(QNg)- Thời gian qua, nhiều vụ đình công của công nhân trong cả nước gây xôn xao dư luận. Mặc dù ở Quảng Ngãi việc đình công đòi trả lương của công nhân Công ty may Đại Cát Tường (KCN Tịnh Phong) sau khi Công ty này phá sản chỉ là cá biệt. Nhưng nếu các cấp công đoàn không làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, kiến thức nhiều mặt để công nhân hiểu thì nguy cơ tái diễn tình trạng đình công của công nhân là hoàn toàn có thể xảy ra.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sở dĩ có các cuộc đình công của công nhân là vì tiền lương quá thấp, trong khi chế độ làm việc nặng nhọc. Theo thống kê Quảng Ngãi hiện có trên 70 ngàn công nhân, chủ yếu tập trung ở KKT Dung Quất và các KCN Quảng Phú, Tịnh Phong... Hầu hết công nhân đều làm việc với cường độ lao động căng thẳng (8 - 10 giờ/ngày). Trên thực tế công nhân thường thờ ơ với sinh hoạt chính trị, đoàn thể, cộng đồng. Hệ thống thông tin đại chúng tuy phát triển mạnh, nhưng thông tin đến được NLĐ còn hạn chế (vì một bộ phận không nhỏ người lao động không có điều kiện theo dõi tin tức thời sự). Trong doanh nghiệp tổ chức đoàn thể ít được chủ doanh nghiệp quan tâm thành lập. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí cho công nhân ở các KKT, KCN ít được chú trọng.
Các cấp công đoàn cần làm tốt công tác tuyên truyền cho công nhân, để họ yên tâm làm việc. Trong ảnh: Công nhân Cty may Thuyên Nguyên (KCN Tịnh Phong) đang sản xuất. |
Ngoài việc nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước khó đến được với đông đảo NLĐ, thì nỗi lo lớn nhất là NLĐ thiếu việc làm, thu nhập thấp. Hàng chục vạn thanh niên đến tuổi lao động, học sinh, sinh viên ra trường không có việc làm và số lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp, doanh nghiệp giải thể. Mặt khác ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Trong khi đó giá cả leo thang, các dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu của NLĐ, ô nhiễm môi trường đã tác động trực tiếp đến sức khỏe NLĐ. NLĐ phải chịu nhiều áp lực từ những bất trắc của thị trường lao động, kỷ luật lao động công nghiệp và một số vấn đề khác của môi trường lao động làm thuê; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ rất dễ bị người sử dụng lao động xâm hại.
Mục tiêu của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật là giải quyết các mâu thuẫn, các mối quan hệ, tạo sự thống nhất, đồng thuận và hoạt động vì lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ. Trong khi đó việc nắm bắt tình hình, tư tưởng của NLĐ có nhiều khó khăn. Hơn nữa một số cán bộ ít đi cơ sở; có nơi còn biểu hiện hành chính quan liêu, đánh giá và giải quyết tình hình tư tưởng người lao động chỉ qua phản ánh báo cáo của cấp dưới… Có nơi công tác giáo dục chính trị tư tưởng được làm theo "công thức" (mở các lớp ở cấp tỉnh, huyện, ngành và cũng chỉ mới đến được chủ tịch hoặc ban chấp hành công đoàn cơ sở); việc tuyên truyền đến NLĐ, nhất là lao động khu vực kinh tế ngoài Nhà nước ở nhiều nơi bỏ ngỏ. Tài liệu tuyên truyền còn dài, nặng về thành tựu, nhẹ về khó khăn, hạn chế, yếu kém nên thiếu tính thuyết phục.
Vấn đề đặt ra là phải nâng cao tính thuyết phục trong công tác tuyên truyền của công đoàn. Muốn vậy cán bộ công đoàn cần đi sâu, đi sát để tìm hiểu cả những băn khoăn, lo lắng, những điều mà NLĐ quan tâm. Trong mỗi thành công, thất bại đều phải nắm rõ nguyên nhân để có hình thức động viên, khen thưởng hoặc nhắc nhở kịp thời. Có như vậy hoạt động công đoàn mới có tính thuyết phục, NLĐ mới hăng hái tham gia. Muốn làm được điều này, cán bộ công đoàn phải tích cực học tập, trau dồi kiến thức, gương mẫu về mọi mặt, tránh tình trạng nói hay, làm dở.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU