(QNĐT)- Công tác xuất khẩu lao động ở miền núi Ba Tơ mới bắt đầu trong những năm gần đây nhưng đã có những bước tiến rõ rệt, dẫn đầu trong các huyện miền núi của tỉnh. Nhờ vậy mà đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao.
* Malaysia- điểm đến đầy triển vọng
Năm 2009 huyện Ba Tơ có gần 50 lao động tham gia xuất khẩu lao động ở các nước. Đây là một trong hai huyện miền núi đạt tỉ lệ xuất khẩu lao động cao nhất tỉnh. Sáu tháng đầu năm 2010, toàn tỉnh có 309 lao động đã xuất cảnh thì Ba Tơ có 106/150 lao động, đạt trên 70% kế hoạch. Trong đó, xã Ba Xa có đến 42 lao động.
Ông Võ Duy Yên - Giám đốc TT Giới thiệu việc làm Quảng Ngãi (Sở LĐ-TH&XH tỉnh) cho biết: Năm 2008, Trung tâm bắt đầu tổ chức tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động tại huyện Ba Tơ nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Bởi lẽ, người dân chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề xuất khẩu lao động.
Nhưng đến nay, sau gần 2 năm lao động, nhiều em đã thông tin và gửi tiền về cho gia đình trả nợ ngân hàng, xây mới nhà cửa, mua sắm nhiều đồ dùng sinh hoạt trong gia đình… Thấy vậy nên nhiều thanh niên đã tự nguyện đến Trung tâm đăng ký đi xuất khẩu lao động. Từ đó việc tuyên truyền cũng dễ dàng hơn, số người đăng ký đi xuất khẩu lao động cũng tăng lên.
Cũng theo ông Yên, lao động ở thành thị và một số huyện đồng bằng có mặt bằng dân trí cao thường chọn các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Còn lao động miền núi có trình độ thấp nên họ thích hợp với thị trường Malaysia. Đây là thị trường “dễ tính” nhất hiện nay. Họ không yêu cầu trình độ, chủ yếu là lao động phổ thông, tay nghề không cao. Trung bình mỗi lao động được nhận từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Đây là một khoảng tiền không nhỏ đối với lao động miền núi.
* Làng mình khá lên rồi
Đường đến Ba Xa nay đã được bê tông hoá thuận lợi cho việc đi lại của bà con. Chỉ tay về phía những ngôi nhà mới xây khá khang trang, ông Phạm Văn Ố - Chủ tịch UBND xã Ba Xa tự hào: “Làng mình khá lên rồi, nhiều ngôi nhà được xây mới. Ti vi, xe máy… không còn lạ gì đối với bà con. Một phần là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, một phần là nhờ con em đi xuất khẩu lao động.
Nhiều ngôi nhà mới trên đất Ba Xa (Ba Tơ) được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều từ nguồn tiền xuất khẩu lao động. |
Đến nay toàn xã đã có khoảng 100 em đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Hằng năm các em gởi tiền về cho gia đình khoảng vài chục triệu là chuyện thường. Như anh Phạm Văn Găm đi xuất khẩu lao động ở Malaysia từ tháng 9/2008. Sau gần hai năm lao động ở nước sở tại, anh Găm đã ba lần gửi tiền về cho gia đình, với tổng số tiền hơn 70 triệu đồng.
Gia đình Găm vốn đông anh em, sống dựa vào 8 sào lúa và 1 ha rẫy. Vì nhà quá nghèo nên không có tiền mua thuốc, phân bón nên năng suất lúa đạt thấp, rừng chậm phát triển…Vì thế mà anh Găm quyết đi xuất khẩu lao động để phụ giúp gia đình. Đến nay gia đình anh đã trả hết nợ ngân hàng, tích luỹ được một ít vốn đầu tư trồng rừng, đời sống gia đình cũng dần ổn định.
Hoàn cảnh anh Phạm Văn Béo (33 tuổi), ở thôn Gò Re còn đáng thương hơn. Lập gia đình khi tuổi 20, nay anh đã có hai đứa con đều đang đi học. Hai vợ chồng chỉ có mỗi sào rẫy nên cơm gia đình bữa đói bữa no.
Hằng ngày hai vợ chồng phải thức dậy rất sớm để lên rẫy. Những lúc nhàn rỗi anh chị đi làm thuê cho những hộ lân cận, nhưng tiền công cũng chẳng được bao nhiêu vì bà con ai cũng còn khó khăn như nhau. Hộ khá trong thôn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Khi nghe địa phương cùng các nhân viên bên Trung tâm vận động người dân đăng ký đi xuất khẩu lao động, anh anh Béo cũng như nhiều thanh niên khác tỏ vẻ ngần ngại. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, vả lại thấy cuộc sống của nhiều thanh niên đi lao động trước ngày càng khấm khá nên anh quyết định đăng ký” - Chị Phạm Thị Biểu, vợ anh Béo tâm sự.
Chỉ mới đi được vài tháng nhưng anh Béo đã gửi về cho vợ con 25 triệu đồng để trả nợ ngân hàng và mua sắm đồ dùng trong gia đình cũng như quần áo cho các con bước vào năm học mới. Nỗi cơ cực của vợ chồng anh cũng đã dần vơi đi phần nào.
Bài, ảnh: Trịnh Phương