(QNĐT) - Những ngày này, cùng với học sinh cả nước, hàng vạn học sinh trong tỉnh cũng nô nức chuẩn bị bước vào năm học mới. Đến thời điểm này, ngành giáo dục đã sẵn sàng cho năm học mới nhưng ở nhiều nơi vẫn còn nỗi lo về cơ sở vật chất.
*Sẵn sàng bước vào năm học mới
Năm học 2011-2012 là năm thứ hai thực hiện theo chủ trương của Bộ, các bậc học từ mầm non đến THPT sớm nhất vào ngày 1/8 tới, muộn nhất vào ngày 28/8, UBND tỉnh đã ban hành quyết định ngày tựu trường của giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên và THPT ngày 22/8; tiểu học và THCS ngày 10/8, nên ngay từ đầu tháng 8, các bậc phụ huynh, các địa phương cùng ngành giáo dục đã gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, tập huấn chuyên môn và công tác quản lý cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, vệ sinh trường, lớp... sẵn sàng cho năm học mới.
Sở GD&ĐT đã làm việc với Công ty CP Sách và Thiết bị Quảng Ngãi nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh cũng như hỗ trợ sách giáo khoa, tổng trị giá trên 200 triệu đồng cho học sinh là con thương binh, liệt sỹ. Cùng với đó, ngành đã tạo điều kiện cho gần 100 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục chuyển công tác, giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng. Sở cũng đã chỉ đạo các địa phương tuyển dụng thêm nhân lực để phục vụ cho năm học mới.
Ông Võ Đức Tế - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Cơ sở vật chất là một trong những yếu tố được ngành giáo dục, địa phương chú trọng nhất. Ngay sau khi kết thúc năm học 2010-2011, Sở tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương một mặt triển khai xây dựng kiên cố các trường lớp học, một mặt tu sửa những trường bị hư hỏng để đảm bảo cho các em bước vào năm học mới. Nhiều địa phương đã huy động và sử dụng kinh phí từ nhiều nguồn để xây mới, tu sửa trường lớp học như: Bình Sơn 25 tỷ đồng, Sơn Tịnh 14,6 tỷ đồng, TP. Quảng Ngãi 9 tỷ đồng, Nghĩa Hành 3,5 tỷ đồng…
Như vậy, sau 5 năm tăng cường cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, toàn ngành đã huy động sự đóng góp của các tổ chức kinh tế, xã hội địa phương cùng nhiều nhà tài trợ đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học, với tổng giá trị 57, 4 tỷ đồng, trong đó, đã xây dựng mới được 3.834 phòng học kiên cố.
Năm học này, Bộ GD&ĐT khuyến khích tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với giáo dục tiểu học. Đối với mầm non thì đến năm 2015 có 95% trẻ em 5 tuổi học 2 buổi/ngày. Sở đã xây dựng Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trình UBND tỉnh phê duyệt và làm căn cứ để thực hiện, tạo điều kiện tốt để các em khi vào lớp 1 có thể nói tiếng Việt tốt, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế tình trạng học sinh yếu kém.
Ông Tế cho biết thêm, với các địa phương miền núi, tình trạng học sinh bỏ học sau Tết nguyên đán luôn diễn ra. Để hạn chế tình trạng này, ngay từ đầu năm học mới, Sở đã đề nghị và UBND tỉnh thống nhất cho phép các em nghỉ Tết âm lịch dài hơn mọi năm (2 tuần) để các em có thời gian phụ giúp gia đình thu hoạch đót.
Bên cạnh nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, những thành tựu mà ngành giáo dục đạt được trong các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào : "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" là tiền đề quan trong để ngành bước vào năm học mới với quyết tâm cao.
*Phòng học tạm bợ còn nhiều
Tuy vậy, ngành cũng gặp không ít khó khăn đó là nhiều đơn vị trường còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiếu phòng học, phòng thí nghiệm thực hành, cá biệt ở một số xã của huyện miền núi, có nơi trường chưa ra trường, việc hình thành các trường độc lập còn nhiều khó khăn, vẫn còn phải tổ chức lớp nhô, lớp ghép. Hiện toàn tỉnh còn tới 3.045 phòng học bán kiên cố và 237 phòng học tạm thời cần được xây mới (chiếm hơn 46% tổng số phòng học).
Bước vào năm học mới, huyện miền núi Tây Trà có 105 điểm trường với 5.314 học sinh. Nhờ chương trình kiên cố hóa trường học, địa phương đã xây dựng được 48 điểm trường và nhà công vụ giáo viên kiên cố, số còn lại đang trong tình trạng tạm bợ, đặc biệt nhiều điểm trường lẻ phòng học đơn sơ bằng tranh tre, nứa lá.
Để tạo điều kiện cho các em học sinh thôn Tre, xã Trà Thọ (Tây Trà) bước vào năm học mới, ngành giáo dục huyện phải dựng trường tạm nơi bà con đang ở tạm. |
Khó khăn nhất là điểm trường cấp 1 tại thôn Tre xã Trà Thọ. Từ xưa đến nay, điểm trường này luôn trong tình trạng tạm bợ. Để con em địa phương có điều kiện học tập tốt hơn, ngành đã đưa điểm trường này vào chương trình kiên cố hóa trường học, nhưng lại vướng dự án di dân, tái định cư của Hồ chứa nước Nước Trong nên đã chuyển nguồn vốn này cho trường cấp 1, xã Trà Thanh.
Giờ đây, khi mà các hộ dân phải "chạy nước" nên rơi vào tình trạng học sinh một nơi, trường một nẻo. “Phòng đã hỗ trợ tôn lợp để trường xây dựng tạm địa điểm dạy tại nơi bà con đang dựng liều ở tạm để đảm bảo việc học cho con em. Lo nhất là mùa mưa bão đến gần, chỉ cần một cơn gió mạnh là cuốn phăng đi tất cả”. Ông Lê Hoàng Phương-Phòng giáo dục huyện Tây Trà bộc bạch.
Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm-TP. Quảng Ngãi là một trong những trường có chất lượng giáo dục tốt nhất tỉnh, là địa chỉ tin cậy của nhiều bậc phụ huynh và là trường tiểu học đầu tiên của tỉnh vinh dự đón nhận Huân chương lao động Hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng, thế nhưng việc xây dựng trường trở thành trường chuẩn Quốc gia hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Lý do là diện tích không đúng quy định, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh, nhưng không được đầu tư xây mới vì vướng phải quy hoạch đường Trà Bồng Khởi Nghĩa đi qua khuôn viên trường.
Đã nhiều năm qua, thầy và trò nhà trường vẫn dạy và học trong những phòng học cũ kỹ, xuống cấp, được xây dựng cách đây hơn 40 năm. Để đảm bảo chất lượng giáo dục cho con em, trường đã chuyển toàn bộ khu hiệu bộ xuống làm việc trong các phòng xuống cấp để nhường chỗ cho các lớp học.
Chuẩn bị bước vào năm học mới, trường đã bổ sung thêm hơn 170 bộ bàn ghế cho học sinh, giáo viên, sửa chữa lại toàn bộ hệ thống thoát nước, bếp ăn bán trú cho học sinh, nền và hè phòng học.
Theo kế hoạch, trường sẽ phấn đấu trở thành trường chuẩn Quốc gia vào năm 2015, nhưng đến nay với 40 lớp, 1.752 học sinh, sở hữu diện tích 5.395 m2. Mỗi phòng học có diện tích 48m2 nhưng trung bình có tới 45,5 học sinh, trong khi đó theo quy định, diện tích tối thiểu phải đạt 6m2/học sinh nên việc xây dựng trường chuẩn gặp vô vàn khó khăn. Đó cũng là nỗi trăn trở lớn nhất đối với cán bộ, giáo viên nhà trường - thầy Võ Văn Mạnh - Hiệu trưởng nhà trường lo lắng.
Không thể phủ nhận những thay đổi về bộ mặt trường lớp trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Nhưng thực tế, trong năm học mới vẫn còn nhiều trường phải tiếp tục giảng dạy trong tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp.
Ái Kiều