấn đấu vươn lên trong học tập.   

Tôi cũng thực sự cảm động khi nghe chuyện khuyến học của những sinh viên quê ở Phổ Cường hiện đang theo học tại TP. Hồ Chí Minh. Thông qua website phocuongonline.com, các em đã tổ chức nhiều đợt quyên góp kinh phí để gửi về quê nhà giúp đỡ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Do chủ yếu là sinh viên nên khoản đóng góp của các em cũng chỉ ở mức vài chục nghìn đồng. Nhưng để có được khoản tiền như thế, các em đã bớt xén từng gói mỳ tôm trong bữa ăn của mình. Và chính những phần quà bé nhỏ nhưng đậm nghĩa tình ấy đã động viên nhiều em học sinh nỗ lực vượt qua khó khăn tiếp tục đến trường. Trong đợt thi đại học, cao đẳng vừa qua, các em đã tổ chức đưa đón, sắp xếp chỗ trọ cho những thí sinh ở quê vào đây dự thi…

Ông Nguyễn Đạo, quê gốc ở thôn Xuân Thành, hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh đã cung cấp chỗ trọ miễn phí cho 3 sinh viên quê Phổ Cường có hoàn cảnh khó khăn là Nguyễn Minh Cảnh, Trần Thị Ánh Ngà và Phan Thị Hồng Giỏi. Bên cạnh đó, hàng tháng ông còn chu cấp cho mỗi em 1,5 triệu đồng để giúp cho các em có điều kiện tiếp tục đến trường.

Hàng năm, ông Phạm Văn Lộc, người quê Phổ Cường hiện là Giám đốc một Công ty điện toán tại TP. Hồ Chí Minh vận động, quyên góp hàng chục triệu đồng hỗ trợ Quỹ khuyến học của xã để trao học bổng cho những học sinh vượt khó ở quê nhà…

* Thay cho lời kết

Phổ Cường tuy chưa phải là “quê thầy, đất thợ”, nhưng cái sự học thật đáng tự hào. Để cho con được đến trường, các bậc phụ huynh phải “đầu tắt mặt tối, cày sâu cuốc bẵm” trên những thửa ruộng bạc màu hay mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm, bán vé số dạo, mỳ gõ, buôn bán ve chai… ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Không phụ công của cha mẹ và những người đã giúp đỡ mình, các em cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn vươn lên trong học tập. Trong đó, không chỉ có em Phan Thị Hồng Giỏi, Dương Thị Thảo Nguyên mà còn nhiều học sinh, sinh viên khác đang miệt mài trên hành trình đi tìm tri thức của mình.

Sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà đâu chỉ bởi trí tuệ và công sức của các thầy cô giáo và cán bộ quản lý trong ngành mà rất cần sự cần mẫn, miệt mài của những con người như thế.
                   
Trang Thy

.