(QNg)- Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" đã và đang được triển khai những bước đầu tiên trên địa bàn tỉnh ta. So với những đề án đào tạo người lao động trước đây thì đề án này có những đổi mới trong công tác đào tạo, cũng như giải quyết sau đào tạo cho người lao động, đáp ứng được nhu cầu của hàng ngàn người lao động có tay nghề và có công ăn việc làm ổn định.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Số người trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn và miền núi tỉnh ta chiếm 70%. Trong 10 năm qua, số xuất cư lao động của Quảng Ngãi cao, do các phong trào di dân vào miền Nam làm ăn, cộng với việc các điều kiện khách quan (bão lũ) khiến người dân mất đất sản xuất nên buộc phải đi nơi khác để kiếm sống diễn ra phổ biến với số lượng tăng đáng kể. Điều đáng quan tâm là phần lớn số xuất cư lao động đều chưa qua đào tạo nghề, làm những công việc phổ thông. Theo thống kê số lao động ở Quảng Ngãi có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ có trên 100 ngàn người (trên 15% dân số trong độ tuổi lao động).
Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ảnh: P.Lý |
Riêng lao động nông thôn không có tay nghề chiếm gần 85%. Trong khi đó đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hoá trong sản xuất, nên tình trạng nông nhàn ngày càng phổ biến. Khiếm khuyết ở mặt này là do các cơ sở dạy nghề ở Quảng Ngãi còn yếu, chưa đào tạo nghề đa dạng so với nhiều tỉnh khác. Đồng thời do sự nhận thức về học nghề của lao động ở nông thôn còn hạn chế. Hầu hết thanh niên chỉ thích làm ngày nào lấy tiền ăn ngày nấy. Vì số lao động ở nông thôn cũng đặt câu hỏi: Đời sống đang khó khăn trước mắt, tiền đâu để đầu tư cho suốt thời gian theo học nghề và học xong rồi thì ai, nơi nào sẽ nhận vào làm?
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trương Đình Đức cho biết: Ngày 27/11/2009 Chính phủ đã có Quyết định 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (gọi tắt là Đề án 1956). Theo đề án này giai đoạn 2011-2015 sẽ đào tạo nghề cho 5,2 triệu lao động nông thôn trên cả nước, giai đoạn 2016-2020 sẽ đào tạo cho 6 triệu lao động nông thôn trên cả nước. Tổng kinh phí thực hiện trên cả nước dự kiến trên 40.000 tỷ đồng (từ ngân sách Nhà nước và vốn sự nghiệp).
Một trong những mục tiêu chủ yếu của đề án là chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo, sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo với chiến lược quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương. Đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình. Khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Đây là điểm mới trong Đề án 1956 và cũng là điểm mang tính bứt phá nhất.
Đối tượng của đề án là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.
Trong đề án có chính sách rõ ràng đối với người học nghề, đối với giáo viên, giảng viên và đầu tư cho cơ sở đào tạo nghề lao động nông thôn. Từ những chính sách trên hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện trong tỉnh khẩn trương triển khai Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" tại tỉnh, sao cho thiết thực và đạt hiệu quả cao nhất, ông Trương Đình Đức cho biết.
Bắt tay vào thực hiện Đề án 1956 trên địa bàn tỉnh ta ông Đức cho rằng, trước nhất cần tập trung tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, trường học về nâng cao nhận thức học nghề và những lợi ích cơ bản từ học nghề qua các chính sách khuyến khích của đề án, đào tạo nghề phải gắn với việc làm. Các cơ sở dạy nghề của Nhà nước phải đảm bảo cho phát triển lao động (đầu tư cơ sở thiết bị, giáo trình, giáo án…).
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các sở có liên quan, các hội đoàn thể, các địa phương trong tổ chức thực hiện đề án. Tạo điều kiện thuận lợi để huy động các làng nghề, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.
Để đạt chỉ tiêu đến hết năm 2010 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 26% và đến năm 2020 đạt 36% thì mỗi năm tỉnh phải đào tạo từ 1,7%- 2%/ tổng số người trong độ tuổi lao động (khoảng 14.000 - 15.000 người); đồng thời phải có cơ chế chính sách khuyến khích người lao động tham gia học nghề, đặc biệt là lao động ở nông thôn. Như vậy Đề án đào tạo nghề cho LĐ nông thôn đã có những chính sách ưu đãi và những đổi mới hơn nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của LĐ nông thôn và yêu cầu của thị trường LĐ, gắn đào tạo nghề với tạo việc làm tại chỗ và chuyển dịch cơ cấu LĐ.
Xuân Hiếu