Trường học chờ "sổ đỏ"

10:05, 03/05/2011
.

(QNg)- Niềm mong mỏi từ lâu của rất nhiều trường mầm non là được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Nhiều nơi trường chẳng ra trường, một phần vì xuống cấp và chẳng phải cơ sở vật chất thuộc sự quản lý của nhà trường. Thế nhưng chờ mãi vẫn chưa được cấp sổ đỏ để xây dựng trường, gây ảnh hưởng đến công tác dạy và học.

Qua chuyến đi thực tế ở một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy sự thiếu quan tâm của cơ quan chức năng đối với bậc học đặc biệt quan trọng này. Ở nhiều địa phương, trường, lớp học bậc mầm non xuống cấp nghiêm trọng. Trường học phần lớn là mượn tạm nhà sinh hoạt của thôn, tổ dân phố. Trang, thiết bị dạy học thì "nghèo nàn", không đáp ứng nhu cầu dạy và học. Và một khó khăn chung của rất nhiều trường mầm non là, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư xây dựng trường học. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học.
 
Học sinh xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) học trong ngôi nhà sinh hoạt của thôn đã xuống cấp.
Học sinh xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) học trong ngôi nhà sinh hoạt của thôn đã xuống cấp.

Trường học mầm non ở huyện Sơn Tịnh được "liệt" vào hàng xuống cấp nhất trong tỉnh (khoảng 1/3 trường trong tổng số 21 trường được cấp đất, còn lại là dạy và học "nhờ" nhà sinh hoạt của thôn). Chính vì dạy và học "nhờ", nên thiếu sự đầu tư sửa chữa, nâng cấp, dẫn đến cơ sở dạy học ngày càng xuống cấp. Ông Bùi Trưng-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tịnh bộc bạch: "Nhà trường phải được bố trí đất, thì mới có cơ sở để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học. Thực tế cho thấy, nơi nào chính quyền địa phương quan tâm thì nơi đó sớm được cấp đất để đầu tư xây dựng trường mới".

Ở Tp.Quảng Ngãi, các trường mẫu giáo bán công như Trần Hưng Đạo, Trần Phú… cũng đã nhiều năm trông chờ các cấp chính quyền cấp đất. Mang tiếng là ở thành phố, nhưng cô và trò ở những địa phương này phải dạy và học "nhờ" nhà sinh hoạt của tổ dân phố (nơi cơ sở vật chất đã xuống cấp). Chị Hà Thị Thu Oanh - Phó hiệu trưởng Trường Mẫu giáo bán công Trần Phú, chia sẻ: "Nếu sớm được cấp đất, đầu tư xây dựng trường học khang trang, thì sẽ thu hút các cháu đến lớp nhiều hơn, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học".

Bà Huỳnh Thị Lan Phương-Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT) cho biết: Trước thực trạng nhiều trường mầm non chưa được cấp đất để xây dựng trường, Sở đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng, nhất là ngành Tài nguyên-Môi trường quan tâm cấp đất cho các trường. Tuy nhiên hiện vẫn còn rất nhiều trường chưa được quan tâm cấp đất.
 
Theo bà Huỳnh Thị Lan Phương thì có nhiều nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng trường học mầm non như, nguồn từ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giáo dục thường xuyên, và sắp tới có nguồn kinh phí từ đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi… Các trường phải được cấp đất thì mới được hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng.

Trước thực tế toàn tỉnh có đến 232/856 phòng học tạm, hiện còn thiếu 288 phòng học, nhu cầu được cấp đất để xây dựng trường học càng trở nên bức thiết. Phòng học thiếu, nhiều lớp học phải học nhờ, học tạm và học ghép 3 độ tuổi (3, 4, 5 tuổi), nên chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế ở phần lớn trường học mầm non. Mặt khác việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp để học 2 buổi/ngày gặp nhiều khó khăn. Các trường trên địa bàn thành phố, thị trấn do phòng học chật, trong khi đó nhiều phụ huynh có nhu cầu gởi con, nên lớp học quá tải.
 
Theo đề án Sở GD&ĐT vừa mới xây dựng thì trong giai đoạn 2011-2014, tổng kinh phí thực hiện là trên 500 tỷ đồng, trong đó dành phần lớn kinh phí để đầu tư xây dựng trường. Để thực hiện mục tiêu huy động 100% trẻ 5 tuổi ra lớp, 95% trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày theo như đề án thì một trong những yêu cầu trước tiên là, các trường học mầm non cần được chính quyền địa phương cấp đất để xây dựng trường.

Bài, ảnh: Phương Lý

.