*Phương Lý
(QNĐT)- Dù Nhà nước đã có quy định hẳn hoi về thời hạn luân chuyển đối với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, ở Quảng Ngãi nhiều giáo viên công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn mòn mỏi xin được thuyên chuyển nhưng bất thành. Công tác luân chuyển giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn còn tồn tại nhiều vấn đề trái khoáy, cần sớm vào cuộc để tháo gỡ.
Kỳ 1: Đi dễ khó về
“Giáo viên vùng cao đi dễ khó về em ơi”, một cô giáo ở vùng cao thở dài khi nghe tôi đề cập chuyện xin luân chuyển về đồng bằng. Có đi, có tiếp xúc với giáo viên đang công tác ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, chúng tôi mới thấu hiểu, quả đúng là giáo viên xin công tác ở vùng cao thì dễ nhưng xin chuyển về đồng bằng thì chao ôi, khó như “lên trời”.
|
Câu chuyện ứa nước mắt
Đã lâu tôi mới có dịp đi lại trên con đường từ Tp.Quảng Ngãi lên trung tâm huyện Sơn Hà. Ngán không tả nỗi vì bị hàng trăm, hàng ngàn “ổ trâu”, “ổ voi” và khói bụi “tra tấn”.
Cái lạnh cuối đông chẳng dễ chịu chút nào, nhất là ở vùng cao. Nó như liếm láp từng làn da, thớ thịt con người ta vậy. Ấy thế mà đã hơn 6 năm qua, cô giáo Bùi Thị Thu Nhàn (SN 1977, quê ở Tp.Quảng Ngãi), vượt qua con đường “tử thần” dài gần 70 cây số, vượt qua cái lạnh như cắt da, cắt thịt của mùa đông, và vượt qua nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời để lên vùng cao Sơn Hà dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Cô giáo Bùi Thị Thu Nhàn tranh thủ soạn giáo án tại trường lúc giải lao. |
Chúng tôi đến Trường tiểu học-THCS Sơn Trung đúng vào lúc học sinh tan giờ học buổi sáng. Cô giáo Nhàn (dạy môn Anh văn) đang chuẩn bị hành lý để về lại đồng bằng. Cô Nhàn cười hiền, bảo: “Chị lên lúc sáng. Dạy xong rồi, giờ về lại thành phố…”.
Nán lại đôi phút tiếp chúng tôi, chị Nhàn kể chuyện mà hai dòng nước mắt cứ tuôn chảy. “Đứa con gái lớn 8 tuổi của chị bị ung thư u vùng hạ vị. Cháu ở Sài Gòn hóa trị đã 2 năm nay. Thằng nhỏ mới 40 tháng. Con còn nhỏ, ông bà nội thì lớn tuổi nên cứ sáng lên chiều về. Xin chuyển về gần nhà nhưng người ta không nhận…”, cô giáo Nhàn nghẹn ngào.
Ít ai biết được đằng sau nụ cười trên bục giảng của cô giáo Nhàn là những giọt nước mắt lăn dài và những đêm thao thức không ngủ. Chị khóc thương cho đứa con gái bất hạnh và buồn vì hoàn cảnh gia đình quá đỗi khó khăn nhưng xin chuyển về đồng bằng giảng dạy thì chẳng có đơn vị trường học nào tiếp nhận.
Từ năm 2007 đến nay, năm nào cô giáo Nhàn cũng mang hồ sơ đi xin chuyển công tác về đồng bằng. Nhưng mỗi lần đi xin chuyển trường là mỗi lần cô giáo Nhàn nhận được câu trả lời: “Chị thông cảm. Không có chỉ tiêu”. Mỗi lần nghe câu nói ấy là mỗi lần cô Nhàn thấy cay xè nơi khóe mắt. Cô lại nghĩ đến đứa con thơ đang bị bệnh nặng, nghĩ đến thằng cu nhỏ xẩm tối nào cũng đòi bà nội dẫn ra đầu ngõ ngồi đợi mẹ về. Bước chân ra khỏi nơi xin việc, cô khóc như chưa từng được khóc.
“Sao chị không trình bày với người ta là con gái bị bệnh nặng, hoàn cảnh gia đình khó khăn để họ thông cảm mà tiếp nhận?”. Cô giáo Nhàn đưa tay quẹt nước mắt, rồi nói: “Mình đâu có quen biết ai đâu em. Cứ mang hồ sơ đi xin đại, nhưng lần nào họ cũng bảo không có chỉ tiêu. Đâu có ai ngồi nghe mình nói chuyện đâu…”.
Bức xúc cho trường hợp cô giáo Nhàn nên tôi hỏi vậy, chứ chẳng biết là những cán bộ có liên quan đến công tác tuyển dụng giáo viên ở đồng bằng, mà nhất là ở Tp.Quảng Ngãi có cảm động khi nghe cô giáo Nhàn trình bày hoàn cảnh đáng thương để rồi bố trí công tác không nữa?
Mà họ không hay biết hoàn cảnh đáng thương ấy cũng phải, bởi cô giáo Nhàn đâu có ghi trong hồ sơ là con gái bị ung thư đâu, mà chỉ ghi do “Hoàn cảnh gia đình”. Ai mà chẳng có “Hoàn cảnh gia đình”, nhiều người mới lên miền núi chỉ mới một hoặc hai năm thôi, nhưng cũng thuyên chuyển được và họ cũng chỉ ghi trong hồ sơ là “Hoàn cảnh gia đình”!? Chẳng biết những hoàn cảnh gia đình ấy có đáng thương, đáng tội nghiệp hơn hoàn cảnh của cô giáo Nhàn không nữa? Điều này thì chính những người làm công tác tuyển dụng mới hiểu thấu hơn cả?
Nghị định 61 của Chính phủ (số 61/2006/NĐ-CP) quy định: Thời hạn luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam. Hết thời hạn công tác nói trên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc tạo điều kiện để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ chuyển công tác, giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng. |
Có nỗi đau nào hơn nỗi đau của người mẹ khi đứa con do chính mình sinh ra bị bệnh hiểm nghèo, chẳng biết sống chết thế nào. Thế nhưng còn nước còn tát, vợ chồng cô giáo Nhàn vay mượn tiền khắp nơi để đưa con vào Tp.HCM điều trị bệnh.
Mỗi tháng cháu bé hóa trị 3 lần. Mỗi lần vô thuốc bé nằm miên man suốt hơn 10 tiếng đồng hồ. Lúc tỉnh dậy, bé gọi điện cho mẹ bảo: “Mẹ ơi, mấy bạn khác lúc vô thuốc có mẹ ở bên cạnh, còn con không có mẹ đâu. Con nhớ mẹ lắm…”. Nghe xong câu nói của bé, chị Nhàn nghẹn ngào chẳng nói nên lời, nước mắt cứ ròng rã.
Sức khỏe bé rất yếu nên anh Nguyễn Văn Hùng (chồng cô giáo Nhàn) phải vào Tp.HCM ở hẳn cùng con gái. Còn cô giáo Nhàn vì điều kiện công tác và con nhỏ nên phải ở quê. Cô giáo Nhàn đau lòng biết nhường nào bởi là mẹ nhưng chẳng thể ở bên cạnh để chăm sóc cho con gái.
Tiền lương mỗi tháng của cô Nhàn chỉ hơn 2 triệu đồng. Chỉ tính riêng tiền đổ xăng đi từ Tp.Quảng Ngãi lên Sơn Hà dạy học mỗi ngày cũng đã “ngốn” hết phân nửa. Để có tiền chữa bệnh cho con, cô giáo Nhàn vay mượn khắp nơi. Khó khăn, đau khổ vẫn mãi chồng chất trên đôi vai gầy nhom của cô giáo ở vùng cao này.
Dạy ở miền núi 22 năm vẫn không được luân chuyển
Đó là trường hợp của thầy giáo Trần Kim Mậu (43 tuổi, dạy Trường THCS Ba Lế, huyện Ba Tơ). Thầy Mậu nói vui: “Cái số mình ở miết trong rừng sâu thôi. Lớn tuổi rồi, đi lại vất vả quá nên xin chuyển về đồng bằng cho gần nhà. Nhưng chao ôi, năm nào nộp hồ sơ vẫn không xin được việc”. Thầy Mậu nói thế cho khoay khỏa, để khỏi “đau đầu nhức óc” khi nghĩ đến chuyện xin thuyên chuyển.
Thầy giáo Trần Kim Mậu quê ở xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức. Thầy Mậu gắn bó với sự nghiệp trồng người ở vùng cao Ba Tơ đã 22 năm kể từ ngày tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm cho đến nay. “Ba Vì 1 năm, Ba Dinh 7 năm, Ba Động 3 năm, Ba Liên 4 năm, 7 năm Ba Lế… và bây giờ vẫn ở Ba Lế”, thầy Mậu nhẩm tính.
Thầy Trần Kim Mậu chuẩn bị gạo mang lên vùng cao, để tiếp tục sự nghiệp trồng người. |
22 năm-một quãng thời gian quá dài đối với một đời người. Và đối với giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn thì chừng ấy thời gian lại càng dài hơn. Nào là băng rừng, lội suối đi vận động học sinh ra lớp; nào là bị cô lập, thiếu ăn vào mùa đông và đối mặt với cái lạnh đến run người giữa rừng sâu trong ngôi nhà tranh tre dột nát. Đường sá đi lại thì nhiều nơi chẳng thể gọi là đường, mà là “cạm bẫy” thì đúng hơn. Vậy mà họ vẫn vượt qua tất cả, vẫn ngày ngày mang ánh sáng tri thức đến với những bản làng xa xôi.
Mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng yêu nghề, thầy giáo Trần Kim Mậu cũng như bao thầy cô giáo khác, dốc sức mình truyền đạt tri thức cho lớp lớp thế hệ học trò. Ngày đầu lên Ba Tơ giảng dạy, mái tóc thầy Mậu hãy còn xanh, giờ thì tóc thầy đã bạc và lưng đã còng.
Trường THCS Ba Lế cách trung tâm thị trấn Ba Tơ 16km. Vào mùa nắng, đường đi dẫu khó khăn nhưng còn tạm được. Vào mùa mưa thì ôi thôi, đường chẳng ra đường, mương cũng chẳng ra mương. Ai nấy đi qua con đường này đều phải khóc ròng. Cuối tuần về thăm nhà (hiện tại vợ và các con của thầy Mậu sống ở Tp.Quảng Ngãi), thầy Mậu phải vượt qua con đường ấy. Đầu tuần, thầy Mậu lại vã mồ hôi lội ngược dòng lên vùng cao dạy học.
Thầy Mậu bộc bạch: “Nghĩ đến học trò vùng cao cuộc sống thiếu thốn đủ thứ mà vẫn ra lớp học, mình thấy thương nên phấn đấu dạy tốt. Dẫu cho cuộc sống nhiều khó khăn, nhưng miễn có học sinh ra lớp là vui rồi”, thầy Mậu cười nói. Niềm vui của người thầy giáo đã cống hiến cả tuổi trẻ và cả quảng đời dài cho công tác giáo dục ở vùng cao bình dị thế đó!
Tuổi đã cao, không còn khỏe mạnh như trước, vợ con lại đau ốm thường xuyên nên thầy Mậu xin chuyển công tác về đồng bằng. Đã 4 lần nộp hồ sơ xin chuyển, nhưng tất cả đều vô vọng. Cũng giống như cô giáo Nhàn ở Sơn Hà, đi đến đâu thầy Mậu cũng nhận được câu trả lời: “Không có chỉ tiêu”.
Chẳng biết ngành giáo dục hằng năm tuyển dụng, luân chuyển đội ngũ giáo viên thế nào, trong khi người thầy giáo đã cống hiến 22 năm cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao, đã phải trải qua biết bao nhiêu gian khó nhọc nhằn trên hành trình gieo chữ, vậy mà vẫn không được xem xét bố trí công tác mới ở đồng bằng?
Không chỉ có trường hợp của cô giáo Bùi Thị Thu Nhàn (Sơn Hà), thầy Trần Kim Mậu (Ba Tơ), mà rất nhiều giáo viên công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi mặc dù đã rất nhiều lần làm hồ sơ xin được chuyển về đồng bằng, nhưng vẫn không được giải quyết./.
Kỳ 2: Phải chăng là chuyện “nhạy cảm”?