(QNg)- Nhiều năm trước xã biển Nghĩa An (Tư Nghĩa) từng là điểm “nóng” trong tỉnh về chuyện trẻ em bỏ học giữa chừng để đi biển hoặc vào Nam kiếm sống. Nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nên địa phương này đã khắc phục được vấn nạn bỏ học, ngày càng có nhiều học sinh đậu đại học, cao đẳng...
Cả hệ thống chính trị nỗ lực
Tôi đến Trường THCS xã Nghĩa An đúng vào mùa biển mới bắt đầu, nhưng trong từng lớp học số lượng học sinh bỏ học, nghỉ học không còn như năm trước. Trò chuyện, nhiều thầy cô của trường vui vẻ, cho tôi biết: "Học sinh Nghĩa An giờ đã chú trọng sự học. Nhiều em đã vượt lên hoàn cảnh, để đến trường...".
Học sinh Trường THCS Nghĩa An lúc tan lớp. |
Ngày trước cứ sau Tết Nguyên đán và kéo dài cho đến kết thúc năm học, học sinh Nghĩa An bỏ học rất nhiều (chủ yếu là học sinh THCS). Các em theo cha đi biển hoặc vào TP. Hồ Chí Minh làm nhiều nghề khác nhau (chạy bàn, bán vé số, lượm ve chai)... Nhiều phụ huynh vì thấy cái lợi trước mắt mà quên tương lai của các em, nên họ chẳng khuyên bảo nhiều. Lớp học trống vắng, giáo viên đến từng nhà vận động các em đến lớp thì có phụ huynh nói thẳng: "Đi học sau này dễ gì xin được việc làm, mà có việc làm cuộc sống có khá giả bằng những người đi biển không?". Với cách nghĩ như vậy nên năm này qua năm khác, sau Tết Nguyên đán là học sinh lớp 8, lớp 9 lại bỏ học. Nhà trường lo ngại và chính quyền cũng "đau đầu" vì chuyện này.
Thế rồi chính quyền địa phương tổ chức cuộc họp với Ban giám hiệu nhà trường, Hội khuyến học, Hội phụ huynh để bàn cách tháo gỡ. Sau đó ngoài Hội khuyến học của xã được thành lập, ở 6 thôn trong xã cũng đã nhanh chóng thành lập Chi hội khuyến học. Các Chi hội khuyến học đã hoạt động có hiệu quả thông qua việc gây quỹ, để giúp đỡ kịp thời những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên các gia đình quan tâm hơn đến sự học và khuyên bảo những học sinh bỏ học giữa chừng trở lại trường.
UBND xã Nghĩa An kịp thời triển khai các chính sách ưu đãi cho học sinh vùng bãi ngang ven biển, để giảm áp lực chi phí cho việc học của các em. "Nhưng lứa tuổi các em rất nhạy cảm, chỉ cần thua sút bạn bè về điểm số, về sự quan tâm đến các em hay bị tác động do cảnh bạn bè bỏ học vào Nam kiếm sống trở về có tiền mua sắm, là nhiều em dễ dàng bỏ học. Vì vậy để các em đến trường, việc trước tiên là phải hiểu để động viên các em" - Thầy giáo Kiều Quang Huy - Chủ nhiệm học sinh lớp 9 nói. Chính vì sự thấu hiểu và động viên kịp thời của giáo viên, nên sau Tết Nguyên đán Tân Mão, lớp học thầy Huy chủ nhiệm vẫn đảm bảo sĩ số 39/39 học sinh.
Thầy Huy chia sẻ kinh nghiệm: Ngoài việc động viên, mỗi giáo viên phải tự đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để qua mỗi bài giảng có thể liên hệ với thực tiễn, thì mới hấp dẫn các em, mới dễ hiểu bài giảng. Đối với những học sinh học lực trung bình hoặc yếu thì phải bỏ công dạy cho các em hiểu, chứ theo lẽ thường kiểm tra bài, cho điểm thấp là các em nản, rồi bỏ học luôn.
Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị nên những năm gần đây tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ở xã Nghĩa An dần được khắc phục. Chỉ tính sau Tết Nguyên đán Tân Mão, toàn xã có 101 học sinh bỏ học. Nhưng qua vận động các em đã trở lại trường (chỉ còn 17 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mới không trở lại trường).
Gieo mầm ước mơ
Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị nên những năm gần đây tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ở xã Nghĩa An dần được khắc phục. Chỉ tính sau Tết Nguyên đán Tân Mão, toàn xã có 101 học sinh bỏ học. Nhưng qua vận động các em đã trở lại trường (chỉ còn 17 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mới không trở lại trường).
Gieo mầm ước mơ
Thầy Lê Văn Tạo - Hiệu phó Trường THCS xã Nghĩa An cho rằng: "Khuyến học là vấn đề phải quan tâm thường xuyên, trên cơ sở chỉ đạo của Đảng ủy và sự nỗ lực của chính quyền địa phương, Ban giám hiệu nhà trường phải chủ động và sáng tạo trong việc vận động học sinh không bỏ học". Ban giám hiệu nhà trường thường biểu dương những gương điển hình vượt khó học giỏi, những lớp có tinh thần học tập tốt trong buổi chào cờ đầu tuần, hoặc những đợt tổng kết cuối năm học. Đồng thời các thầy cô giáo trong những tiết học giáo dục công dân cũng thường nêu những câu chuyện kể về những tấm gương hiếu học, học thành tài ở địa phương.
Nhiều thầy cô giáo phân tích khá rõ: Nếu muốn đi biển đạt kết quả cao cũng cần phải học tốt. Bởi có học mới dễ dàng tiếp cận với các phương tiện đánh bắt hải sản hiện đại để đạt hiệu quả. Cũng từ đó, ở Nghĩa An xuất hiện những gia đình hiếu học, như ông Huỳnh Khôi đã bỏ nhiều công sức, thậm chí bán nhà rồi đi bạn cho các chủ tàu để kiếm tiền cho các con ăn học. Nhờ đó, đến giờ, ngoài em Trần Thị Thu Truyền (con út của ông Khôi) học sinh giỏi lớp 9E, Trường THCS Nghĩa An, ông Khôi còn có người con đang công tác ở Viện hạt nhân Đà Lạt (Lâm Đông), người con kế tiếp học đại học năm 4 và người con thứ ba đang học lớp 12...
Ông Đỗ Ngọc Tây - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác khuyến học, nên hiện nay xã đã có 650 em đang theo học các Trường cao đẳng, đại học. Thông qua các em và gia đình, xã Nghĩa An tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học để con em trong xã học tập tốt hơn, và trước mắt chấm dứt cảnh học sinh bỏ học giữa chừng để đi biển hoặc vào Nam kiếm sống.
Ông Đỗ Ngọc Tây - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác khuyến học, nên hiện nay xã đã có 650 em đang theo học các Trường cao đẳng, đại học. Thông qua các em và gia đình, xã Nghĩa An tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học để con em trong xã học tập tốt hơn, và trước mắt chấm dứt cảnh học sinh bỏ học giữa chừng để đi biển hoặc vào Nam kiếm sống.
Bài, ảnh: MAI HẠ