Trẻ con sành đời

03:01, 16/01/2011
.

(QNĐT) - Không chỉ ở thành thị mà ở các vùng quê bây giờ, chuyện con ông này bỏ nhà đi bụi, con bà kia trộm cắp, hút chính, gây gỗ đánh nhau với bạn, thậm chí đánh cả thầy giáo không còn là chuyện lạ lẫm. Giờ đây, nó đã trở thành mốt của những đứa trẻ muốn chứng tỏ mình sành đời.
 
Kỳ 2: Môi trường giáo dục bị vấy bẩn nghiêm trọng

Văn hóa học đường ngày nay thật sự cần gióng lên một hồi chuông báo  động do sự xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ học sinh và cả những đích thân dạy dỗ chúng.

*Khi chính thầy cô, bố mẹ là tấm gương mờ

Lâu nay, ngành giáo dục xem nặng thành tích, xem nặng các môn học chính mà coi nhẹ giáo dục đạo đức cho học sinh, ít tổ chức các hoạt  động giải trí bổ ích sau giờ học. Trong khi đó hàng ngày, ngoài giờ học tập ở trường, trẻ tiếp xúc với lượng thông tin khổng lồ qua internet, nhưng với lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới, nếu như không có người lớn chỉ dẫn làm sao chúng tự biết chắt lọc thông tin nào là đúng hay sai, có lợi hay có hại, tiêu cực hay tích cực? Có 1001 lý do từ đơn giản đến phức tạp dẫn tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ học sinh chúng ta xuống cấp như hiện nay.

Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi rất nhạy cảm, chúng bắt chướt theo cách ứng xử ngoài đời. Trẻ con bây giờ, khi bước chân ra khỏi nhà đã đối mặt với vô số cạm bẫy đời thường. Quãng đường từ nhà đến trường chỉ vài km nhưng đầy rẫy các hàng quán, dịch vụ như: cà phê, bi da, internet…Học sinh và phụ huynh vẫn thường xuyên cả cẩm rằng, trẻ con bây giờ học nhiều quá. Nào là học ở trường, rồi học thêm, đến nổi không có thời gian nghỉ ngơi.

Đối với những đứa trẻ ham học thì chúng dành mọi thời gian để tập trung vào việc học nhưng với những đứa trẻ ham chơi thì đây là thời cơ thuận lợi để chúng viện cớ trốn cha mẹ vào những dịch vụ giải trí này. Hệ quả nhiều học sinh trốn học vào đây giải trí, cá độ, rồi văng tục, chửi thề, đánh nhau như cơm bữa. Những thứ giải trí này có sức mê hoặc ghê gớm khiến tụi trẻ con đã lỡ sa ngã vào đây thì chúng không thể tự mình bước chân ra khỏi nơi ấy được. Nếu không có sự trợ giúp của người lớn, hệ lụy tất yếu là chúng sẽ đàn đúm, bỏ học, bỏ nhà đi bụi, rồi phạm pháp…
 
 
Mối  quan hệ giữa thầy và trò hiện nay
Thầy cô giáo hãy là tấm gương sáng cho học  sinh noi theo.

Chúng ta vẫn hay dùng cụm từ “học sinh thời nay” để ám chỉ tình trạng học sinh bây giờ ăn chơi sa đọa nhưng chúng ta hãy thử nghĩ lại ai là người dạy dỗ chúng và có bao giờ chúng ta nghĩ rằng thầy cô thời nay hay cha mẹ thời nay đã làm tròn trách nhiệm của người cầm cân nảy mực chưa?
 
Khi đến trường, chúng sẽ học tập từ các thầy cô giáo. Có thể khẳng định rằng, những năm gần đây, ngành giáo dục nước nhà đạt được những kết quả đáng tự hào, ngày càng có nhiều học sinh giỏi từ cấp trường, huyện, tỉnh, quốc gia cho đến khu vực và quốc tế. Ngày càng nhiều nhà giáo được vinh danh.
 
Trong tổng số hơn 1 triệu giáo viên các cấp trên cả nước đã có 488 Nhà giáo Nhân dân và 6.165 Nhà giáo Ưu tú ở tất cả các bậc học, đặc biệt hơn cả là vừa  qua, Giáo sư Ngô Bảo Châu là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam giành được giải thưởng Fields. Đưa Việt Nam trở thành quốc gia châu Á thứ hai sau Nhật có nhà toán học đoạt giải Fields. Huy chương Fields là một giải thưởng được trao cho tối đa bốn nhà toán học không quá 40 tuổi tại mỗi kỳ Đại hội Toán học Thế giới của Hiệp hội toán học quốc tế (IMU). Đó là niềm tự hào, là những tấm gương sáng cho học sinh nước nhà noi theo, nhưng cũng thắng thắn thừa nhận rằng, ngày càng xuất hiện nhiều học  sinh hư hỏng cũng như giáo viên hư hỏng nếu không nói rằng đó là tấm gương mờ.

Trẻ con sẽ học được những gì từ các thầy giáo lên lớp với khuôn mặt đỏ như quả mận vì mới trải qua trận nhậu, giảng bài thì lắp bắp, vài phút lại chạy ra ngoài ôn tháo nôn để; chúng sẽ học được những gì khi tận mắt chứng kiến cảnh cô giáo ngoại tình bị chồng đánh ghen tơi tả, làm náo loạn cả xóm làng hay thầy giáo cũng chính là tên trộm cắp? Đó là chưa kể đến thời gian gần liên tục các cô mầm non bạo hành trẻ em; cô giáo căng cổ, trợn mắt quát tháo, xưng hô mày tao mi tớ với học trò; thầy thì sàm sỡ, gạ gẫm, thậm chí là mua dâm nữ sinh được các phương tiện thông tin đại chúng phanh phui? Mới đây, một thầy giáo nguyên là hiệu trưởng Trưởng Tiểu học Bình Trị, sau đó là là hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hòa và hiện nay là giáo viên Trường Tiểu học Bình Hải (Bình Sơn) bị gia đình các em học sinh rượt đuổi vì có hành vi sàm sỡ với con em họ.
 
 
Trẻ con học từ chính những người trực tiếp dạy dỗ chúng.
Ngoài xã hội, gia đình, trẻ con học từ chính những thầy cô giáo trực tiếp dạy dỗ mình.

Khi về nhà, chúng học từ những người thân trong gia đình nhưng thật đáng buồn là ngày càng có nhiều gia đình không hạnh phúc, không còn là chỗ dựa vững chắc để các em tự tin bước vào đời. Trường hợp em T (là bạn trai của H) như đã nêu ở kỳ 1 là một ví dụ. Gia đình T lục đục vì bố T ngoại tình với chính người cô trong dòng họ nên T chán nản bỏ học theo đám bạn hư hỏng.

Suốt ngày T giam mình trong quán bi da, chán rồi đến tiệm internet, có bạn nào quen qua chát rủ rê thì bỏ nhà đi bụi. Trở về sau một thời gian bỏ nhà đi bụi với H, bố cho một trận đòn tơi tả, T trả lời với vẻ mặt đầy thách thức “Ông có ra gì đâu mà dạy tui?”.

Ca dao có câu “Khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học mẹ đi trường đời”, nói lên tình mẫu tử bao la, vai trò của người mẹ là gánh vác, đỡ đần cho con, đặc biệt khi ta còn thơ ấu, việc nào cũng khó, khó nào cũng phải nương cậy vào nơi mẹ cả. Ấy vậy mà thời gian gần đây dấy lên vấn nạn, mẹ không dắt con đi trường học mà dắt con đi ăn cắp. Những người mẹ này xem con mình là “ác chủ bài” để giúp họ thực hiện hành vi phạp pháp vì họ biết rằng dẫu có bị bắt thì con họ cũng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Vào sáng thứ 4 ngày 21/04/2010, thay vì chở con đến trường như mọi ngày, N.T.Tánh (35 tuổi), ở thôn Phước Tích, xã Bình Mỹ (Bình Sơn) chở con gái là N.T.Vân (10 tuổi) đến chợ Bờ, xã Bình Châu (Bình Sơn) để trộm cắp tài sản.

Trước khi đi Tánh nói với con gái là mẹ chỉ thứ gì thì con lấy thứ đó. Khi đến chợ hai mẹ con vào quày bán quần áo của bà Đ.T.K.Phương, tại đây Tánh giả vờ hỏi mua áo nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của chị Phương, đồng thời ra hiệu cho con gái lấy túi xách. Khi đã lấy được túi xách, Vân ra cổng chợ đón xem ôm về nhà còn Tánh bỏ đi, lúc này chị Phương phát hiện túi xách đựng 6.000.000 đồng tiền mặt và 01 điện thoại đã bị mất, nên truy hô thì Tánh bỏ chạy, nên bị quần chúng nhân dân bắt lại chuyển về công an xã Bình Châu.

Vụ án dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự  xuống cấp của tình mẫu tử. Chính những đức sinh thành là những người đẩy con mình vào con đường phạm tội vì vì lợi ích cá nhân thì bảo chúng trở thành những công dân tốt sao được?

Cha mẹ mãi lo kiếm tiền mà xem nhẹ việc giáo dục con cái, cổ súy cho nhà trường; hay được cung phụng quá mức vì gia đình khá giả cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ em ăn chơi sa đọa. Cũng có trường hợp thầy cô sử dụng biện pháp răn đe nhưng phu huynh lại bên con ra mặt khiến thầy cô e ngại vì sợ rước vạ vào thân.

Điển hình như trường hợp của một thầy giáo ở trường THPT Ba Gia (Tịnh Bắc - Sơn Tịnh). Trong một lần làm bài kiểm tra, thầy giáo đã dùng thước đánh nhẹ một cậu học sinh vì quậy trong lớp. Ai ngờ hôm sau mẹ cậu ta cho rằng, vì bị thầy giáo bạo hành nên cậu học sinh bị trọng thương, lên cơn sốt, bắt thầy giáo phải dẫn đi khám bệnh hết nơi này đến nơi khác. Đến nước này, thì thầy giáo tởn tới già chứ nói chi đến răn đe học sinh.

*Hiệu quả từ câu lạc bộ “Giáo dục và đời sống”

Môi trường giáo dục của chúng ta hiện bị vấy bẩn nghiêm trọng và phần lỗi thuộc về cả gia đình, nhà trường và học sinh chứ không phải của riêng ai. Bởi vậy, để khắc phục tình trạng này phải có sự chung tay của cả học sinh, gia đình và nhà trường.

Ở thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) có một câu lạc  bộ (CLB) mang tên “Giáo dục và đời sống”. CLB có hơn 40 thành viên là giáo viên, phụ nữ trong thôn và đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. CLB chỉ sinh hoạt một lần, vào ngày mùng 8 dương lịch hàng tháng nhưng hiệu quả của nó mang lại vô cùng hiệu quả.

Đến với CLB, chị em phụ nữ không những giúp nhau phát triển kinh tế, chia sẻ các kiến thức về đời sống, nếp ăn ở, sinh hoạt mà còn giúp chị em phụ nữ các kiến thức về nuôi dạy con; giá trị của việc học đối với cá nhân, gia đình và xã hội; tăng cường mối liên hệ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng; giúp con xây dựng thời khóa  biểu, tâm sinh lý lứa tuổi và kỹ năng giao tiếp của cha mẹ với con cái; giúp con giảm áp lực trong học tập hay giúp con về giới tính, tình yêu, tình bạn…
 
 
Các thành viên của CLB trao đổi k
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghĩa Hiệp Trần Thị Nguyệt phổ biến các kiến thức về nuôi dạy con cho thành  viên CLB.

CLB còn có cả thùng thư “Tố giác tội phạm” để người dân nếu phát hiện tội phạm nhưng không đủ dũng cảm đứng ra tố giác vì sợ trả đũa. Nhờ vậy mà không có con em nào của thành viên CLB có kết quả học tập yếu cũng như vi phạm pháp luật.

Với phương châm “Lấy nhân tố tích cực làm gương”, “Cùng nhau giữ” mà xây dựng mối quan hệ hỗ trợ khắn khít giữa các thanh viên trong CLB. Trách nhiệm của các thầy cô giáo là nắm bắt tình hình học tập, sinh hoạt của các em ở trường. Khi một học sinh nào có mẹ tham gia sinh hoạt CLB, có kết quả học tập sa sút hay có những biểu hiện sai trái, hoặc thành viên nào phát hiện con em của thành viên khác tụ tập ăn chơi, cúp học.. sẽ lập tức thông báo để bố mẹ kịp thời răn đe cũng như chia sẻ những vướng mắt giúp các ngựa chứng quay về.

Điển hình là trường hợp con trai chị Nguyễn Thị Mến, là học sinh lớp 11, Trường THPT Tư Nghĩa 1 vì ham chơi điện tử mà bỏ học, tụ tập với đám bạn xấu. Nhận được lá  thư tố cáo từ một thành viên của CLB, chị Mến đã áp dụng những kiến thức lĩnh hội được từ CLB là trở thành người bạn thân của con, quan tâm gần gũi con hơn, theo sát lịch học của con, dùng lý lẽ để hướng con theo cái tốt. Nhờ vậy, con chị đã dần hiểu ra và tập trung vào việc học. Hiện em đã là sinh viên ngành công nghệ thông tin của Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh.
 
 
Cần hướng các em đến với các môn giải trí lành mạnh để tránh xa các cạm bẫy.
Cần hướng các em đến với các môn giải trí lành mạnh để tránh xa các cạm bẫy.

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ thiết tha căn dặn : "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em". Lời dạy của bác giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của tuổi trẻ đối với tương lai của đất nước. Chính vì thế tương lai triệu triệu chủ nhân tương lai của đất nước đang phụ thuộc vào nền giáo dục hiện tại.

Nền giáo dục có vững chắc khi mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo, mỗi bậc cha mẹ, mỗi học sinh thực hiện  đúng vai trò, trách nhiệm của mình.

Ngoài giờ học, nhà trường nên thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí bổ ích để giúp các em tránh xa các cạm bẫy. Khi mỗi người chọn cho mình nghề dạy học - nghề mà xã hội tôn vinh là cao quý nhất thì phải có phẩm chất đạo đức tốt, nhân cách tốt vì đây là nghề lấy đạo đức để giáo dục đạo đức, lấy nhân cách để giáo dục nhân cách. Muốn giáo dục cho trẻ cha mẹ nên đóng vai trò là người bạn của  con em mình để hướng các em đến những lý tưởng cao đẹp. Có như vậy, nền giáo  dục chúng ta mới phát triển vững chắc.
 

Bài, ảnh: Minh Thư

.