(QNg)- Sau gần hai năm triển khai thực hiện Quyết định 71/2009/QĐ-TTg về đề án "Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009- 2020" ở Quảng Ngãi, những tín hiệu vui đã xuất hiện, góp phần phát triển kinh tế- xã hội nhiều địa phương, giúp đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi dần khởi sắc.
Cuối năm, trong cái se lạnh của vùng cao huyện Ba Tơ tôi ngồi trò chuyện với anh Nguyễn Văn Triệu- Trưởng Phòng Lao động- Thương binh- Xã hội huyện, nghe anh tổng kết về "kỳ tích" xuất khẩu lao động (XKLĐ) của xã Ba Xa và cảm thấy ấm lòng. Ba Xa- đúng như tên gọi của xã, rất xa trung tâm huyện lỵ Ba Tơ. Nhưng đường về Ba Xa hôm nay sao thấy gần lạ! Có lẽ tâm trạng háo hức muốn tận mắt chứng kiến "cuộc sống mới" của dân Ba Xa đã thôi thúc chúng tôi phải nhanh chóng có mặt ở mảnh đất này.
Học viên chăm chỉ học nghề tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, để được đi XKLĐ. |
Quả thật, tại Ba Xa chúng tôi dễ dàng nhận thấy hiệu quả của đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ. Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, anh Đinh Nam Oang- Chủ tịch UBND xã Ba Xa, khoe: "Dân mình bây giờ đi nước ngoài nhiều lắm đó. Trong hai năm qua, Ba Xa có trên 50 thanh niên được Nhà nước cho đi XKLĐ. Chúng nó đều đã gửi tiền về cho gia đình rồi, có khi gởi đến mấy chục triệu đồng. Nhiều gia đình ở xã mình bây giờ có nhà mới, có trâu khỏe để nuôi. Mấy em thấy chưa, nhờ Quyết định 71 đó...". Và ông nhất quyết đưa chúng tôi đi thăm những gia đình "điển hình" về XKLĐ trong xã.
Ông Phạm Văn Xí (thôn Vã Ha, xã Ba Xa) nhớ lại: "Năm 2009 thằng con trai đầu của mình đi XKLĐ sang Malaysia, đến tháng 6 năm 2010 mình cho một đứa nữa đi XKLĐ sang đó luôn. Mới đầu mình lo lắm, hai thằng con mình học vấn còn nhiều hạn chế, lâu nay chỉ biết làm nương rẫy, không biết có thể quen với các máy móc trong các nhà máy, xí nghiệp được không. Hơn nữa gia đình mình nghèo, làm gì có tiền để làm các thủ tục cho chúng nó đi XKLĐ. Nhưng mình cũng là cán bộ xã (ông Xí là cán bộ lao động- thương binh- xã hội xã Ba Xa- PV), nên mình phải "liều" cho chúng nó đi, để mà còn làm gương cho bà con trong xã nữa chớ. Mà thấy tụi nó quyết chí làm ăn lắm, nên mình cũng yên tâm".
Dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi của mình, ông Phạm Văn Xí phấn khởi: "Vừa qua hai đứa con mình gửi về hơn 40 triệu đồng. Mình đã dùng số tiền đó để sửa chữa nhà cửa, mua thêm trâu. Đến nay mình đã có nhà ngói đẹp, 10 con trâu rồi đó. Ngày được nhận số tiền này mình vui đến phát khóc! Không biết mình phải làm bao nhiêu mùa rẫy mới có số tiền lớn như vậy nữa, mà có khi cả cuộc đời làm rẫy cũng không có đâu, nhỉ!". Ông Xí còn tự hào rằng ông là người đầu tiên ở xã Ba Xa trả hết số tiền vay ngân hàng cho hai người con của ông đi XKLĐ.
Cũng như gia đình ông Phạm Văn Xí, ông Phạm Văn Xoáy có con trai đi lao động ở Malaysia, cho biết: "Kể từ ngày con mình đi XKLĐ ở nước ngoài gửi tiền về, cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn, mua được nhiều con trâu để chăn nuôi. Gia đình mình có hy vọng thoát nghèo rồi".
Anh Nguyễn Văn Triệu- Trưởng Phòng Lao động- Thương binh- Xã hội huyện Ba Tơ, chia sẻ: "Nhiều người hỏi chúng tôi đâu là "bí quyết" giúp phong trào XKLĐ ở Ba Xa "nở rộ" được như vậy, thật sự là chúng tôi cũng khó giải thích lắm. Nhưng nguyên nhân dễ "thấy" nhất đó là, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ xã, nhà tuyển dụng lao động, cũng như quyết tâm thoát nghèo của người dân". Đúng như lời anh Triệu, từ khi có Quyết định 71 các cấp, ngành đã tích cực hỗ trợ cho người dân, từ hoàn thành giấy tờ hồ sơ đến thủ tục vay vốn ngân hàng.
Còn các doanh nghiệp cũng đã cam kết bảo đảm quyền lợi cho người lao động ở nước ngoài, giải quyết kịp thời các vấn đề mới phát sinh... đã giải tỏa mọi băn khoăn, người dân tin tưởng con em mình sẽ có việc làm tốt ở nước ngoài. Đặc biệt những cán bộ ở cơ sở đã tích cực tuyên truyền lợi ích của XKLĐ. Đây là cơ hội cho những người nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số được hưởng thụ những chính sách ưu đãi của Nhà nước. Không chỉ riêng Ba Xa, mà nhiều xã trong huyện Ba Tơ đã vận động được người dân đi XKLĐ. Tính đến cuối năm 2010, toàn huyện có trên 200 người được đi làm việc tại Malaysia, Hàn Quốc... Và kể từ năm 2011, huyện Ba Tơ phấn đấu có 200 thanh niên được XKLĐ mỗi năm.
Nhờ Quyết định 71, trong hai năm qua Quảng Ngãi có trên 1.000 thanh niên là người đồng bào dân tộc được tham gia các khóa đào tạo để XKLĐ (do Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức). Trong đó đã có gần 700 người đáp ứng đầy đủ yêu cầu từ phía chủ sử dụng lao động, được ký hợp đồng sang làm việc tại nước ngoài, có nhiều người gửi tiền về cho gia đình, để đầu tư phát triển sản xuất, sửa sang nhà cửa... Người dân ở các huyện đăng ký đi XKLĐ ngày càng cao.
Ông Võ Duy Yên- Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, cho biết: Đề án "Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009- 2020" đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần làm thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi.
Trong thời gian tới, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân đi XKLĐ; thường xuyên tổ chức các sàn giao dịch việc làm tại các huyện miền núi, để đồng bào tiếp cận với những thông tin "chính thống" về XKLĐ. Đồng thời Trung tâm sẽ tăng cường phối hợp hơn nữa với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi xuất khẩu nước ngoài trong việc chọn thị trường, công việc cho phù hợp với người dân tộc thiểu số, để bảo đảm các quyền lợi mà người lao động được hưởng.
Đặc biệt Trung tâm sẽ tập trung chú trọng vào việc nâng cao trình độ văn hóa, giúp người lao động có thể đảm nhận những công việc mang lại thu nhập cao, cũng như dần đáp ứng được yêu cầu của những thị trường lao động khó tính.
Với những kết quả đã đạt được, hy vọng hoạt động XKLĐ sẽ được phổ biến hơn nữa cho người dân các huyện miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi, giúp đồng bào dân tộc giảm nghèo "nhanh và bền vững".
N.Triều