“Cò” lao động

03:12, 12/12/2010
.
Thanh Thảo

(QNĐT)- UBND tỉnh Lâm Đồng đã chính thức trả lời công luận về vụ vi phạm pháp luật của 3 công ty môi giới lao động ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) khi tung các “cò lao động” về các tỉnh miền Trung dụ dỗ đưa người lao động nông nhàn tại các địa phương này lên Lâm Hà hái cà phê thuê cho các chủ vườn cà phê trong mùa vụ cà phê này, với mức lương “hứa” từ 3-4,5 triệu đồng, trong khi người lao động khi lên Lâm Hà mới vỡ lẽ họ chỉ nhận được 1,2-1,7 triệu đồng/tháng và phải lao động cật lực 12 giờ/ngày.

Lâu nay, trong xã hội ta đã xuất hiện một hình thức “lao động đặc biệt” gọi là “cò”, và “cò” xuất hiện trên rất nhiều lĩnh vực của đời sống, gây không ít bức xúc và cả những đau khổ cho những người dân thật thà.

Thực ra, vẫn có những người hay những công ty làm việc gọi là “trung gian” hay “môi giới”. Có điều, họ phải đăng ký hành nghề, phải nộp thuế và phải công khai mức “phần trăm” cho các dịch vụ môi giới hợp pháp của mình. Nhưng ở ta thì không vậy. Nhiều người lập những công ty “ma” đăng ký hành nghề khác nhưng thực chất là làm “cò” và tha hồ “chặt chém” những “khách hàng” rơi vào tay họ.

Chuyện tỉnh Lâm Đồng nói rằng mức lương các chủ vườn cà phê ở Lâm Hà “ra giá” để thuê nhân công hái cà phê mùa vụ là 1,2-1,7 triệu đồng/tháng là không có cơ sở. Vì với mức lương ấy, không thể nào thuê được nhân công, nhất là nhân công ở các tỉnh xa.

Mức lương công nhật cho lao động phổ thông trung bình bây giờ cũng đã ngót 100.000 đồng/ngày. Với lao động hái cà phê là loại lao động khá nặng nhọc, thì mức lương mà người lao động ở các tỉnh miền Trung được “hứa”-chính là mức lương thật mà các chủ vườn cà phê đã ra giá khi muốn thuê nhân công.

Nhưng trong thực tế, các chủ vườn không thể trực tiếp trả lương cho người lao động mà bắt buộc phải trả qua các công ty “cò”, vì có “cò” họ mới có lao động, nên đã bị các công ty này trừ “phí dịch vụ”-thực chất là ăn chặn- lên tới 70% và hơn nữa. Đó là mấu chốt vấn đề khi người lao động bị o ép, buộc phải ký hợp đồng với mức lương “ rẻ bất ngờ” so với mức lương “hứa”. Và họ đã phản ứng đòi về nhưng bị ngăn cản. Chứ nếu nói như tỉnh Lâm Đồng, thì phần “hứa cuội” lại thuộc về các chủ vườn cà phê, và đó là điều không thật. Hơn ai hết, các chủ vườn cà phê rất cần lao động trong mùa thu hoạch, và họ biết phải thuê với giá bao nhiêu để có người lao động.'

Vấn đề là nếu các chủ vườn cà phê, thông qua Hiệp hội cà phê của mình, đề đạt nhu cầu thuê lao động, và Hiệp hội đứng ra làm trung gian để liên kết với các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh miền Trung giúp tuyển nhân công, mức lương rõ ràng, thì đã không có những chuyện đau lòng như thế xảy ra cho người lao động, và thiệt hại ngay tới các chủ vườn cà phê có nhu cầu thuê nhân công. Các “Cty cò” như thế cũng không “có đất” để lừa đảo./.  

.