Trẻ em mưu sinh

10:06, 01/06/2010
.
Thanh Thảo

(QNĐT) - Ngày 1/6 là ngày Quốc tế thiếu nhi lại nhắc cho chúng ta một nỗi lo ngay trên đất nước mình. Đó là tình trạng trẻ em phải nghỉ học và phải lao động kiếm sống, kể cả phải làm những việc hết sức cực nhọc nguy hại đến sức khoẻ và sự phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.
Chỉ tính riêng tỉnh An Giang, theo thống kê đã có 12.000 trẻ em phải vào đời lao động sớm. Tại các lò gạch thủ công đã xuất hiện những em bé chỉ mới hơn 10 tuổi phải gùi cõng gạch để kiếm tiền nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Có những em bé phải gùi cõng một lần tới 36 viên gạch.

Với những em bé ấy nếu xét 7 lĩnh vực thuộc về sự phát triển của trẻ em như giáo dục, y tế, nước sạch và điều kiện vệ sinh, không lao động sớm, vui chơi giải trí, nhà ở, bảo trợ xã hội thì rất nhiều em “ngoài vùng phủ sóng” của tất cả các tiêu chuẩn ấy.
 
Để kiếm tiền giúp gia đình, nhiều trẻ phải phải ngâm mình gần 5 giờ đồng hồ dướii nước để bắt hàu bán. Ảnh: M.T
Để kiếm tiền giúp gia đình, nhiều trẻ phải ngâm mình gần 5 giờ đồng hồ dưới nước để bắt hàu bán. Ảnh: M.T

Nghĩa là các em đã tới tận cùng của nghèo cực, đã là những đối tượng mà “quyền trẻ em” chỉ còn là một hư từ hay một mơ ước quá xa vời! Và một điều đáng báo động nhất, là trong số trẻ em buộc phải vào đời lao động sớm, thì hầu hết đều có xuất thân từ nông thôn, là con em nông dân nghèo.

Nhìn vào số lượng trẻ em phải lao động cực nhọc từ sớm ấy có thể đánh giá chất lượng sống của từng khu vực, từng vùng miền trong cả nước, cũng như tính được số lượng hộ nghèo một cách tương đối chính xác. Tình trạng trẻ em bị bạo hành, bị ngược đãi do phải lao động sớm, bị tha hoá và hư hỏng do phải đơn thân “vào đời” mà không được bất cứ sự dẫn dắt hay bảo trợ nào là tình trạng phải được “báo động đỏ” hiện nay.

Tình trạng ấy càng được nhắc nhớ một cách riết róng mỗi khi chúng ta kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.

Trên thế giới này tình trạng trẻ em mưu sinh sớm không phải là ít, nhưng nó tập trung nhất ở những nước chậm phát triển. Nếu chỉ nhìn vào chỉ số GDP để đánh giá mức thu nhập và chất lượng cuộc sống thực sự của người dân, thì sẽ không sao lý giải nổi vì sao ở vựa lúa của cả nước là đồng bằng sông Cửu Long mà tỉ lệ trẻ em nghèo đa chiều được xét theo 7 lĩnh vực như đã nêu trên chiếm tới 52,8% (con số của Tổng cục thống kê). Chỉ đứng sau vùng Tây Bắc (64,6%). 12.000 trẻ em nghèo phải vào đời sớm ở tỉnh An Giang và con số 52,8% trẻ em nghèo đa chiều thuộc đồng bằng sông Cửu Long báo động với chúng ta một điều: Phải nhìn vào chất lượng cuộc sống trẻ em để đánh giá chất lượng cuộc sống thực sự của người dân, của hộ dân.

Khi trẻ em của chúng ta phải sống khốn khổ đến vậy, thì không thể nói tỉ lệ hộ nghèo đang giảm nhanh được! Một góc nhìn buồn và đau về tình trạng trẻ em mưu sinh sớm trong ngày 1/6 có thể cảnh tỉnh chúng ta nhiều điều.

Thảm cảnh mà bé Hào Anh ở Cà Mau phải chịu đựng chỉ là trường hợp tiêu biểu cho vô số trường hợp trẻ em phải đi làm thuê làm mướn từ khi tuổi còn quá nhỏ./.

.