Đó là con số được công bố trong Hội thảo “Đánh giá một năm thực hiện Bảo hiểm thất nghiệp và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 1/4 tại Đà Nẵng.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện tổ chức ILO cùng đại diện các Sở LĐTBXH của 63 tỉnh, thành trong cả nước đã dự Hội thảo.
Tính đến hết tháng 12/2010, toàn quốc có 7,05 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. |
Hơn 7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Bắt đầu từ 1/1/2009, Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp bắt đầu có hiệu lực. Sau hơn 2 năm triển khai, tính đến hết tháng 12/2010, toàn quốc có 7,05 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (chiếm 75% số lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc), tăng gần 20% so với năm 2009. Tổng mức thu từ nguồn này là 8.300 tỷ đồng.
Đến hết tháng 2/2011, có khoảng 176,9 ngàn người được hưởng trợ cấp thất nghiệp trên tổng số 225,6 ngàn người đăng ký thất nghiệp với tổng số kinh phí ước đạt 544 tỷ đồng. 82,2% trong số đó đã được tư vấn giới thiệu việc làm.
Bằng phương châm 3 đúng (đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn), luật đã từng bước khẳng định đây là chính sách thiết thực đảm bảo lợi ích người lao động, ổn định an sinh xã hội. Do vậy việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đạt được nhiều kết quả cao.
Điển hình là trường hợp 1.000 lao động của công ty dệt may 8.3 (Hà Nội) bị thất nghiệp khi công ty này chuyển nhà máy về Hưng Yên thời điểm trước tết Tân Mão. Nhờ giải quyết tốt chính sách hỗ trợ, số công nhân đã yên tâm đón Tết và tìm kiếm việc làm mới.
Tiếp tục tháo gỡ những điểm vướng
Tuy nhiên, trong thời gian triển khai, chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc.
Theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, quy định về thời gian đăng ký thất nghiệp chưa hợp lý. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, người lao động phải được chốt sổ bảo hiểm xã hội. Trong khi đó phải đăng ký trong vòng 7 ngày kể từ ngày thôi việc và nộp sổ bảo hiểm xã hội trong vòng 15 ngày kể từ ngày đăng ký.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Điều Bá Được, Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp tồn nợ bảo hiểm xã hội (tổng nợ bảo hiểm xã hội năm 2010 là 1.725 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, nhiều lao động khi thôi việc, vì nhiều lý do nên chưa thể kịp đăng ký trợ cấp thất nghiệp theo hạn định. Do đó, một số địa phương đã vận dụng chính sách nới thời gian chốt sổ đăng ký trợ cấp thất nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động. Trong thời gian tới, quy định này sẽ được đề xuất sửa đổi từ 3 – 12 tháng.
Về vấn đề trợ cấp thất nghiệp, hiện nay không có sự phân định khi lao động làm việc 12 tháng vẫn được hưởng mức trợ cấp như những người làm 36 tháng. Các đại biểu đều nhất trí đề xuất sửa đổi tùy từng thời gian làm việc mà có mức hưởng trợ cấp tương ứng, đồng thời phải có chế tài nhằm tránh thất thoát số tiền trợ cấp thất nghiệp khi người lao động đi làm lại trong thời hạn còn được hưởng trợ cấp.
Là địa phương chiếm 30% lao động đăng ký thất nghiệp trong cả nước, ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở LĐTBXH Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trung bình mỗi tháng có khoảng gần 5.000 người đăng ký thất nghiệp. Số lao động đang chờ xét hưởng trợ cấp không được hưởng bảo hiểm y tế, người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng không được hưởng phí mai táng khi mất. Đây là điều thiệt thòi khi người lao động ốm đau. Trước tình trạng đó, UBND thành phố đã linh động hỗ trợ người lao động trong việc hưởng chế độ y tế. Tuy nhiên, điều này cần phải được quy định rõ ràng hơn trong Luật bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động”.
Giải quyết những vấn đề liên quan đến trợ cấp thất nghiệp, các đại biểu đều đồng tình yêu cầu nên ủy nhiệm cho giám đốc các trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐTBXH quyết định ký và thực hiện chi trả trợ cấp, như vậy vừa có thể đơn giản thủ tục hành chính nhằm giải quyết hồ sơ nhanh chóng, vừa giảm tải công việc ở các Sở LĐTBXH.
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hiện nay kết dư rất lớn (7.936 tỷ đồng), do đó, trong thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất chưa cần đến khoản hỗ trợ của nhà nước hàng năm và hướng tới sẽ đưa ra nhiều biện pháp nhằm cân bằng nguồn quỹ này.
Theo VGP