(QNg)- Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, sự nghiệp giáo dục ở các huyện miền núi Quảng Ngãi đã có bước tiến đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Trong đó việc thực hiện mô hình trường nội trú, bán trú, xây dựng nhà công vụ giáo viên tại các địa phương đã tạo điều kiện cho các em học sinh ở những xóm bản xa xôi, hẻo lánh cách xa trung tâm có điều kiện học tập, giáo viên yên tâm đứng lớp. Đây là tiền đề cho sự phát triển giáo dục vùng cao của tỉnh.
Từ mô hình bán trú hiệu quả
Nhiều năm trước, người dân xã Long Sơn (Minh Long) cũng như bao xã vùng cao khác luôn phải lo lắng trước tình trạng học sinh bỏ học nhiều vì đường xá xa xôi, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Nhưng từ năm học 2009-2010, nỗi lo đó vơi dần vì xã thực hiện mô hình trường tiểu học bán trú.
Mô hình trường bán trú góp phần quan trọng trong việc chăm sóc trẻ em miền núi. (Trong ảnh: Trường mầm non bán trú Sơn Mùa (Sơn Tây). |
Đây là một trong số rất ít trường học ở huyện Minh Long huy động được các em học sinh lớp 4, 5 ở các điểm trường xa về học tại trường trung tâm xã, theo hình thức bán trú. Mỗi tuần 3 buổi, các em được ăn và nghỉ trưa tại trường, để buổi chiều tiếp tục học. Mỗi học sinh được hỗ trợ một suất ăn (trị giá 8.000đ), lấy từ nguồn hỗ trợ đối với học sinh nghèo thuộc Chương trình 112 của Chính phủ. Nhà trường đã tận dụng "linh động" các phòng học trở thành nơi nghỉ ngơi cho giáo viên, cán bộ và học sinh. Tuy còn sơ sài, nhưng đối với một địa phương vùng cao như Long Sơn thì cũng đã "tiện nghi" lắm rồi.
Thầy Nguyễn Trung - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng, không còn những em phải bỏ học vì nhà xa trường, tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh vùng cao là những ưu điểm mà mô hình bán trú này mang lại". Do địa hình miền núi phức tạp, nhất là vào mùa mưa, khiến con đường đến trường của học sinh không chỉ khó khăn, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Vì thế việc thực hiện mô hình trường học bán trú không chỉ mang lại niềm vui cho học sinh vùng cao mà còn góp phần làm giảm mối lo về sự an toàn tính mạng cho học sinh của nhà trường.
Hơn 2 năm nay học sinh Trường THCS Sơn Bao (xã Sơn Bao, Sơn Hà) không còn phải lo lắng nhiều khi mùa mưa đến, vì các em đã được ở trong nhà bán trú kiên cố mỗi khi ở trường. Khu nhà ở gồm 5 phòng (mỗi phòng rộng 25m2, có bếp nấu ăn), đáp ứng chỗ trọ học miễn phí cho hơn 50 học sinh ở xa trường.
Thầy Võ Văn Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Bao cho biết: Nhiều học sinh phải vượt qua hơn 10km mới đến được trường, đi học phải vượt qua đường dài nhiều đèo dốc, sông suối rất nguy hiểm. Vào mùa mưa nhiều học sinh phải nghỉ học, vì nước lũ dâng cao. Với mô hình nhà bán trú này học sinh nghèo miền núi có nhà ở xa trường thuận lợi hơn trong sinh hoạt và yên tâm học tập.
Ông Đặng Ngọc Dũng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà khẳng định: "Hiệu quả của mô hình nhà bán trú đã tác động rất lớn đến nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số về giáo dục, từ đó huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục vùng cao".
Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Đồng cho biết: Từ hiệu quả của nhà bán trú, ngành giáo dục Quảng Ngãi sẽ tiếp tục mở rộng xây dựng nhà bán trú ở nhiều địa phương vùng cao khác, với hy vọng góp phần đưa giáo dục vùng cao có được những bước tiến mới.
Nhà công vụ: Giáo viên đứng lớp yên tâm
Chúng tôi đến Trường THCS Sơn Tân (Sơn Tây) trong một ngày có áp thấp nhiệt đới. Khi chúng tôi đến cũng là lúc mấy cô giáo trẻ đang lo dọn dẹp căn phòng sau nhiều ngày mưa lớn. Hai phòng công vụ cho giáo viên ở thật đơn sơ, không lấy gì làm rộng rãi, nhưng các cô giáo trẻ đều vui vẻ với tổ ấm này.
Cô giáo Phan Thị Viên cho biết: "Nhiều giáo viên ở trường là người miền xuôi lên đây dạy học. Nhờ nhà công vụ mà giáo viên không phải lo chỗ ở, yên tâm công tác, nhất là đối với các giáo viên mới ra trường".
Ông Lê Hoài Thạnh- Trưởng Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây cho biết: Những năm trước đây Sơn Tây là "điểm nóng" về nhà ở cho giáo viên. Hầu hết giáo viên tại những điểm trường lẻ phải xin nhà dân hoặc mượn tạm phòng chức năng của trường để ở. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, phòng ở chật chội, không ít giáo viên chán nản, không muốn gắn bó với trường, lớp. Nay tình hình đã khá hơn nhờ nguồn vốn của Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những tín hiệu khả quan bước đầu đã giúp cho giáo viên yên tâm đứng lớp. Ở các huyện miền núi khác như Sơn Hà, Tây Trà, Trà Bồng... nhà ở cho giáo viên cũng được quan tâm xây dựng mới, nhiều giáo viên đã có nơi sinh hoạt lâu dài nhằm ổn định cuộc sống để dạy học.
Nhà công vụ cho giáo viên ở Trường THCS Sơn Tân (Sơn Tây). |
Để cải thiện điều kiện sống và làm việc cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn Chính phủ đã phê duyệt đề án kiên cố hoá trường lớp học, nhà bán trú cho học sinh và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012. Trong đó tỉnh ta được Trung ương bố trí xây dựng 2.224 phòng học và 537 nhà công vụ.
Theo Sở GD&ĐT, trong năm học 2010-2011 bằng nhiều nguồn vốn, các đơn vị giáo dục trong tỉnh đã tiến hành xây dựng mới 56 nhà công vụ cho giáo viên, góp phần rất lớn ổn định đời sống giáo viên các xã vùng cao.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục miền núi thì Nhà nước và ngành giáo dục cần tăng cường đầu tư nguồn lực cho giáo dục vùng cao, nhất là xây dựng trường lớp kiên cố, khang trang và quan tâm đến mái ấm cho giáo viên để họ yên tâm cống hiến.
Kao Lương