Đào tạo nghề thế nào?

10:09, 27/09/2010
.

(QNg)- Khi tiến trình công nghiệp hoá đang tăng tốc trên khắp cả nước, thì vấn đề thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cũng trở nên bức xúc. Ở nhiều trung tâm công nghiệp lớn, việc tuyển được thợ lành nghề trên các lĩnh vực khác nhau đã trở nên khó khăn. Số lượng thợ lành nghề được đào tạo chính qui qua các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề là không đủ đáp ứng nhu cầu.

Trong khi đó lại xuất hiện một nghịch lý: sau 5 năm chính thức được Bộ GD&ĐT công nhận là một loại hình đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, các trường cao đẳng(CĐ) và trung cấp(TC) nghề vẫn hoạt động trong tình trạng “chợ chiều”, vì “đầu vào” là học sinh học nghề thì ít, trong quá trình học lại bị “hao hụt quân số” do học sinh bỏ học, nên “đầu ra” chưa biết chất lượng như thế nào, nhưng số lượng thì rất thiếu, rất hẻo. Vì sao như vậy?

Có một nguyên nhân là ở nước ta hiện nay, tâm lý “học làm thầy” vẫn lấn át tâm lý “học làm thợ”. Ngay khi học cao đẳng, thì học trường cao đẳng “chay” vẫn “oai” hơn học “cao đẳng nghề”. Đó là một tâm lý đã hình thành từ lâu và cho tới nay vẫn không hề suy giảm - một tâm lý hết sức tai hại cho chính công cuộc công nghiệp hoá đất nước. Những nước phát triển khác công tác đào tạo của họ rất cân bằng và bao giờ số lượng” thợ” cũng nhiều hơn số lượng “thầy”. vì đầu vào để học làm thầy không dễ, nhưng trong quá trình đào tạo theo hình tháp, “đầu ra” của “thầy” là khó, rất khó. Vì thế, thầy ra thầy.

Còn ở ta, có những trường đại học chuyên ngành này, nhưng lại mở “cơ sở 2” hoặc “liên kết đào tạo” chuyên ngành khác nhiều khi không ăn nhập gì với chuyên ngành mình, như đại học kiến trúc lại mở thêm khoa…quản trị kinh doanh-ngành học chỉ dành cho các trường đại học kinh tế. Đào tạo tràn lan như vậy thì chất lượng kém đã đành, mà sinh viên khi ra trường không biết tìm đâu ra việc làm, còn việc làm thì cũng khó tìm được ra người biết việc, cứ lẩn quẩn và bế tắc như thế.

Còn một nguyên nhân khác khiến các trường dạy nghề theo hệ cao đẳng và trung cấp rơi vào cảnh chợ chiều, vì trong chương trình bắt buộc học sinh phải học những môn “văn hoá” như toán, lý, hoá, văn, tiếng Việt - những môn lẽ ra chỉ bắt buộc học trong hệ thống trường phổ thông. Chính các môn học “văn hoá” bắt buộc này đã khiến học sinh học nghề nản lòng và bỏ học rất nhiều. Trong khi nhiều học sinh học nghề đã tỏ ra có khiếu học nghề và say mê hành nghề. Học văn hoá là chuyện học suốt đời, và khi người học có nhu cầu tự thân phải học, thì họ sẽ tìm học, tự học. Còn nếu bắt buộc phải học ngay khi họ đã rất vất vả để vượt qua chương trình phổ thông, thì chuyện bỏ học trong trường dạy nghề là dễ hiểu. Cách cấu tạo chương trình các trường dạy nghề cần điều chỉnh lại. Khi dạy nghề, thì cái chính là phải dạy nghề cho tinh, cho thạo, và dạy thế nào để phát huy được năng lực hành nghề của học sinh.

Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực phải bắt đầu ngay từ cách cấu tạo chương trình, và tạo sự hấp dẫn cho chương trình dạy và học từ các trường dạy nghề. Học nghề là học “lấy cái nghề”, chứ không phải “lấy cái bằng”.

Thanh Thảo

.