TIN LIÊN QUAN |
---|
Kỳ 2: Phải chăng là chuyện “nhạy cảm”
Hỏi thăm những người có liên quan đến công tác quản lý giáo dục về vấn đề luân chuyển giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn, phần lớn tôi bắt gặp câu nói: “Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm”. Riêng tôi chẳng thấy có gì là “nhạy cảm”, mà chỉ thấy chính sách do Nhà nước ban hành chưa được thực thi nghiêm túc. |
Giáo viên tự “bơi” tìm chỗ dạy
Hằng năm, cứ vào dịp chuẩn bị bước vào năm học mới, cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh và cấp huyện gởi thông báo về các trường để giáo viên làm hồ sơ xin thuyên chuyển công tác.
Nhiều giáo viên công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn làm hồ sơ xin thuyên chuyển. Nhà nước đã có quy định hẳn hoi về thời hạn luân chuyển đối với giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn, cho nên đối với những người đủ điểu kiện thì không lý gì cơ quan chức năng ở đây không ký vào hồ sơ cho phép họ thuyên chuyển.
Học trò người dân tộc thiểu số cần lắm những giáo viên tâm huyết với nghề. |
Thực tế thì hầu hết giáo viên nộp hồ sơ xin được thuyên chuyển về đồng bằng đều được cơ quan chức năng ở vùng đặc biệt khó khăn ký quyết định cho phép chuyển công tác. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói ở đây là nơi nào sẽ là “bến đỗ” của giáo viên sau nhiều năm công tác ở miền núi. Chị Nguyễn Thị Thành-Trưởng phòng giáo dục huyện Sơn Hà, cho biết: “Vấn đề bất cập nhất là giáo viên đủ điều kiện xin được thuyên chuyển thì huyện đều ký cho đi, nhưng phần lớn họ không xin được chỗ dạy mới ở đồng bằng nên tiếp tục ở lại công tác”.
Thực tế cho thấy giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn nếu muốn xin chuyển công tác về đồng bằng thì phải tự “bơi”. Nói như một cán bộ làm công tác tổ chức ở phòng giáo dục trên địa bàn miền núi thì giáo viên phải tự “chạy” hồ sơ. Người nào “chạy giỏi” sẽ nhanh chóng xin được chỗ dạy ở đồng bằng.
Một giáo viên có thâm niên công tác ở miền núi hơn chục năm, bộc bạch: “Có mấy anh bạn bảo sao mày không thử chạy hồ sơ. Muốn xin về đồng bằng đều có giá cả, độ vài chục triệu. Nghe thì cũng muốn chạy thử, nhưng sợ. Giáo viên lương ba cọc ba đồng, đưa cho họ chẳng biết có chắc ăn không. Rủi tiền mất tật mang thì khổ…”.
Mà không riêng gì thầy giáo này nói đến chuyện “chạy chọt” khi xin thuyên chuyển về đồng bằng, nhiều người khác cũng “thì thầm” chuyện tiền bạc khi giáo viên đi xin việc. Tôi nghe sao thì hay vậy, chẳng biết thực hư thế nào. Chỉ thấy một thực tế rành rành ra đó là hồ sơ giáo viên công tác lâu năm ở miền núi xin được thuyên chuyển về đồng bằng cứ chất chồng lên nhau vì chưa được bố trí nơi công tác mới.
Đơn cử như ở huyện Sơn Hà, năm 2010 toàn huyện có 56 giáo viên xin được thuyên chuyển công tác ngoài huyện, nhưng chỉ có 18 giáo viên là chuyển được. Số còn lại phải chờ năm sau.
Trong số những giáo viên xin thuyên chuyển nhưng không được có nhiều người vừa có thâm niên công tác lâu năm, vừa có thâm niên nhiều năm liền nộp hồ xin thuyên chuyển. Nhiều người “già” năm công tác hơn hẳn so với số đã được thuyên chuyển, nhưng hồ sơ vẫn “bất động”.
Năm này xin chuyển không được, năm sau giáo viên lại tiếp tục nộp hồ sơ. Cứ thế, họ cứ chập chờn “hy vọng rồi lại thất vọng”! Dẫu mang nặng tâm tư, song lương tâm của nhà giáo không cho phép họ lơ là việc dạy. Thế nên dẫu gặp muôn vàn khó khăn, họ vẫn cống hiến sức mình để mang ánh sáng tri thức cho học trò vùng cao.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Trương Công Lập-Trưởng phòng Giáo dục huyện Ba Tơ, cho rằng: “Đã có chính sách thì nên triển khai thực hiện đồng bộ. Chớ để người xin về đồng bằng được, người thì không. Chủ trương này nhằm động viên sinh viên ra trường lên công tác ở miền núi, giúp họ yên tâm công tác. Nên thực hiện đồng bộ để lớp sinh viên khóa sau yên tâm khi xin lên miền núi giảng dạy”.
Cô giáo dạy chữ cho học trò cho học trò ở vùng cao. |
Chủ trương luân chuyển giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn quả đúng là mang ý nghĩa thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc. Thế nhưng, ở Quảng Ngãi vẫn chưa thực hiện được việc luân chuyển giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn một cách đồng bộ, khoa học và công bằng.
Như đã nói ở trên, giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn tự “bơi” tìm chỗ dạy mới nếu muốn thuyên chuyển. Cái sự “bơi” này của giáo viên là điều bất đắc dĩ.
Lẽ ra họ phải được ưu tiên theo đúng như quy định của Nhà nước. Cơ quan chức năng có thẩm quyền phải xây dựng kế hoạch luân chuyển thường niên, ưu tiên bố trí nơi công tác hợp lý cho những giáo viên này. Thế nhưng đáng buồn là ở Quảng Ngãi không có sự liên kết giữa các huyện đồng bằng cũng như miền núi để xâu chuỗi các nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu thuyên chuyển giáo viên.
Chính điều này đã dẫn đến sự mất cân bằng và thiếu tính khoa học, thậm chí là nhập nhằng trong công tác tuyển dụng, luân chuyển giáo viên.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Cần-Trưởng phòng Tổ chức (Sở GD&ĐT), nói: “Do có sự phân cấp về mặt quản lý nhà nước nên Sở GD&ĐT chỉ có trách nhiệm đối với việc thuyên chuyển cán bộ, giáo viên khối THPT. Đối với khối THCS trở xuống thì giao về cho huyện, nên Sở GD&ĐT không nắm rõ”.
Ông Cần cho rằng việc luân chuyển giáo viên ở đồng bằng lên thay thế cho giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn là điều không đơn giản. Thế nhưng, thiết nghĩ chẳng lẽ vì thế mà cứ duy trì cái sự phức tạp và thiếu công bằng trong công tác luân chuyển cán bộ-giáo viên?
Người dân thường có câu: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Câu nói này chưa hẳn đã đúng, song cũng không thể phủ nhận một điều rằng nhiều sinh viên nhà nghèo mới chọn ngành sư phạm để học. Học sư phạm không phải đóng học phí, khi ra trường sẽ được bố trí công tác.
Thế nhưng hiện tại, nhiều sinh viên học ngành sư phạm ở Quảng Ngãi không xin được việc, phải đi dạy kèm tại gia. Tất nhiên cũng có nhiều sinh viên may mắn được bố trí công tác sau khi ra trường mà không phải lâm vào cảnh vất vả, thế nhưng có không ít sinh viên khổ sở khi tìm chỗ dạy.
Vì không xin được việc ở đồng bằng và vì nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp trồng người, nhiều sinh viên ngành sư phạm sau khi tốt nghiệp đã tình nguyện lên miền núi công tác.
Người có duyên thì lập thân, lập nghiệp rồi định cư hẳn ở vùng cao. Chỉ tội cho những giáo viên công tác lâu năm, chịu cảnh sống vất vả, xa gia đình, vậy mà xin được thực hiện chính sách thuyên chuyển theo quy định của Nhà nước nhưng xin mãi vẫn không được.
Chẳng biết đến khi nào Quảng Ngãi mới thực hiện công tác luân chuyển cán bộ-giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn một cách đồng bộ và thấu tình đạt lý để đội ngũ giáo viên an tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục?
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ