*TRẦN ĐĂNG
(QNĐT)- Sáng ngày 24/6, trên 50 công nhân của Công ty may Đại Cát Tường (KCN Tịnh Phong) đã kéo đến Ban Quản lý các KCN Quảng Ngãi để ra “tối hậu thư” về việc giải quyết trên 1 tỷ đồng tiền lương mà Công ty này nợ của họ từ năm 2008 đến nay.
Tay không bắt giặc
Ngày 23/3/2005, Công ty may Đại Cát Tường chính thức hoạt động tại KCN Tịnh Phong (Quảng Ngãi), với chức năng là may gia công xuất khẩu. Tổng số vốn mà doanh nghiệp này “bỏ ra” lên đến 38 tỷ nhưng chủ yếu là vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi.
Chủ tịch TLĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng nói chuyện với công nhân may Đại Cát Tường tháng 1/2009. Ảnh: T.Đ |
Ngay từ những ngày đầu, ông chủ doanh nghiệp này đã mở toang cửa để đón 1.200 công nhân và hứa là sẽ nhận thêm 800 công nhân nữa chỉ ngay năm sau.
Hoạt động chập chờn chưa được 2 năm, Công ty bắt đầu “khất lương”, đến giữa năm 2008, những cuộc lãn công nhỏ lẻ bắt đầu nổ ra. Cuối năm 2008, hầu như tháng nào cũng có lãn công của công nhân đòi trả nợ lương. Nhưng Công ty thì trả nhỏ giọt, chủ yếu là tạm ứng với số tiền rất ít ỏi. Đến nay, Công ty vẫn còn nợ công nhân 1 tỷ 60 triệu tiền lương.
Đầu năm 2009, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã về thăm Công ty, gặp gỡ anh chị em công nhân và tặng 65 triệu đồng từ số tiền mà Báo Lao Đông quyên góp của các doanh nghiệp khác để “cứu” một số nhà máy đang lâm vào khủng hoảng.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã can thiệp bằng việc đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục cho doanh nghiệp này vay thêm 300 triệu để trả bớt nợ cho công nhân với hy vọng là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm đó, doanh nghiệp sẽ tự đứng được.
Thế nhưng, công việc ngày một vơi dần, công nhân bỏ đi tứ tán, từ 1.200 xuống còn 320 người. Số công nhân “cố thủ” này đang bơ vơ vì ông chủ đã “rời địa bàn”, ngân hàng đã phong tỏa toàn bộ tài sản và …rao bán.
Nhiều người ví von rằng, cái gọi là đầu tư của Công ty may Đại Cát Tường chẳng khác nào “tay không bắt giặc” vì toàn bộ máy móc thiết bị được mua từ tiền vay ưu đãi, tiền thuê đất tại KCN Tịnh Phong cũng mang tính tượng trưng nhưng số tiền mà ban định giá đưa ra để bán với mức tối thiểu là 39,8 tỷ đồng.
Bao giờ trả nợ lương cho công nhân?
Sáng ngày 24/6, ông Lê Hoàng- Chủ tịch công đoàn Công ty may Đại Cát Tường “dẫn đầu” đoàn công nhân đi hỏi nợ, nhưng ông chủ của Đại Cát Tường thì “bặt tăm”, họ đành kéo đến Ban quản lý các KCN Quảng Ngãi. Trong số tiền 1 tỷ 60 triệu mà Công ty này hiện còn nợ công nhân, người nợ nhiều nhất lên đến 60 triệu, ít nhất cũng 4 triệu nhưng điều mà công nhân bức xúc nhất là họ chẳng biết hỏi ai, cơ quan nào sẽ trả lời câu hỏi “bao giờ thì trả nợ lương?”.
Hàng chục công nhân đến Ban quản lý các KCN Quảng Ngãi để đòi quyền lợi sáng ngày 24/6/2011. Ảnh: T.Đ |
Ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch công đoàn Ban Quản lý các KCN Quảng Ngãi vừa thanh minh, vừa trấn an: “Hiện ông chủ đã bỏ về TP. HCM rồi, nhà máy đang rao bán nhưng chưa ai mua nên không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ. Chúng tôi hứa với anh chị em là khi nào bán được nhà máy, ưu tiên hàng đầu vẫn là trả lương cho công nhân trước, sau đó mới trả nợ ngân hàng”.
Hàng chục công nhân gạt nước mắt ra về vì có người đã bị chủ nhà trọ xiết nợ, có người ốm đau mấy năm nay đi chữa bệnh nhưng không có BHYT, có công nhân sinh đẻ nhưng đến BHXH hỏi tiền chế độ thì được trả lời là doanh nghiệp vẫn còn nợ BHXH nên họ không thể chi trả mặc dù tháng nào số công nhân này cũng bị trừ tiền bảo hiểm! Họ chỉ còn một hy vọng mỏng manh là mong sao sớm bán được nhà máy và cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi sẽ ưu tiên trả nợ cho họ trước khi trả cho ngân hàng./.