Mô hình bán trú ở trường tiểu học Long Sơn

09:11, 02/11/2010
.

(QNg) - Trường tiểu học xã Long Sơn là một trong số rất ít trường học ở huyện Minh Long đã huy động được các em học sinh lớp 4,5 ở các điểm trường xa về học tại trường trung tâm xã, theo hình thức bán trú. Nhờ đó đã hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học, kết quả học tập của các em cũng được nâng lên rõ rệt. Trong tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, chưa có nhà ăn, nhà ở bán trú cho các em, thì những nỗ lực của các thầy cô giáo ở đây là rất đáng ghi nhận.

Trên đường đến Trường tiểu học xã Long Sơn chúng tôi gặp hơn chục trẻ em đang mải miết đạp xe. Hỏi chuyện tôi được biết: Các em là học sinh lớp 4, lớp 5 của Trường tiểu học Long Sơn. Nhà các em ở thôn Gò Tranh, cách điểm trường trung tâm hơn 10 km. Những em ở xóm Gò Tranh dưới thì đỡ hơn, vì con đường từ nhà đến trường có thể đi bằng xe đạp, còn những em ở xóm Gò Tranh giữa thì phải mất thêm 1 giờ đi bộ nữa. Tính ra mỗi ngày các em phải vượt qua hơn 20 km. Đó là chưa nói đến những hôm phải học 2 buổi/ngày thì con đường đến trường dài gấp đôi, quả là quá sức ở lứa tuổi này. Các em cho biết: đi xa rất mệt, có hôm trời mưa không qua suối được, đành phải nghỉ học.
 
Em Đinh Thị Săm (học sinh lớp 5), nhà ở xóm Gò Tranh dưới nói: “Nhà ở rất xa, em đạp xe đi về mệt quá. Em ưng nhà trường có nơi ăn nơi nghỉ để chúng em ở bán trú luôn, để em có điều kiện học tốt hơn”.
 
Học sinh vùng cao đến trường.
Học sinh vùng cao đến trường.

Thực tế trong điều kiện không có nơi ăn, không có nơi nghỉ, thì việc tổ chức cho các em học bán trú là rất khó khăn. Qua rất nhiều trăn trở đắn đo, đến học kỳ II năm học 2009 – 2010 sau khi bàn bạc cùng với phụ huynh học sinh, lãnh đạo xã và Phòng giáo dục, nhà trường đã mạnh dạn tổ chức cho các em ăn nghỉ bán trú. Trường thành lập Ban quản lý lớp học bán trú, phân công mỗi lớp 2 giáo viên phụ trách. Mỗi tuần 3 buổi các em được ăn và nghỉ trưa tại trường, để buổi chiều tiếp tục học. Nhà trường hợp đồng với hộ dân tổ chức nấu ăn cho các em.
 
Mỗi suất ăn là 8.000đ, được lấy từ nguồn hỗ trợ đối với học sinh nghèo thuộc Chương trình 112 của Chính phủ. Nơi nghỉ trưa của giáo viên phụ trách và các em là các phòng học trong trường. Cô Huỳnh Thị Thuỷ - Giáo viên phụ trách một lớp bán trú cho biết: “Từ khi trường tổ chức ăn trưa ở lại của các em, những  giáo viên dạy chiều thì 10 giờ phải đến trường để dẫn các em đi ăn trưa, sau đó dẫn các em về nghỉ trưa. Giáo viên phải chăm sóc cho các em”.

Trong năm học vừa qua Trường tiểu học Long Sơn có 377 học sinh (với 29 lớp), có 6 điểm trường lẻ tại các thôn, điểm xa nhất cách trường trên 15 km. Việc đi lại học tập của các em gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Để tập trung được các em về học bán trú tại điểm trường trung tâm, nhà trường đã tổ chức họp với cha mẹ học sinh ở từng thôn; tuyên truyền vận động họ và ký cam kết đưa các em về học bán trú. Bước đầu tổ chức được 3 lớp (với 47 em). Các em có điều kiện tiếp xúc cùng nhau vui chơi, giúp nhau trong học tập và có điều kiện để nhà trường phụ đạo thêm cho các em.

Kết quả cuối năm học có 12% tổng học sinh đạt loại giỏi, 34% khá, 51,7% trung bình, tỷ lệ học sinh yếu giảm xuống chỉ còn 2,3%. Thầy giáo Nguyễn Trung - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đối với các trường miền núi thì có nhiều em nhà ở xa, hằng ngày đi học rất khó khăn, có em đành phải nghỉ học. Do đó nhà trường mạnh dạn đưa các em về nhằm nâng cao chất lượng học và duy trì số lượng. Năm học qua cho thấy chất lượng nâng lên rõ rệt; năm nay trường tiếp tục mở thêm được 5 lớp, có 92 em. Khó khăn của trường hiện nay là cơ sở vật chất, chưa có nhà ăn, nhà để các em ở”.

Không chỉ riêng Trường tiểu học Long Sơn, mà hầu hết các trường khác ở huyện Minh Long đều mong muốn được đầu tư về cơ sở vật chất, để thực hiện mô hình bán trú dân nuôi. Có như vậy mới mong hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng và nâng cao được chất lượng học tập của các em học sinh người dân tộc thiểu số ở huyện miền núi này.

Đại Thanh

.