(QNg)- Thợ lặn biển toàn là những người dân không được học hành nghiệp vụ lặn biển cũng như các kỹ năng cứu hộ. Họ thường xuống độ sâu 30-40m, thậm chí 50m dưới mặt biển khai thác hải sản. Nhiều người đã phải đánh đổi mạng sống của mình. Có người may mắn thoát được "cửa tử", nhưng mang những bệnh tật không bao giờ chữa khỏi, khiến họ khó có thể trở lại với biển trên những chuyến khơi xa được nữa.
*Sinh nghề tử nghiệp
Khi được hỏi về số lượng người làm nghề lặn biển ở Bình Châu (Bình Sơn), ông Bùi Hồng Vân - Phó Chủ tịch MTTQ xã Bình Châu, Chi hội trưởng Hội Nghề cá Bình Châu phẩy tay bảo chúng tôi: "Biết bao nhiêu mà thống kê cho hết, ước chừng cũng trên cả ngàn người đấy. Riêng thôn Châu Thuận biển có số người đi lặn đông nhất xã và cũng nhiều người gặp tai nạn nhiều nhất xã". Rồi ông dắt tôi vòng theo con đường xóm nhỏ xíu đầy cát và sỏi đến nhà anh Võ Văn Mai (41 tuổi), ở xóm Gành Cả.
Nguyễn Tấn Hải (bên phải) bị teo cơ sau một lần lặn, nên giờ không đủ sức lao động khi chỉ mới 20 tuổi. |
Anh Mai tập tễnh bước đến chiếc bàn nước trên đôi chân không lành lặn của mình, rót nước mời chúng tôi rồi kể câu chuyện đời mình. 20 tuổi Mai cũng như bao trai làng biển khác bắt đầu cuộc sống lênh đênh sóng nước. Thời đó nghề lặn làm ăn được, mỗi chuyến lặn cũng kiếm được vài triệu bạc. Anh Mai ham công việc "hái" ra tiền này nên quyết định chuyển sang nghề lặn.
Tham gia lặn được 3 năm, một ngày tàu cá của anh Mai dừng ở một vùng khơi nhiều tôm cá. Bình thường anh chỉ lặn khoảng xuống 30m, nhưng hôm đó anh lặn khoảng 50m. Lên bờ được 15 phút, chưa kịp mừng có một đêm lặn suôn sẻ, anh Mai bỗng thấy đôi bàn chân tê tê, cảm giác lan dần lên đến bụng. Vài phút sau toàn bộ cơ thể anh mất cảm giác như thể mọi tế bào thần kinh trên da đã biến mất, hai chân mềm nhũn. Biểu hiện này không ai trên tàu còn xa lạ, bởi bệnh giảm áp sau lặn đã là chuyện thường ngày với dân thợ lặn. Tàu đưa anh về rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu. Sau đó chuyển anh đi Quy Nhơn (Bình Định) vì thời điểm đó, BV Quảng Ngãi chưa có máy giảm áp. Sau nhiều đợt chữa trị giảm áp, tập vật lý trị liệu, anh Mai có thể đi lại được, nhưng đôi chân không còn nhanh nhẹn như trước. Nhưng không vì thế mà anh bỏ biển. "Bị vậy mà ổng có chịu thôi đâu, bây giờ ngày nào cũng ra biển, không lặn ngoài khơi được thì ổng lặn ốc gần bờ, ngày nào cũng đi hết" - vợ anh Mai "kể tội" chồng. Anh cười hiền: "Không đi biết lấy gì mà sống, lặn gần gần cũng kiếm được ít tiền phụ vợ con".
Ở thôn Châu Thuận Biển thanh niên gia nhập "làng" thợ lặn ngày càng nhiều. Chủ yếu là "cha truyền, con nối". Một nhà có ít nhất 2 thế hệ làm nghề lặn và không ít người gặp tai nạn khi tuổi đời còn rất trẻ. Như gia đình anh Nguyễn Thiên. Anh cùng hai người con trai đều làm nghề thợ lặn.
Người con trai đầu là Nguyễn Tấn Hải nay 23 tuổi, gặp tai nạn khi mới 20 tuổi. 19 tuổi Hải đã theo cha đi đánh bắt xa bờ, rồi tập tành học nghề lặn của cha. Nhưng chưa kịp trở thành thợ lặn lành nghề, Hải đã phải ngồi nhà với đôi chân bị teo cơ trong một lần lặn tìm ngọc trai ở độ sâu 35m. Lần ấy Hải bất tỉnh ngay dưới đáy biển, được đưa đi cấp cứu ngay, nhưng đôi chân cứ ngày càng teo lại… Giờ cậu em trai (mới 18 tuổi) của Hải lại theo cha làm thợ lặn. Dụng cụ của người thợ lặn nơi đây rất đơn giản. Gọi là lặn hơi nhưng người lặn ngậm một ống nhựa từ đó oxy tạo hóa của máy nén khí được truyền cho người thợ lặn. Bình hơi này được đặt trên khoang thuyền, nhiều người có thể sử dụng cùng lúc, ngoài ra còn có phao cứu sinh… là hết, dụng cụ lặn chỉ vẻn vẹn bấy nhiêu.
Đã có nhiều người khấm khá với nghề lặn biển. Việc vay ngân hàng lãi cao để đầu tư thuyền bè, thiết bị là phổ biến, nên họ đâm lao phải theo lao, mạnh tay vay vốn, không thể bỏ nghề, mặc dù biết rõ hiểm nguy rình rập. Ông Vân cho biết: "Ở Bình Châu số người bị tai nạn khi lặn biển giờ đã vượt quá con số một trăm". Không có kiến thức về biển và lặn biển, không có trang bị bảo hộ, họ bị cướp đi sức khoẻ và cũng có thể mạng sống bất cứ lúc nào. Nghề lặn biển có thể mang lại giàu có nhanh chóng, nhưng ngược lại công việc dưới lòng biển này dễ dàng và phũ phàng đẩy con người vào “cửa tử” trong giây lát.
*Để giảm thiểu tai nạn
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch xã Bình Châu cho biết: Nguyên nhân những tai nạn của người làm nghề lặn biển nghiệp dư trước hết là sự thiếu hiểu biết, làm việc trong điều kiện phương tiện, dụng cụ bảo hộ lao động thiếu, hoặc có nhưng không đủ tiêu chuẩn. Hơn nữa do lợi ích kinh tế, nhiều doanh nghiệp hoặc chủ cơ sở khai thác hải sản, người quản lý lao động đã không chấp hành tốt quy định sử dụng lao động, để người lao động làm việc quá lâu, quá sâu dưới nước, trong khi không bảo đảm các phương tiện, thiết bị y tế, cấp cứu ban đầu.
Để tránh tai nạn đáng tiếc cho những người làm nghề lặn biển, các địa phương cần tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động, người sử dụng lao động nhận thức rõ lao động lặn có tính đặc thù, cần có những quy định nghiêm ngặt về công tác an toàn. Người lao động lặn phải được trang bị những thiết bị bảo hộ lao động chuyên dụng, bảo đảm tiêu chuẩn và có thời gian nghỉ, giãn cách lao động hợp lý, có chế độ bồi dưỡng, chăm sóc, kiểm tra sức khỏe y tế định kỳ, kịp thời, theo tính chất của công việc. Các cơ sở sử dụng lao động làm nghề lặn phải được trang bị những thiết bị, phương tiện cấp cứu chất lượng tốt, khi người lao động bị tai nạn cần được sơ cứu đúng cách và chuyển đến các cơ sở y tế chuyên ngành kịp thời, an toàn.
Bài, ảnh: Xuân Hiếu